Hiện nay, câu chuyện hỗ trợ, giúp đỡ người nghiện sau khi hoàn thành thời gian cai nghiện bắt buộc về địa phương tái hoà nhập cộng đồng vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn đối với nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Trong đó, công tác hỗ trợ, tư vấn tâm lý, xã hội, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề, vay vốn… đang là trở ngại. Việc phát huy vai trò hoạt động của Đội công tác xã hội tình nguyện chưa thực sự hiệu quả đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến việc quản lý sau cai.
Phóng viên báo Cà Mau cùng chị Lê Thanh Thảo, Đội Trưởng Đội công tác xã hội tình nguyện xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau để tìm hiểu về 1 đối tượng được hỗ trợ sau cai trên địa bàn. Được đưa về địa phương từ tháng 9/2023, em N.V.S, sinh năm 1997, ngụ ấp Lung Dừa, xã Lý Văn Lâm tỏ ra rất khó chịu khi gặp gỡ phóng viên. Hỏi về nguyện vọng để được vay vốn, tìm kiếm việc làm trong thời gian tới, em S khẳng định là không cần. Đây cũng là 1 trong 7 trường hợp sau cai trả về địa phương đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có nhu cầu về việc làm, cũng như hỗ trợ nguồn vốn để phát triển cuộc sống.
Công tác hỗ trợ người sau cai chưa phát huy hiệu quả, hầu hết người sau cai vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn vay, cũng như việc làm ổn định, hạn chế tái nghiện. (Ảnh minh hoạ)
Chị Lê Thanh Thảo cho biết: “Chúng tôi cũng đã rà soát, thông báo, nhưng đến nay các ấp có quản lý đối tượng sau cai vẫn không phản hồi gì về việc hỗ trợ đối với đối tượng này. Mặc khác, việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người sau cai nghiện vẫn chưa sát, nên không biết họ cần gì để hỗ trợ”. Đây cũng là khó khăn chung của nhiều địa phương trên địa bàn TP Cà Mau.
Theo số liệu thống kê, trên địa bàn TP Cà Mau có 36 người hoàn thành việc cai nghiện bắt buộc về địa phương hoà nhập cộng đồng, nhưng chỉ có 6 người có việc làm ổn định (có khả năng không tái nghiện), trong đó, có trường hợp tự tạo công việc tại gia, có trường hợp tự tìm kiếm những công việc làm thuê, làm mướn khác, việc tiếp cận với sự hỗ trợ từ địa phương hầu như không có. Mặc dù 17/17 đơn vị xã, phường đã kiện toàn Đội công tác xã hội tình nguyện, nhưng việc hỗ trợ tư vấn tâm lý, xã hội, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề, vay vốn… hầu hết các đơn vị thực hiện rất khó khăn.
Theo đánh giá chung qua đợt kiểm tra thực tế công tác phân công người tư vấn tâm lý, xã hội, quản lý hỗ trợ người sau cai nghiện ma tuý, người bị quản lý sau cai nghiện của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cà Mau. Mặc dù ngành chức năng, chính quyền địa phương thường xuyên quan tâm đến công tác quản lý sau cai, góp phần hạn chế tình trạng tái nghiện, nhưng việc giới thiệu việc làm cho người sau cai nghiện vẫn gặp nhiều khó khăn. Số đông người dân vẫn kỳ thị người nghiện, đa phần người sau cai vẫn chưa chịu khó làm ăn, trình độ thấp, không có tay nghề nên khó xin việc làm.
Trong quá trình cai nghiện, học viên tại Cơ sở cai nghiện ma tuý tỉnh Cà Mau được dạy nghề, nhưng sau khi về địa phương vẫn chưa tìm được việc làm phù hợp. (Ảnh minh hoạ)
Bên cạnh đó, nhiều địa phương vẫn chưa ra quyết định phân công người tư vấn tâm lý, xã hội, quản lý, hỗ trợ người cai nghiện, người bị quản lý sau cai nghiện ma tuý, vì vậy kinh phí hỗ trợ cũng chưa được thực hiện. Cùng với đó, các ban, ngành, đoàn thể và người được phân công hỗ trợ vẫn chưa phối hợp chặt, chưa có phương pháp giáo dục, quản lý người nghiện và sau cai nghiện dẫn đến hiệu quả trong công tác này vẫn chưa thực sự như mong muốn.
Đây cũng là khó khăn chung trong công tác quản lý sau cai của nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Để công tác này thực sự đi vào chiều sâu, phát huy được hiệu quả, ngoài việc quản lý sát sao, chặt chẽ của chính quyền địa phương, cần có sự vào cuộc của cả cộng đồng, góp phần giảm thiểu số người tái nghiện./.
Lê Chí