Hiện nay, một số trường nằm xa trung tâm huyện Ngọc Hiển học sinh phải đi học bằng phương tiện đò. Những trắc trở của đường đến trường ảnh hưởng không nhỏ đến việc học tập cũng như định hướng tương lai của các em học sinh nơi đây.
Hiện nay, một số trường nằm xa trung tâm huyện Ngọc Hiển học sinh phải đi học bằng phương tiện đò. Những trắc trở của đường đến trường ảnh hưởng không nhỏ đến việc học tập cũng như định hướng tương lai của các em học sinh nơi đây.
Theo ông Trần Văn Út, Trưởng Phòng GD&ÐT huyện Ngọc Hiển, so với những năm mới chia tách thì giáo dục huyện Ngọc Hiển đang có nhiều khởi sắc, trường lớp được xây dựng ngày càng khang trang, lộ giao thông cũng được quan tâm đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, trong tổng số 30 trường học trên địa bàn huyện Ngọc Hiển còn khoảng 10 trường học, với trên 1.000 em học sinh đi học bằng phương tiện thuỷ.
Phần đông các em học sinh ở huyện Ngọc Hiển đến trường bằng đò. (Ảnh: Học sinh Trường Tiểu học Tân Ân Tây đến trường). |
Cũng theo ông Út, hiện số trường có lượng học sinh đi học bằng đò nhiều nhất tập trung ở các xã: Tân Ân Tây, Tam Giang Tây, Viên An Ðông, Viên An, Ðất Mũi…, ngoài số phương tiện phụ huynh đưa rước, học sinh phải đi học ngày 2 buổi bằng đò. Nhiều phụ huynh nhà xa trường, vì cuộc sống khó khăn nên đành chấp nhận cho con em nghỉ học sớm để phụ giúp gia đình.
Song, cũng có những gia đình quyết tâm lo cho con ăn học như gia đình ông Trần Văn Hùng ở Ấp Tam Hiệp, thị trấn Rạch Gốc. Nhà ông Hùng cách trường gần 5 cây số, năm nay con ông học lớp 5, Trường Tiểu học thị trấn Rạch Gốc, ông vẫn quyết tâm dùng vỏ máy để đưa con đến trường hằng ngày.
Ông Hùng bộc bạch: “Ở đây không có đò đưa rước nên phải tự đưa đi. Vừa tốn tiền ăn cho mấy cháu, cộng tiền xăng nữa là khoảng 100.000 đồng/ngày. Việc đưa các cháu đi học, nhà xa quá phải ở lại đợi tan trường rồi rước về luôn, công việc cũng bỏ hết. Nhưng phải cố gắng đưa các cháu đi học, nước ròng cũng phải đẩy để các cháu không bị trễ giờ”.
Việc đi học bằng phương tiện thuỷ không những lo về chi phí nhiên liệu mà các em còn phải đối mặt với nhiều nguy hiểm, tiềm ẩn những rủi ro trên sông nước. Ông Lâm Cộng, ấp Tân Tiến, xã Tân Ân Tây, có con học tại Trường Tiểu học 1 Tân Ân Tây, chia sẻ lo lắng của mình: “Ði xuồng khó hơn đi xe, nước ròng sát, các cháu nhỏ xuống không được phải cõng xuống xuồng. Khi nước cạn, không đi được phải đẩy”.
Vì quyết tâm lo cho con cháu có được cái chữ, nhiều gia đình xa trường hàng chục cây số, mỗi ngày đồng hành cùng con em đến trường. Dù con đường đến trường có gian nan, phải chịu cảnh nước nghịch, các em vẫn được đến trường đúng giờ, vẫn được đảm bảo an toàn trên sông.
Chị Nguyễn Mỹ An, mẹ em Lê Dương Em, học sinh Trường Tiểu học 1 Viên An Ðông, cho biết: “Vào năm học mới phải mua quần áo, sách vở cũng tốn vài triệu đồng. Nỗi lo đó chưa phải là hết, hằng ngày phải trả thêm 10.000 đồng tiền đò, rồi tiền ăn uống cho con, mỗi tháng ít nhất cũng vài trăm ngàn đồng. Nhiều gia đình phải bóp bụng lo cho con có được kiến thức để sau này tự nuôi sống bản thân”.
Anh Nguyễn Văn Thanh, chủ đò ở ấp Xẻo Ngang, xã Viên An Ðông, chia sẻ: “Ðò tôi chở khoảng 15-20 em, chở từ ấp Xẻo Ngang qua trường bên Tân Ân Tây. Nơi đây là vùng sông nước, vùng sâu vùng xa, các em đi học cũng cực khổ hơn. 5 giờ sáng rước các em đi học, trưa rước về. Tôi làm nghề này cũng được 10 năm rồi, có một số em đã thành đạt. Ðó là niềm vui, niềm phấn khởi để mình tiếp tục với nghề”.
Ông Trần Văn Út thông tin, để giúp đỡ các em học sinh đi học bằng phương tiện đò, nhất là các em học sinh hoàn cảnh khó khăn, nhiều điểm trường trên địa bàn huyện Ngọc Hiển đã vận động các nhà hảo tâm, hội phụ huynh giúp đỡ bằng việc trao học bổng, tặng quần áo, cặp, sách giáo khoa... Riêng năm học 2016-2017, các điểm trường trên địa bàn huyện Ngọc Hiển vận động bằng tiền, vật chất tổng trị giá trên 170 triệu đồng, kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ những học sinh nghèo, học giỏi để tiếp tục chắp cánh ước mơ, ngăn dòng bỏ học./.
Bài và ảnh: Minh Văn