(CMO) “Kiểm tra, chỉ đạo đôn đốc các xã khẩn chương hoàn thành việc hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng do thiên tai thời gian qua và việc này phải được tiến hành chặt chẽ, đúng quy định, đúng định mức”. Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử trong buổi làm việc với huyện Trần Văn Thời liên quan đến công tác chỉ đạo sản xuất, xây dựng NTM ngày 10/12.
Là vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của tỉnh, huyện Trần Văn Thời là địa phương đa dạng về loại hình sản xuất từ trồng trọt và chăn nuôi, thuỷ sản, lâm nghiệp với nhiều mô hình sản xuất lúa an toàn, chăn nuôi heo, gà theo hướng an toàn sinh học, trồng rừng thâm canh, nuôi tôm sú quảng canh cải tiến 2 giai đoạn; nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh; nuôi cá bổi thâm canh,…
Tuy nhiên, với điều kiện tự nhiên thuộc vùng trũng thấp, 60% diện tích tự nhiên có cao độ địa hình thấp hơn 0,5 m nên những năm gần đây trên địa bàn huyện chịu ảnh hưởng rất lớn của biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, ngập úng gây ảnh hưởng đến sản xuất của huyện. Vào mùa khô, phải dốc sức cho công tác phòng, chống cháy rừng, sụp lún, thiếu nước sản xuất; mùa mưa lại lo chuyện phòng, chống lụt bão, triều cường dâng, ngập úng. Điển hình năm 2020 này gần 4.000 hộ dân bị thiếu nước, 2.000 ha lúa đông xuân và 340 ha rau màu bị thiệt hại do hạn hán. Đặc biệt, hạn hán làm khô kiệt kênh rạch dẫn đến sạt lở đê bờ bao và lộ giao thông nông thôn vô cùng nghiêm trọng.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử phát biểu tại buổi làm việc
Trong năm 2020, huyện Trần Văn Thời và U Minh đã có hơn 900 vị trí sạt lở với chiều dài trên 22 km, trong đó có hơn 500 vị trí sạt lở ảnh hưởng đến các công trình giao thông nông thôn. Đặc biệt, sạt lở đã ảnh hưởng lớn đến nhiều công trình giao thông quan trọng của tỉnh như: Tuyến Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc, sạt lở tuyến đê biển Tây. Trong khi đó, khi vào mùa mưa năm 2020 đã làm ngập sâu 144 tuyến kênh bờ bao, trong đó có nhiều tuyến ngập sâu hoàn toàn, gây khó khăn cho việc đi lại của Nhân dân, nhất là học sinh; gây thiệt hại hơn 15.000 ha lúa, hơn 500 ha rau màu, hơn 270 ha cây ăn trái…
Trước tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra, cũng như hiện trạng hạ tầng sản xuất hiện nay xuống cấp, ông Trần Tấn Công, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời kiến nghị tỉnh xem xét hỗ trợ vốn khoanh 9 ô thủy lợi, với tổng mức đầu tư 21,780 tỷ đồng, phục vụ 2.250 ha lúa của một số xã Khánh Bình, Khánh Bình Đông, Trần Hợi, Khánh Bình Tây Bắc, Khánh Lộc. Đồng thời, xem xét hỗ trợ kinh phí cho huyện số tiền 12,271 tỷ đồng để khắc phục, đầu tư nạo vét chống tràn, trữ nước ngọt vùng ngọt hóa; chống tràn vùng chuyển dịch; nhằm bảo vệ sản xuất năm 2020 – 2021 và những năm tiếp theo.
Được biết hiện nay trên địa bàn huyện được đầu tư xây dựng 69 cống ở tiểu vùng III Bắc Cà Mau và 13 trạm bơm. Tuy nhiên, trong số náy chỉ mới có 5 trạm đưa vào sử dụng, còn lại 8 trạm đang thi công. Liên quan đến công tác xây dựng hạ tầng thuỷ lợi phục vụ sản xuất, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi tỉnh cho biết: Tiểu vùng III của huyện hiện nay có hạ tầng thuỷ lợi tương đối hoàn thiện. Tuy nhiên, hệ thống đê bao bên trong còn thấp rất dễ bị ngập úng khi có mưa lớn. Do đó nếu không đầu tư nâng cấp thì việc điều tiết nước phục vụ sản xuất thời gian tới là vô cùng khó khăn, tình trạng mưa thì ngập úng, nắng hạn lại thiếu nước sẽ tiếp tục diễn ra.
