(CMO) Qua hơn 10 năm thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người đi mô-tô, xe gắn máy đã giảm thiểu thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ của con người do tai nạn giao thông gây ra.
Ra đời từ ngày 15/9/2007, Nghị quyết 32/2007 của Chính phủ về thực hiện đội mũ bảo hiểm khi đi mô-tô, xe gắn máy thực sự đi vào cuộc sống.
Ông Nguyễn Thanh Bằng, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Cà Mau, cho biết: “Thành công nhất của Nghị quyết 32/2007 là ra đời đúng thời điểm, hợp lòng dân. Công tác tuyên truyền được triển khai đến tận cơ sở, tạo được sự đồng thuận rất cao trong các tầng lớp Nhân dân. Đội nón bảo hiểm khi đi xe máy đã trở thành thói quen của mỗi người khi tham gia giao thông".
Vẫn còn nhiều bậc phụ huynh xem nhẹ vai trò của chiếc mũ bảo hiểm cho trẻ nhỏ khi lưu thông trên đường. |
Theo đánh giá của các ngành chuyên môn, hiện số người đội mũ khi tham gia giao thông trên địa bàn tỉnh đạt trên 98%. Chỉ rải rác một số nơi tại các địa bàn nông thôn vẫn còn số ít trường hợp chưa có ý thức chấp hành.
Cùng với đó, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm cũng được các đơn vị chức năng chú trọng. Sở Công thương, chủ công là Chi cục Quản lý thị trường và Sở Khoa học và Công nghệ thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương thanh tra, kiểm tra về tiêu chuẩn, nhãn hàng hoá; kiểm tra, kiểm soát kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ hàng giả, hàng kém chất lượng đối với các mặt hàng mũ bảo hiểm cho người đi xe mô-tô, xe gắn máy. Đồng thời, yêu cầu doanh nghiệp ký cam kết không bán mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng theo quy định.
Gần đây đã tổ chức triển khai 12 cuộc thanh tra, kiểm tra hơn 174 cơ sở kinh doanh mũ bảo hiểm. Qua đó, có 13.334 mũ vi phạm các lỗi như: ghi nhãn hàng hoá không đúng quy định, cơ sở bán mũ bảo hiểm không dấu “CR”, kinh doanh mũ bảo hiểm không có tên nhãn hàng hoá, không có tên và địa chỉ cơ sở sản xuất… Đã lập biên bản xử lý, phạt hành chính hơn 45 triệu đồng.
Việc thường xuyên kiểm tra, xử lý đã hạn chế rất nhiều hành vi vi phạm trong kinh doanh mũ bảo hiểm. Song song đó, ý thức tự giác của phần lớn người dân đội mũ bảo hiểm khi trong tham gia đã phần nào hạn chế tai nạn, chấn thương do không đội mũ bảo hiểm gây ra.
Xây dựng nếp ứng xử trong văn hoá giao thông chính là tạo cho mình thói quen tự giác chấp hành các quy định khi tham gia giao thông, dù chỉ là việc nhỏ nhất, ngay từ hôm nay. Thực hiện đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông cũng xuất phát từ những việc làm nhỏ đó để có những lợi ích to cho bản thân, gia đình và cộng đồng./.
Song Khuê