(CMO) Sáng nay, 7/12, Kỳ họp thứ Bảy HĐND tỉnh Cà Mau tiếp tục phiên chất vấn, trả lời ý kiến chất vấn và tranh luận. Việc thông qua 15 nghị quyết và bế mạc kỳ họp cũng diễn ra trong sáng nay. Báo Cà Mau truyền hình trực tiếp trên 3 kênh song song:
YouTube Truyền hình Báo Cà Mau online
Trong nội dung chất vấn sáng nay, các đại biểu tiếp tục quan tâm đến tình trạng dạy thêm, học thêm.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Luân, Giám đốc Sở GD&ĐT trả lời chất vấn.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Luân, Giám đốc Sở GD&ĐT trả lời về vấn đề liên quan đến dạy thêm học thêm. “Không phải dạy thêm là cấm. Hiện có 2 hình thức dạy thêm, một là do nhà trường tổ chức, hai là dạy thêm ngoài nhà trường. Mỗi năm, Sở GD&ĐT và các phòng giáo dục tổ chức rất nhiều đoàn kiểm tra. Tuy nhiên, chủ yếu kiểm tra ở các tổ chức công lập, còn tại hộ gia đình rất ít khi kiểm tra. Chúng tôi đã thấy vấn đề này nhưng việc xử lý còn rất lúng túng, chủ yếu là tuyên truyền và chỉ xử lý giáo viên dạy không đúng chương trình chính khóa hay o ép học sinh phải học thêm. Dạy thêm, học thêm hiện là một nhu cầu. Để xảy ra tình trạng này như vừa qua là thiếu sót của ngành”.
Đại biểu Nguyễn Minh Đương đặt vấn đề về vật tư nông nghiệp kém chất lượng đã được chất vấn trong kỳ họp thứ Tư nhưng đến nay vẫn chưa thấy có sự chuyển biến trong công tác quản lý. Qua tiếp xúc cử tri tại huyện Thới Bình, nhiều bà con phản ánh chất lượng vật nông nghiệp kém, hàng giả vẫn còn nhiều, làm ảnh hưởng đến sản xuất của người dân.
Ông Lê Thanh Triều, Giám đốc Sở NN&PTNT trả lời chất vấn.
Ông Lê Thanh Triều, Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay, hiện việc quản lý vật tư nông nghiệp, tỉnh, sở và địa phương rất quan tâm. Tuy nhiên, việc quản lý rất khó khăn do các đơn vị sản xuất chủ yếu nằm ở các tỉnh khác. Riêng trên địa bàn tỉnh có đến 599 cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp. Qua kiểm tra các cơ sở này phát hiện 102 đơn vị vi phạm, phạt trên 1 tỷ đồng và tịch thu hơn 40 sản phẩm hết hạn sử dụng, vật tư nông nghiệp giả. Thời gian tới, sở tiếp tục tăng cường các giải pháp kiểm tra, tuy nhiên việc này đòi hỏi sự vào cuộc của nhiều ngành, nhiều cấp và quan trọng nhất là người dân.
Đại biểu Nguyễn Sơn Ca đặt vấn đề về tình trạng rất nhiều hộ dân trên tuyến đường từ Rạch Ráng - Sống Đốc san lấp kinh dọc theo đường để xây dưng nhà ở, cơ sở sản xuất. Việc san lấp này có được cho phép và nghĩa vụ về thuế được thực hiện như thế nào. Ngoài ra, hiện nay một số hộ dân hiện đang cất nhà, san lấp mặt bằng trên đất được quy hoạch làm khu công nghiệp ở thị trấn Sống Đốc.
Đại biểu Nguyễn Sơn Ca chất vấn nhiều vấn đề tại buổi họp sáng nay.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời Lê Phong cho biết, trước đây, tỉnh tiến hành đầu tư tuyến đường này, dân trên tuyến hiến đất, không yêu cầu bồi hoàn. Sau khi tuyến lộ được hình thành cũng đã xảy ra tình trạng tranh chấp về phần đất ven sông và một số hộ san lấp, xây dựng. Từ đó, năm 2016, huyện có văn bản xin ý kiến các sở ngành cho phép người dân san lấp mặt bằng để làm lối đi, không được xây cất nhưng chưa được sự đồng ý. Từ đó, công tác quản lý của địa phương rất khó khăn. Hiện toàn tuyến dài đến 36 km, có những đoạn rộng trên 30 m.
Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Trịnh Văn Lên cho biết, trách nhiệm quản lý đất khu vực này thuộc địa phương. Theo kế hoạch sử dụng đất của huyện, đây là đất giao thông. Do đó, việc cho thuê hay cho mượn tất cả đều sai so với quy định. Do đó, huyện cần kết hợp chủ đầu tư là Sở Giao thông vận tải để xây dựng phương án quản lý tạm thời, trình UBND tỉnh xem xét trên tinh thần chung là không xây dựng kiên cố, không trồng cây lâu năm.
