Ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn trong sử dụng điện của một bộ phận người dân chưa cao. Một số hộ dân tự ý câu móc điện, tự ý di dời công tơ, sử dụng nhiều thiết bị điện, dẫn đến quá tải, gây mất an toàn điện. Công tác tuyên truyền, hướng dẫn và kiểm tra sử dụng điện ở một số địa phương còn hạn chế, chưa thực hiện thường xuyên... Ðó là những nguyên nhân khiến tai nạn điện trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn ra.
Nhằm từng bước giảm thiểu tai nạn điện, thời gian qua, các sở, ngành và đoàn thể cấp tỉnh đã xây dựng chương trình, kế hoạch, tiến hành thực hiện các giải pháp nhằm giảm tai nạn điện. Ðặc biệt, tiến hành lồng ghép các chương trình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, các cuộc họp cơ quan để phổ biến giải pháp an toàn điện đến cán bộ, công chức, viên chức và người lao động cùng thực hiện...
Ngoài ra, UBND các huyện, TP Cà Mau cũng ban hành kế hoạch triển khai công tác giảm tai nạn điện, thông qua phối hợp với điện lực địa phương và UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường tuyên truyền; tổ chức kiểm tra, nhắc nhở và yêu cầu khắc phục đối với các trường hợp sử dụng điện không đảm bảo an toàn; lồng ghép phổ biến một số nội dung về sử dụng điện an toàn vào các cuộc họp của đơn vị, sinh hoạt chi bộ, công tác xây dựng đời sống văn hoá, sinh hoạt câu lạc bộ, hội nghị, tập huấn và nhiều cách thức tuyên truyền khác...
Nhân viên Ðiện lực U Minh gia cố hệ thống dây tiếp địa, nâng cao độ an toàn cho hệ thống lưới điện.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn một số tồn tại. Theo đánh giá của Sở Công thương, ý thức chấp hành các quy định về an toàn trong sử dụng điện của một bộ phận người dân chưa cao; công tác quản lý trong sử dụng điện của từng hộ gia đình chưa chặt chẽ. Ðặc biệt là tình trạng người dân tự ý câu móc điện, tự ý di dời công tơ, sử dụng nhiều thiết bị điện, dẫn đến quá tải, gây mất an toàn, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra cháy, nổ, tai nạn do điện.
Ngoài ra, do tiến độ đầu tư lưới điện của Dự án 2081 năm 2022 chuyển tiếp sang năm 2023 đang triển khai trên địa bàn tỉnh còn chậm so với tiến độ được duyệt của dự án, nên ở một số khu vực vùng nông thôn, việc cung cấp cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân chưa đảm bảo, dẫn đến tình trạng sử dụng điện chia hơi kéo dài, gây mất an toàn.
Từ đó, tình trạng tai nạn điện trên địa bàn tỉnh vẫn còn diễn ra, dù đã giảm so với trước. Tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 5 vụ tai nạn điện, làm chết 5 người, bị thương 5 người, so với cùng kỳ năm 2022 giảm 4 vụ, giảm 2 người chết và giảm 5 người bị thương.
Nhằm đảm bảo an toàn trong sử dụng điện, UBND tỉnh vừa ban hành Văn bản chỉ đạo về giảm tai nạn điện trên địa bàn tỉnh năm 2024. Theo đó, để chấn chỉnh, khắc phục tình trạng xảy ra tai nạn điện trong công tác quản lý, cung ứng và sử dụng điện, tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn điện..., Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, TP Cà Mau, Giám đốc Công ty Ðiện lực Cà Mau và các đơn vị có liên quan khẩn trương chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế hiện nay.
Trong công văn còn nêu rõ, Chủ tịch UBND các huyện, TP Cà Mau chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn thường xuyên theo dõi, bám sát địa bàn về tình hình sử dụng điện không đảm bảo an toàn, nếu để xảy ra tai nạn điện do buông lỏng quản lý thì phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện, TP Cà Mau; đưa nhiệm vụ này vào sinh hoạt chính trị hằng tháng của cấp huyện, cấp xã; xem đây là tiêu chí để xem xét, đánh giá, xếp loại công chức hằng năm. Ðịa phương nào để xảy ra tai nạn điện chết người, do thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý thì Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh (xét đánh giá, phân loại cán bộ, công chức lãnh đạo)./.
Phan Ngọc Ẩn