ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 22-11-24 02:15:17
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Học trực tuyến: Tìm cơ hội trong thách thức

Báo Cà Mau (CMO) Trở lại thời điểm đầu năm 2019, Sở GD-ĐT tỉnh Cà Mau đề ra Kế hoạch 253/KH-SGDĐT về ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực giáo dục vào - đào tạo với những mục tiêu mang tính kỳ vọng.

Đáng lưu ý, kế hoạch đã khuyến khích mô hình trường học điện tử, lớp học điện tử (các giải pháp giáo dục thông minh) ở những nơi có điều kiện, đảm bảo tính hiệu quả. Tuy nhiên, theo Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Cà Mau Lê Hoàng Dự thì: “Việc thực hiện cần có lộ trình triển khai phù hợp, tổ chức thí điểm để đánh giá, điều chỉnh, hoàn thiện mô hình sao cho phát huy tối đa hiệu quả đầu tư, làm cơ sở để triển khai nhân rộng”.

Giải pháp trong điều kiện đặc biệt

Rồi đại dịch Covid-19 bùng nổ, kế hoạch học tập của tất cả các bậc học bị đảo lộn. Thông thường, ở thời điểm giữa tháng 4, các bậc học đã bước vào giai đoạn cuối của chương trình học kỳ II, chuẩn bị cho chặng kết thúc năm học. Trước tình hình đó, Sở GD-ĐT Cà Mau đã nỗ lực để tăng tốc việc ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai phương pháp học trực tuyến và cả việc dạy học, ôn luyện kiến thức qua truyền hình. Ông Dự cho biết: “Trong thời điểm này, các giải pháp trên có tính chất tình thế, bởi không ai lường trước được diễn biến của dịch bệnh. Các văn bản chỉ đạo của Bộ GD-ĐT đang cập nhật tuỳ theo chiều hướng dịch bệnh”. Cũng theo chỉ đạo từ Bộ GD-ĐT, Cà Mau tập trung công tác ôn luyện cho các bậc học THCS, THPT, đặc biệt là các lớp cuối cấp.

Đánh giá về những khó khăn, thuận lợi của tỉnh khi thực hiện mô hình học tập mới này, Trưởng phòng THPT Nguyễn Tấn Nguyên đánh giá: “Với những đơn vị trường học có sự chủ động, được đầu tư bài bản, học sinh có điều kiện tiếp cận công nghệ thông tin sớm thì việc triển khai không có nhiều khó khăn. Còn các trường học ở vùng nông thôn, tất nhiên sẽ có một số bỡ ngỡ”. Theo đó, yếu tố quyết định lớn nhất đến chất lượng và kết quả học tập của mô hình này chính là ý thức, thái độ của cả giáo viên và học sinh. Bởi lẽ, việc dạy học từ trước đến nay được áp dụng là “face to face”, tức là “mặt đối mặt”, sự gián cách qua môi trường Internet hoặc qua kênh trung gian (truyền hình), là chưa thật sự phổ biến ở Cà Mau. Các bậc học bắt đầu áp dụng mô hình học trực tuyến và qua truyền hình từ đầu tháng 4/2020.

Đó là chưa kể, nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, chưa được trang bị máy tính, đường truyền Internet, do đó, không thể tiếp cận với các nội dung giảng dạy từ phía giáo viên. Trình độ, kỹ năng tương tác, việc xây dựng nội dung chương trình bài giảng trực tuyến cũng là điều mới mẻ với giáo viên, ảnh hưởng tới chất lượng truyền đạt. Phó hiệu trưởng Trường THPT Đầm Dơi Phạm Việt Hưng thông tin: “Thời điểm triển khai học trực tuyến của nhà trường từ ngày 2/4 đến nay, bám sát theo chỉ đạo từ Bộ GD-ĐT và Sở GD-ĐT”. Nhà trường chủ động tổ chức các lớp học trực tuyến: Thống nhất phần mềm dạy trực tuyến (nhà trường đang sử dụng 2 phần mềm song song là Zoom Meetings để dạy trực tuyến có tương tác với học sinh và Shub classroom để giao bài tập) xếp thời khoá biểu. Phân công tổ trưởng theo dõi, báo cáo sĩ số, tình hình học tập hàng buổi. Đa số học sinh chủ động tải app, đăng nhập vào các lớp học trực tuyến.

Học sinh THCS, THPT của tỉnh Cà Mau đồng loạt học trực tuyến, học tại nhà, học qua truyền hình từ đầu tháng 4/2020.

Tuy nhiên, theo thầy Hưng, nhà trường cũng đối mặt với một số khó khăn. Với thầy cô giáo, do chủ yếu tự tìm hiểu các phần mềm dạy học trực tuyến, hướng dẫn lẫn nhau trong thời gian ngắn nên vẫn còn một số thầy cô do chưa làm chủ được công nghệ nên gặp nhiều khó khăn trong sử dụng phần mềm dạy học trực tuyến. Việc quản lý học sinh của thầy cô trong từng buổi học chưa đảm bảo. Về hạ tầng kỹ thuật, đường truyền chậm, phần mềm bị quá tải, nhiều lúc học sinh và giáo viên không đăng nhập được. Số lượng học sinh tham gia học trực tuyến từ 70-90% tuỳ buổi học.

