(CMO) Từ đầu năm đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp trên 23.000 hộ được vay vốn với số tiền 614 tỷ đồng. Nguồn vốn này đã giúp các hộ đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn trái, mua giống, phân bón... phục vụ sản xuất và dịch vụ kinh doanh buôn bán nhỏ… Từ đó, tạo thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng NTM và an sinh xã hội tại địa phương.
Giao dịch tại xã giúp tiết giảm chi phí, thời gian đi lại cho Nhân dân. (Ảnh chụp tại xã Tân Hưng Ðông, huyện Cái Nước trước khi thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ). |
Phó giám đốc phụ trách Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Cà Mau Nguyễn Quốc Bảo chia sẻ: "Do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên hoạt động của ngân hàng gặp không ít khó khăn. Theo đó, ngân hàng đã chỉ đạo phòng giao dịch tại các huyện thực hiện nghiêm túc các giải pháp an toàn giao dịch tại xã; phòng ngừa dịch Covid-19 trong hoạt động tín dụng chính sách. Ðặc biệt là thực hiện các chỉ tiêu đề án củng cố nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng chính sách (đề án) giai đoạn 2021-2023 và phát động các đợt thi đua để động viên, khích lệ các đơn vị có thành tích đóng góp nhằm hoàn thành tốt chỉ tiêu kế hoạch được cấp trên giao".
Hiện hoạt động giao dịch tại các xã đã đi vào ổn định, đảm bảo mỗi tháng tổ chức ít nhất 1 ngày giao dịch cố định. Từ đó tiết giảm chi phí, thời gian đi lại cho người dân. Nguồn vốn tín dụng chính sách của Chính phủ được quản lý, giám sát chặt chẽ và công khai minh bạch tại khóm, ấp và tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV). Tại buổi giao dịch xã, ngân hàng tổ chức họp giao ban với chính quyền địa phương, hội, đoàn thể nhận uỷ thác, Tổ TK&VV để đánh giá kết quả đạt được, thuận lợi, khó khăn và đề ra giải pháp khắc phục.
Tại điểm giao dịch xã luôn thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch như: trang bị bảo hộ cho cán bộ ngân hàng (khẩu trang, kính chống giọt bắn, tấm chắn mica trong suốt đặt trên bàn giao dịch...); trang bị đầy đủ nước rửa tay sát khuẩn; khử khuẩn bề mặt bàn, ghế, công cụ làm việc trước và sau khi giao dịch; đảm bảo giãn cách khi tiếp xúc; yêu cầu tất cả khách hàng vào giao dịch với ngân hàng phải đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn và đeo khẩu trang.
Ông Nguyễn Quốc Bảo cho biết: Những tháng đầu năm, do ảnh hưởng của dịch Covid 19 và hạn hán xâm nhập mặn nên người dân bị thiệt hại lớn, thu nhập không ổn định, đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách là bộ phận hộ yếu thế trong xã hội nên gặp nhiều khó khăn trong thực hiện đề án.
Ông Nguyễn Quốc Bảo thông tin: "Thực hiện công tác triển khai cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh theo Nghị quyết số 68 và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ, NHCSXH tỉnh đã rà soát tiếp cận được 282 doanh nghiệp (DN), trong đó có 18 DN ngừng hoạt động với 356 lao động. Tuy nhiên, hiện mới có 3 DN có nhu cầu vay vốn với 92 lao động đang xin xác nhận BHXH để làm hồ sơ vay vốn và ngân hàng đã hướng dẫn thủ tục hồ sơ vay cho người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc dự kiến số tiền là 360 triệu đồng".
Theo ông Nguyễn Quốc Bảo, thời gian tới, NHCSXH sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Trung ương và chính quyền địa phương. Ðồng thời, tập trung thực hiện tốt mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch vừa hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn được giao. Theo đó, sẽ chủ động và quyết liệt phối hợp với các cơ quan Bảo hiểm xã hội, thuế, Lao động - Thương binh và xã hội, Kế hoạch và Ðầu tư, Hiệp hội Doanh nghiệp, Giao thông vận tải…. cung cấp kịp thời thông tin người sử dụng lao động có nhu cầu, đủ điều kiện vay vốn theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để triển khai cho vay nhanh chóng, kịp thời, đúng quy định./.
Phúc Duy