(CMO) Đội ngũ cán bộ đa phần không có trình độ chuyên môn, chỉ dựa vào kinh nghiệm hoặc uy tín; mức hỗ trợ thấp trong khi điều kiện đi lại khó khăn là một số khó khăn trong công tác hoà giải ở cơ sở được đại diện Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau phản ánh tại buổi làm việc với đoàn giám sát HĐND tỉnh.
Sau 3 ngày thực hiện giám sát thực tiếp tại các huyện: Thới Bình, Ngọc Hiển và Đầm Dơi, sáng 31/7, đoàn giám sát HĐND tỉnh Cà Mau có cuộc giám sát về tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về hoà giải ở cơ sở tại Sở Tư pháp.
Theo báo cáo của Sở Tư pháp, từ năm 2015 đến nay, công tác củng cố, kiện toàn các tổ hoà giải luôn được UBND các cấp quan tâm chỉ đạo tổ chức thực hiện theo Nghị định 15/2014/NĐ-CP. Tính đến tháng 6/2020, toàn tỉnh có 949 tổ hoà giải, với 6.238 hoà giải viên, đã tiếp nhận 12.521 vụ việc. Trong đó, đã tổ chức đưa ra hoà giải thành 9.962 vụ việc. Đa phần các vụ việc phát sinh từ các tranh chấp do mâu thuẫn vay mượn tiền, vàng, góp hụi, đất đai, nội bộ gia đình.
Ông Trần Hoàng Lộc, Phó giám đốc phụ trách Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau trình bày những khó khăn trong công tác hoà giải ở cơ sở. |
Ông Trần Hoàng Lộc, Phó giám đốc phụ trách Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau, phản ánh, đội ngũ cán bộ làm công tác hoà giải ở ấp, khóm đa phần không có trình độ chuyên môn, chỉ dựa vào kinh nghiệm hoặc uy tín tại khu dân cư nên công tác hoà giải gặp không ít khó khăn. Trên thực tế, tỷ lệ vụ việc hoà giải thành ở cơ sở đạt cao từ 70-80%, tuy nhiên kinh phí hỗ trợ cho các tổ hoà giải rất thấp, 200 ngàn đồng/vụ hoà giải thành, 150 ngàn đồng/vụ không thành. Trong khi đó mỗi tổ hoà giải có từ 3-7 hoà giải viên; dân cư sống phân tán, điều kiện đi lại khó khăn dẫn tới hoạt động của các tổ hoà giải cơ sở chưa phát huy tốt vai trò, vị trí trong cộng đồng dân cư.
Các thành viên trong đoàn giám sát đánh giá, công tác hoà giải ở cơ sở đã giúp giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, qua đó góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và phát huy quyền làm chủ trực tiếp của Nhân dân, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Tại buổi giám sát, các thành viên đoàn giám sát còn thảo luận các vấn đề liên quan đến công tác tuyên truyền, phổ biến luật hoà giải ở cơ sở; việc tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ hoà giải viên ở cơ sở; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết các vụ việc của các tổ... nhằm nâng cao chất lượng hơn nữa công tác hoà giải ở cơ sở trong thời gian tới./.
Trung Đỉnh