Tại huyện Thới Bình, việc lồng ghép thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp và chương trình xây dựng NTM là hướng đi đúng, giúp các xã thay đổi diện mạo nông thôn và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.
Hiệu quả thể hiện rõ nhất trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM là ở tiêu chí thu nhập, tổ chức sản xuất.
Ông Lý Minh Vững, Chủ tịch UBND huyện, cho biết: "Tiêu chí thu nhập, tổ chức sản xuất được các xã tập trung thực hiện qua các phần việc như: chuyển đổi cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp từ sản xuất lúa địa phương, đất vườn cây tạp chuyển sang trồng lúa ngắn ngày trên đất nuôi tôm và xen canh tôm càng xanh, trồng màu... Nhiều địa phương chuyển từ sản xuất tự phát sang liên kết có kế hoạch, tổ chức sản xuất hàng hoá chất lượng cao gắn với nhu cầu thị trường. Với cây lúa, huyện vận động và định hướng nông dân sản xuất theo mô hình lúa sạch, lúa hữu cơ; liên kết với các công ty trong và ngoài tỉnh đầu tư, bao tiêu sản phẩm, thực hiện tại xã Trí Lực, mang lại hiệu quả, góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng chất lượng nông sản và lợi nhuận cho nông dân".
Nông dân xã Trí Phải trồng màu phục vụ thị trường Tết.
Theo ông Nguyễn Hoàng Bạo, Phó chủ tịch UBND huyện: "Năm 2023, ngành nông nghiệp huyện khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế tập thể, sản xuất tập trung kết hợp với hỗ trợ xây dựng mô hình điểm và có liên kết bao tiêu sản phẩm. Ðến nay, HTX Dịch vụ sản xuất lúa - tôm Trí Lực được cấp giấy chứng nhận ASC cho trà lúa hữu cơ, phát triển ổn định nhiều năm qua. Ðây là HTX tiêu biểu trong đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân về trồng lúa, nuôi tôm chất lượng cao. Ước bình quân lãi hơn 30 triệu đồng/ha/vụ lúa và diện tích lúa hữu cơ nơi này tăng qua từng năm".
Từ quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp thông qua các hoạt động như: chuyển đổi cơ cấu giống, tổ chức lại sản xuất, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, liên kết đầu ra cho lúa... Huyện cũng đã hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn phục vụ sản xuất nông nghiệp, vận chuyển hàng hoá cho nông dân... Nhờ vậy mà người dân xã Trí Lực có thu nhập hơn 68 triệu đồng/người/năm.
Ðến cuối năm 2023, toàn huyện có 35 hợp tác xã, 84 tổ hợp tác, với hơn 1 ngàn thành viên. Tình hình kinh tế, văn hoá - xã hội trên địa bàn huyện cơ bản ổn định, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,55%, thu nhập bình quân đầu người đạt 59,27 triệu đồng/người/năm. Huyện hiện đạt 4/9 tiêu chí huyện NTM.
Lộ nông thôn trên địa bàn xã Biển Bạch Đông.
Ông Lý Minh Vững thông tin: "Thời gian tới, huyện tập trung chuyển giao khoa học - kỹ thuật, áp dụng các biện pháp canh tác phù hợp, giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận trên cùng diện tích. Ðồng thời, rà soát, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình thuỷ lợi. Cùng với đó, huyện khuyến khích, phát huy vai trò của các doanh nghiệp trong đầu tư đổi mới phương thức để nâng cao hiệu quả sản xuất. Việc phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp sẽ góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, huyện xác định đây là khâu then chốt trong hoàn thành các tiêu chí NTM. Vì vậy, các địa phương đã và đang lồng ghép các chương trình, dự án đang triển khai trên địa bàn để giúp các hộ nghèo tăng thu nhập và thoát nghèo bền vững. Thực hiện thành công đề án tái cơ cấu nông nghiệp, đời sống được cải thiện, người dân sẽ đóng góp nhiều hơn cho chương trình xây dựng NTM ở địa phương”./.
Huỳnh Măng