Trần Văn Thời là huyện trọng điểm sản xuất nông nghiệp của tỉnh
Để nền sản xuất của huyện bài bản và thích ứng với biến đổi khí hậu, ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng: Ngoài đề xuất đầu tư hoàn thiện hạ tầng thuỷ lợi huyện cần có định hướng, quy hoạch rõ ràng, cụ thể theo từng ô ở từng nơi, vùng nào là sản xuất ngọt, vùng nào mặn, lợ để làm cơ sở tìm nguồn đầu tư hạ tầng. Đầu tư hạ tầng phải theo quy hoạch và phục vụ cho sản xuất để từ đó thay đổi giống cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, sản xuất phải theo hình thức liên kết chuỗi để tạo đầu ra cho sản phẩm và giảm giá thành trong sản xuất cũng như ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất.
Ngoài những nội dung liên quan đến sản xuất đoàn công tác còn nghe huyện báo cáo về tình hình xây dựng NTM trên địa bàn huyện và công tác giải phóng mặt bằng đối với một số dự án trên địa huyện. Đến nay trên địa bàn huyện đạt được 183 tiêu chí, bình quân mỗi xã đạt 16,64 tiêu chí. Cụ thể, có 6 xã đạt 19/19 tiêu chí, 3 xã đạt 14 - 18 tiêu chí, 2 xã đạt từ 10 - 12 tiêu chí. Ngoài ra, 3 xã chỉ đạo điểm là Lợi An, Phong Lạc, Khánh Bình Đông đạt 19/19 tiêu chí, huyện đang chỉ đạo hoàn thành thủ tục đề nghị cấp thẩm quyền xem xét, công nhận đạt chuẩn NTM trong năm 2020, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới 6/11 xã.
Kết thúc buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử chỉ đạo: Trần Văn Thời là địa phương gánh trọn thiệt hại do thiên tai gây ra từ hạn hán, mưa bão cho đến dịch bệnh. Do đó, trong chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên địa bàn huyện phải luôn trong tư thế chủ động kịp thời, nhanh chóng. Đối với vụ mùa tới phải có hướng chỉ đạo thật cụ thể, chi tiết cho từng vùng một. Kiểm tra, chỉ đạo đôn đốc các xã khẩn chương hoàn thành việc hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng do thiên tai thời gian qua và việc này phải được tiến hành chặt chẽ, đúng quy định, đúng định mức. Đồng thời, ra quân khắc phục hạ tầng bị thiệt hại do thiên tai thời gian qua, công việc này phải đảm bảo đáp ứng ít nhất là đi lại của người dân trước dịp Tết, cũng như việc vận chuyển hàng hoá của người từ trong ra ngoài để giao thương trao đổi, mua bán.
Riêng đối với mùa vụ sản xuất thời gian tới, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử chỉ đạo, sản xuất phải theo hướng tiết kiệm nước tối đa, tuy nhiên phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân trong tổ chức sản xuất. Ngoài ra, đối với sản xuất hoa màu cần phải cân nhắc thật cẩn thận, tránh ảnh hưởng đến vụ lúa tiếp theo và phải tính đến đầu ra sản phẩm. Sở NN&PTNT chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình phục vụ sản xuất vùng ngọt, nhất là các trạm bơm, cống. Nghiên cứu lại quy hoạch sản xuất cho vùng ngọt nói riêng và cả huyện nói chung theo hướng mở. Đồng thời, tiến hành xã hội hoá về hạ tầng thuỷ lợi, nhất là dịch vụ bơm tát./.,
Nguyễn Phú