(CMO) Núi Cấm có rất nhiều dòng suối và mạch nước ngầm chúng len lỏi qua khe đá, hấp thu những tinh hoa của đất trời, mang theo những nguồn vi khoáng có năng lượng dồi dào.
Nổi tiếng là một danh thắng du lịch tâm linh bậc nhất ĐBSCL, nơi gắn liền với tượng Phật Di Lặc cao nhất trên đỉnh núi Châu Á, chùa Phật Lớn uy nghi, tuyệt tác Vạn Linh Tự và hồ Thuỷ Liêm soi bóng “bồng lai tiên cảnh”, Thiên Cấm Sơn “ôm ấp” những di tích lịch sử, văn hoá ly kỳ và bí hiểm ẩn chứa biết bao câu chuyện huyền thoại chưa được giải mã như thách thức con người. Trong đó, ấn tượng nhất là truyền thuyết về dòng nước thiêng ví như long mạch của núi rừng đại ngàn được dân gian truyền tụng từ bao đời nay.
Từ truyền thuyết về dòng nước thiêng…
Trong câu chuyện “Núi Cấm và huyền thoại”, người dân kể rằng, thuở xưa Núi Cấm là nơi non cao thanh tịnh, khí hậu rất trong lành, vạn vật xanh tươi, nên hằng năm các vị chư tiên thường chọn nơi đây để vãn cảnh trần gian, tổ chức lễ hội, họ ca hát, uống rượu, đánh cờ. Còn các “tiên nữ” thì tìm đến các dòng suối để tắm mát và vui đùa.
Theo cụ Nguyễn Văn Y - Ấp Vồ Đầu, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, nước suối núi Cấm chạy qua nhiều chân đồi, dốc, tạo thành vệt dài quanh co, nước ở đây rất trong và mát, dòng nước ít khi nào cạn, dù cho nắng hạn gay gắt. Điều đặc biệt hơn, nếu suối trơ đáy, mạch nước ngầm vẫn còn quanh năm. Nhờ vậy, mấy trăm năm qua dân trong khu vực lúc nào cũng có nước sinh hoạt, tưới nương rẫy, vườn cây… nuôi dưỡng chim thú muôn loài.
Dòng nước thanh khiết mát lành ở Suối Tiên - Núi Cấm. |
Năm 1777, khi quân Tây Sơn đem quân đánh vào Gia Định, truy đuổi vua Gia Long, ông chạy theo đường Biên Hòa, Tây Ninh rồi tới Châu Đốc, lẩn trốn trong Thiên Cấm Sơn.
Khi Nguyễn Ánh chạy lên núi trốn thì quân Tây Sơn cũng lùng sục khắp nơi để nhổ cỏ tận gốc. Đoàn người Nguyễn Ánh ở trên núi bị thiếu nước và lương thực nhưng không thể xuống núi, trong lúc tuyệt vọng, ngài đã quỳ khấn xin Chư Phật và Sơn Thần phò trợ, rồi rút bảo kiếm cắm sâu xuống khe đá thì bất ngờ bờ đá nứt ra và phun lên một dòng nước. Chủ tướng mừng rỡ bái lạy rồi hứng nước uống, dòng nước ngọt mát lạ thường, đoàn tuỳ tùng của Nguyễn Ánh thoát được cơn chết khát.
Để ghi nhớ sự kỳ diệu này, dân trong vùng gọi đây là Giếng Vua hoặc Giếng Tiên. Giếng Tiên ngày nay là một trong những giếng nổi tiếng ở vùng Bảy Núi. Trải qua hàng trăm năm, đến nay giếng vẫn bốn mùa đầy ắp nước ngọt, có 1 điều lý thú khó giải thích là giếng thường không sâu nhưng khi múc nước vơi đi rồi sẽ đầy trở lại.
Theo người dân, núi Cấm có rất nhiều dòng suối và mạch nước ngầm chúng len lỏi qua khe đá, hấp thu những tinh hoa của đất trời, mang theo những nguồn vi khoáng có năng lượng dồi dào. Nhiều loài vật “khổng lồ” như rắn hổ mây, ông cọp bạch, kể cả các nhà ẩn tu về đây cũng đều uống dòng nước thiêng này để cầu phúc lành.
….đến hồi trống “Vừng ơi mở cửa ra”
Trong những ngày rong ruổi trên vùng bán sơn địa biên giới Tây Nam, ông chủ một Tập đoàn lớn có đại bản doanh tại An Giang đã tình cờ phát hiện được nguồn nước vô giá từ thiên nhiên. Với khát vọng hiện thực hoá giấc mơ mang dòng nước thiêng dẫn nguồn vào cuộc sống, ông đã quyết định vận dụng sự văn minh của khoa học kỹ thuật để khai thác long mạch. Từ việc mời các nhà khoa học nổi tiếng bắt tay vào khảo sát và nghiên cứu, tìm hiểu những giá trị khoáng vi lượng quý hiếm ở suối Tiên trên các triền núi ông Cấm, đến thăm dò các mạch nước ngầm trong lòng núi cũng như nằm sâu trong lòng đất. Và rồi, trời không phụ lòng người, kết quả phân tích ở 24 lỗ khoan, độ sâu từ 150m trở lên, đã phát hiện nguồn nước ngầm tốt nhất ở các độ sâu 155-168m, chứa khoáng silic.
Nước uống Thiên Cấm Sơn đang dần lộ diện. |
Đặc biệt, nguồn nước tại đây đáp ứng 34 chỉ tiêu của nước uống thiên nhiên đóng chai, có lợi cho sức khỏe với thành phần dinh dưỡng như Canxi, Natri, Kali, Magie và hàm lượng Silic đạt các quy chuẩn QCVN 6-1: 2010/BYT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với nước khoáng thiên nhiên và nước uống đóng chai), giúp thanh lọc cơ thể, bổ sung các khoáng chất cần thiết, tăng cường sức đề kháng tốt…
Mạch nước ngầm núi Cấm là món quà của tạo hoá, sự giao hoà của những cơn mưa đầu mùa, mang theo nhiều giọt nước trong lành, tinh khiết rơi xuống những đỉnh núi cao không lẫn bất kỳ tạp chất ô nhiễm nào. Khi nước thấm vào những khe núi sẽ lắng sâu vào lòng đất, trải qua dòng thời gian triệu triệu năm, những bộ lọc tự nhiên từ đất và đá ngầm sẽ giúp “gạn đục khơi trong”, trở thành nguồn nước thanh khiết giữ được nguyên vẹn sự nhiệm mầu thuở sơ khai.
Tưởng rằng sẽ mãi mãi an yên sâu thẳm dưới lớp đất phủ dày, nhưng dòng nước thiêng ấy đã uy nghi bước ra thế giới bên ngoài vốn dĩ thật sôi động và kỳ thú. Rồi đây, một ngày không xa nữa, những giọt nước nơi rừng xanh kia sẽ lan chảy đến muôn nơi, đem vị ngọt thuần khiết của vùng đất uy linh giải cứu cho cơn khát chất khoáng thiên nhiên của con người./.
Bảo Ngọc