Đối với tình trạng xây dựng trên đất khu công nghiệp Sông Đốc, ông Hứa Minh Hữu, Phó giám đốc Ban quản lý khu kinh tế cho biết, cụm công nghiệp Sông Đốc có hai khu là bờ Nam và bờ Bắc. Hiện bờ Nam đã mời gọi được nhà đầu tư, còn bờ Bắc thì đang tiếp tục mời gọi đầu tư. Khu bờ Bắc hiện vẫn chưa có quyết định thu hồi do quy hoạch chưa được Chính phủ phê duyệt. Do đó, nếu các hộ có nhu cầu cất nhà mà có đất ở thì có thể cấp giấy phép tạm; còn những trường hợp khác cần được quản lý chặt chẽ hơn.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau làm sáng tỏ thêm 1 số vấn đề trong phiên chất vấn.
Để làm sáng tỏ thêm một số vấn đề mà các đại biểu đã chất vấn, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đánh giá, lĩnh vực quản lý kinh doanh phế liệu thời gian qua chưa có sự quan tâm đúng mức. Từ đó dẫn đến nhiều nơi cho đặt cơ sở không đúng quy đinh, không đảm bảo phòng cháy chữa cháy, ảnh hưởng đến an toàn giao thông, mất mỹ quan đô thị… Trên thực tế đã xảy ra nhiều chuyện liên quan đến kinh doanh phế liệu rất nghiêm trọng. Trách nhiệm của cơ quan quản lý trên lĩnh vực này không thể xem nhẹ được nữa. UBND tỉnh sẽ ban hành ngay văn bản chỉ đạo xiết chặt vấn đề này. Trước mắt, sẽ tiến hành rà soát và đối chiếu với quy định về điều kiện kinh doanh để hướng dẫn người dân thực hiện đúng, nơi nào không đảm bảo sẽ ngưng hoạt động ngay.
Để giải quyết vấn đề này không chỉ một ngày một bữa mà phải làm thường xuyên, liên tục, bằng nhiều giải pháp khác nhau. Từ tuyên truyền vận động, thuyết phục giáo dục cho đến ban hành những quy định để xử lý những hành vi vi phạm thông qua nhiều kênh, nhiều hình thức để từ đó làm chuyển đổi đổi nhận thức và hành vi theo hướng tốt hơn.
Đối với tình trạng đất công cho thuê đã hết hạn nhưng chưa làm hồ sơ lại, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho rằng, đây là lĩnh vực thời gian qua quản lý còn lỏng lẻo, chính gì vậy tỉnh đã có chủ trương tổng rà soát lại đất công toàn tỉnh. Theo kết quả rà soát bước đầu, UBND tỉnh sẽ có chỉ đạo để công tác này thực hiện theo đúng quy định, tránh thất thoát, lãng phí. Nếu phát hiện có trường hợp sử dụng đất sai mục đích, tỉnh sẽ kiên quyết xử lý, thậm chí thu hồi. Đối với những khu dân cư chưa thực hiện đầy đủ hạ tầng, tỉnh cũng đang tiến hành rà soát và yêu cầu chủ đầu tư thực hiện để có sự đồng bộ trong quy hoạch. Nếu các chủ đầu tư không hoàn thành các hạng mục công trình theo cam kết sẽ tiến hành xử lý.
Tiếp tục chương trình kỳ họp, các đại biểu đã tiến hành thông qua 15 nghị quyết của HĐND. Có 6 nghị quyết quy phạm pháp luật và 9 nghị quyết cá biệt. Trong đó, có nhiều nghị quyết rất quan trọng, chi phối sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như đời sống người dân như: Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; Nghị quyết về Dự toán ngân sách tỉnh Cà Mau năm 2019; Nghị quyết về Kế hoạch đầu tư công năm 2019 tỉnh Cà Mau; Nghị quyết ban hành Danh mục dự án thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất năm 2019 và các dự án bị huỷ bỏ…
Đại biểu biểu quyết thông qua các nghị quyết.
Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau Trần Văn Hiện đánh giá, các đại biểu dự kỳ họp đã tập trung trí tuệ, tích cực nghiên cứu, tham gia nhiều ý kiến đóng góp thẳng thắn, khách quan vào các báo cáo, tờ trình; đề xuất cũng như kiến nghị những giải pháp thiết thực vào việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trong năm 2019 và những năm tiếp theo.
Thông qua việc tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối những người giữ chức vụ do HĐND tỉnh bầu đã thể hiện sự tập trung cao, phản ánh sự tín nhiệm của đại biểu HĐND đối với người được lấy phiếu tín nhiệm; không có trường hợp nào đạt mức tín nhiệm thấp đến mức phải đưa ra xem xét theo quy định. Với kết quả đó, HĐND tỉnh đề nghị những người được lấy phiếu nghiêm túc rút kinh nghiệm, khắc phục hạn chế, yếu kém để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau Trần Văn Hiện phát biểu bế mạc kỳ họp.
Năm 2019 có ý nghĩa rất quan trọng, là năm tăng tốc để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016–2020 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra. Ông Trần Văn Hiện chỉ đạo, UBND tỉnh khẩn trương triển khai, thực hiện các nghị quyết đã được HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp này. Tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tạo ra sự tăng trưởng về chất của kinh tế nông nghiệp tỉnh nhà; lấy sự tăng trưởng thu nhập của người sản xuất nông nghiệp làm thức đo chính về chất lượng, mức độ bền vững của sự tăng trưởng.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, triển khai thực hiện tốt các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và cải thiện đời sống nhân dân. Chủ động ứng phó và thích nghi hiệu quả với biến đổi khí hậu; phòng chống thiên tai. Củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, đảm bảo an toàn giao thông.
Nhóm phóng viên