Với quyết tâm là một trong những lá cờ đầu ở bậc học THPT của tỉnh Cà Mau, thầy Hưng khẳng định: “Dù phương pháp dạy học trực tuyến còn mới mẻ, nhưng nhà trường đã có sự gắn kết chặt chẽ với gia đình, đặc biệt là với học sinh để động viên, hỗ trợ. Có thể nói, các em rất tập trung vào việc học tập, ôn luyện, đảm bảo theo lộ trình kiến thức đã tinh giản từ Bộ GD-ĐT, xa hơn là các kỳ thi chuyển cấp, cuối cấp hết sức quan trọng”.

Xu hướng trong tương lai

Trao đổi qua Internet, em Phạm Nhật Duy, huyện Đầm Dơi, hiện đang là vận động viên trẻ môn điền kinh, tập luyện và học tập gần 2 năm tại TP Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Trước đây, việc tập luyện và học văn hoá của em song song diễn ra. Việc học trực tuyến cũng được em áp dụng khoảng 2 tuần, nhìn chung nếu làm quen được thì vẫn đảm bảo”. Theo em Duy, việc tự học, tìm nhiều kênh học kiến thức là điều đương nhiên nếu muốn bản thân tiến bộ nhanh hơn, nắm kiến thức chắc hơn, rộng hơn và có tính hệ thống.

Ở một trường vùng nông thôn như Trường THCS-THPT Tân Lộc, huyện Thới Bình, việc triển khai dạy và học trực tuyến cũng đang rốt ráo thực hiện. Hiệu trưởng Trần Văn Dũng cho biết: “Các ứng dụng phần mềm vừa mới vận hành nên có trục trặc đôi chút. Nhà trường giao cho giáo viên thực hiện việc giảng dạy trực tuyến và báo cáo tình hình từng tiết học để tổ chuyên môn và ban giám hiệu nắm bắt”. Giáo viên và học sinh dù cần phải có thời gian làm quen, nhưng nhìn chung sinh khí học tập rất hào hứng.

Cô giáo Phạm Hồng Nhi, giảng dạy bộ môn Toán lớp 10, Trường THCS-THPT Tân Lộc, bộc bạch: “Trong cái khó ló cái khôn, vì tình hình dịch bệnh mà giáo viên ở những trường tuyến huyện mới mạnh dạn áp dụng phương pháp dạy trực tuyến. Dù có khó khăn bước đầu, nhưng không khí học tập rất tốt. Điều lo nhất là một bộ phận học sinh chưa có phương tiện máy móc, đường truyền Internet để tiếp cận”. Còn với thầy giáo Quách Ngọc Trọng, giảng dạy bộ môn Vật lý khối 9 thì: “Sau khi dịch bệnh qua đi, phương pháp học trực tuyến sẽ là một kênh bổ trợ kiến thức, tương tác hiệu quả giữa thầy và trò”.

Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Phan Ngọc Hiển Lê Chí Nguyễn thông tin: “Song hành với việc giảng dạy trực tuyến, nhà trường tích cực khai thác trang web của đơn vị để đăng tải, tương tác và hướng dẫn các nội dung học tập giữa thầy cô và học sinh”. Theo đó, việc ứng dụng đồng bộ công nghệ thông tin trong học tập là nội dung được nhà trường triển khai liên tục trong những năm học gần đây, mang lại hiệu quả tích cực. Trong điều kiện bình thường, việc học trực tuyến cũng được coi là phương án bổ trợ, mô hình giáo dục phù hợp nếu hội đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, ý thức người học, nội dung chương trình…

Bộ GD-ĐT cũng đã có văn bản chính thức hướng dẫn ôn luyện, giảng dạy và giám sát, đánh giá kết quả của phương pháp học trực tuyến vào ngày 25/3/2020. Trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, học sinh chưa thể đến lớp, đây là nỗ lực lớn để không làm đảo lộn toàn bộ khung chương trình, kế hoạch của năm học 2019-2020. Dù mới mẻ, nhiều băn khoăn, nhưng đây chính là lựa chọn tối ưu nhất của các đơn vị trường học và học sinh ở thời điểm hiện tại.

Có thể nói, học ở nhà, học trực tuyến qua Internet và truyền hình là phương pháp được áp dụng như giải pháp tình thế cho học sinh cả nước nói chung, Cà Mau nói riêng trong hoàn cảnh đặc biệt là dịch bệnh. Thế nhưng, đây là mô hình học tập, xu thế lựa chọn của nhiều nền giáo dục trên thế giới. Bản chất của phương pháp này, nói như lời cố GS.TS Trần Quốc Vượng là “tự học”. Học tập là quá trình suốt đời, học ở mọi lúc, mọi nơi, và khi kết hợp khoa học, phù hợp với công nghệ thông tin, các tiến bộ khoa học kỹ thuật thì đó là lựa chọn tất yếu. Dịch bệnh là một thách thức, nhưng cũng có thể là cơ hội để lĩnh vực giáo dục mạnh mẽ thay đổi, bắt kịp và hội nhập với xu thế đổi mới của giáo dục hiện đại./.

Quốc Rin

Ðồng tâm hiệp lực phòng, chống sạt lở

Khi nào Cà Mau khắc phục được tình trạng sạt lở ven biển, ven sông? Ðây là câu hỏi hiện nay gần như chưa ai có câu trả lời chính xác. Bởi tình trạng sạt lở luôn diễn biến khó lường, trong khi hạ tầng thuỷ lợi chưa được đầu tư hoàn thiện, nguồn lực lại đang khó khăn...

Nhiều hạn chế cần khắc phục trong phòng, chống thiên tai

Vừa qua, trưởng các khu vực đã tổ chức kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại địa bàn được phân công phụ trách trong toàn tỉnh. Trên cơ sở kiểm tra thực tế, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (PCTT,TKCN&PTDS) tỉnh, đánh giá, công tác tổng kết PCTT&TKCN năm 2023 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2024 đã được các địa phương thực hiện đầy đủ, kịp thời.

An toàn của người dân là trên hết

Ðể kịp thời ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như thích nghi với triều cường biến động, xã Khánh Hội, huyện U Minh chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng, chống thiên tai (PCTT), tìm kiếm cứu nạn (TKCN). Trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân, nhất là ngư dân trong việc chủ động phòng chống, nhằm giảm thiểu thiệt hại, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản.

Sẵn sàng hỗ trợ người dân

Mưa lớn, triều cường, ngập lụt, dông lốc, sạt lở đất, xâm nhập mặn... là những loại hình thiên tai được dự báo sẽ có nguy cơ diễn ra từ nay đến cuối năm và sẽ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, nhất là sản xuất của người dân. Trước dự báo này, người dân cần chủ động bảo vệ sản xuất, tài sản.

Vất vả nghề bám biển

Vất vả và luôn phải đối diện với hiểm nguy, nhưng đó chưa phải là tất cả những gì mà ngư dân phải đối mặt trong hành trình mưu sinh trên biển. Quá trình lao động nơi đầu sóng của những ngư dân, đôi lúc phải đánh đổi bằng cả tính mạng, nhất là đối với các phương tiện nhỏ.

Sẵn sàng nhân lực, vật lực ứng phó thiên tai

Theo nhận định của Ðài Khí tượng thuỷ văn tỉnh Cà Mau, từ nay đến cuối năm 2024 còn khoảng 4-5 cơn bão, áp thấp nhiệt đới (ATNÐ) trên biển Ðông, trong đó khoảng 2-3 cơn đổ bộ vào đất liền, tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và các tỉnh phía Nam. Trên địa bàn tỉnh có khả năng xuất hiện nhiều loại hình thiên tai khác như: gió mạnh trên biển, mưa lớn, triều cường, ngập lụt, dông lốc, sạt lở đất ven sông, ven biển.

Chủ động ứng phó thiên tai trên biển

Công tác phòng chống thiên tai (PCTT) trên biển đang được sự quan tâm đặc biệt, khi thời tiết biến đổi liên tục và thất thường. Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự (PCTT,TKCN&PTDS) tỉnh, có buổi trò chuyện cùng phóng viên Báo Cà Mau về nhiều phương án phòng chống thiên tai và hỗ trợ ngư dân trên biển trong tình hình biến đổi khí hậu (BÐKH).

Bảo vệ nhà ở và sản xuất trước thiên tai

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Phú Tân, mưa dông, lốc xoáy làm sập, tốc mái 24 căn nhà (sập hoàn toàn 5 căn, tốc mái 19 căn); chìm 3 tàu cá, hư hỏng 2 cụm pa nô, tổng thiệt hại trên 1 tỷ đồng.

Nhiều khó khăn trong thu quỹ Phòng, chống thiên tai

Quỹ Phòng, chống thiên tai (PCTT) được xác định là nguồn lực quan trọng để hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai xảy ra. Tuy nhiên, tại huyện U Minh, nhiều năm qua việc thu quỹ PCTT luôn đạt thấp, nhiều đơn vị, doanh nghiệp đang chậm trễ trong việc nộp quỹ.

Kiểm soát chặt, thích ứng nhanh

Những tháng cuối năm, vùng biển phía Nam là nơi thường xuyên xuất hiện bão, mưa lớn và gió mạnh. Ðể đảm bảo an toàn cho người và phương tiện ra khơi, bên cạnh tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp an toàn, ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh còn tăng cường kiểm tra, kiểm soát, hướng dẫn ngư dân trang bị những thiết bị cần thiết trên tàu cá.