ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 22-9-24 09:39:05
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Khát khao nông thôn mới

Báo Cà Mau (CMO) So với các địa bàn khác của huyện Phú Tân, xã Nguyễn Việt Khái có lộ trình xây dựng nông thôn mới (NTM) chậm hơn khi mới đạt 14/19. Ông Lê Văn Bắc, Chủ tịch UBND xã, thổ lộ: “Địa bàn xã nằm ven biển, địa hình phức tạp, nền đất yếu, dân cư sống không tập trung, suất đầu tư cao nên rất khó khăn cho việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội như giao thông, thuỷ lợi, hệ thống điện và đảm bảo yêu cầu về quy mô diện tích đối với các hạng mục công trình hạ tầng, trường học, nhà văn hoá, sân thể thao”.

Với mục tiêu sẽ hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM trong năm 2022, địa phương đang tăng tốc, dồn sức để hoàn thiện các tiêu chí còn lại.

Cần sự trợ lực mạnh mẽ

Năm 2022, xã Nguyễn Việt Khái không còn trong danh sách xã đặc biệt khó khăn bãi ngang ven biển. Chỉ còn 3 ấp đặc biệt khó khăn là Gò Công, Gò Công Đông và Tân Quảng Tây (tổng số 11 ấp). Theo ông Bắc: “Việc không còn thuộc nhóm xã đặc biệt khó khăn đã tạo ra sự phấn khởi lớn cho địa phương. Tuy nhiên, cũng vì thế mà nguồn lực ưu tiên đầu tư phát triển cũng giảm. Để hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, xã rất cần sự quan tâm, hỗ trợ về hạ tầng cơ sở nông thôn”.

Do nhiều tuyến dân cư thưa thớt nên xã Nguyễn Việt Khái mạnh dạn trồng cây dương để tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp.

Hiện tại, 5 tiêu chí mà xã chưa đạt, đa phần đều ở nhóm đầu tư hạ tầng là giao thông, cơ sở vật chất văn hoá, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, trường học (cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia). Trong khi đó, ở tiêu chí môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm, địa phương cũng gặp những khó khăn khách quan.

Lộ nông thôn là khó khăn bức xúc nhất của xã Nguyễn Việt Khái hiện nay. Các trục ấp liên ấp được cứng hoá, mặt lộ rộng từ 2,5 m trở lên thực hiện được 44/179 km, đạt gần 25%. Tuy nhiên, các tuyến đường chưa được đồng bộ, hiện còn khoảng 21 km đường trục ấp, liên ấp mặt lộ rộng từ 2,5 m trở lên chưa được bố trí bãi tránh xe đúng theo quy định, cần đầu tư khoảng 32 bãi tránh xe; có tổng số 8 cây cầu cần nâng cấp, mở rộng để đồng bộ với mặt lộ hiện hữu. Còn lại khoảng 57 km lộ đất đen cơ bản được san lấp thông thoáng chưa được đầu tư lộ bê-tông. Đường ngõ xóm, nhánh sạch, không lầy lội vào mùa mưa thực hiện được hơn 8,5/31 km, đạt gần 28%, còn lại hơn 22 km lộ đất đen cơ bản được san lấp bằng phẳng, thông thoáng, chưa đảm bảo không lầy lội vào mùa mưa theo quy định.

Theo tính toán của địa phương, để đầu tư đồng bộ các hạng mục lộ giao thông, cần kinh phí trên 35,5 tỷ đồng. Ông Lữ Hoàng Hiền, Phó chủ tịch UBND xã cho biết: “Địa bàn rộng, dân cư bố trí không đều, đặc thù địa chất yếu nên việc đầu tư lộ rất khó khăn. Thêm vào đó, những tuyến dài không có cư dân sinh sống, việc huy động nguồn lực trong dân không nhiều. Dù đã rất nỗ lực, xã cũng không thể chủ động giải quyết dứt điểm bài toán này”.

Ông Huỳnh Hiếu Trường, Chủ tịch Hội Nông dân xã, bộc bạch: “Nếu nói về sự ủng hộ, đồng thuận của Nhân dân với xây dựng NTM thì rất tốt. Nhưng có những khó khăn mà địa phương chưa có cách khắc phục được. Ví dụ như tiêu chí môi trường, ở đây người dân có ý thức trồng tỉa cây kiểng, chăm sóc quyết liệt, nhưng nước dâng, ngập hết rồi chết. Hay như lộ giao thông, cần nguồn vốn lớn, xã cũng phải chờ có vốn của trên mới triển khai được”.

Bước tiến dài trong xây dựng NTM

Dù còn nhiều việc phải làm để hướng tới mục tiêu NTM, nhưng bức tranh nông thôn của xã Nguyễn Việt Khái đã có nhiều nét tươi mới đầy khích lệ. Trong đó phải kể đến việc giải quyết bài toán sinh kế cho người dân địa phương. Ông Bắc thông tin: “Đến hết năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 3,16%, so với năm 2018, thời điểm xã còn gần 10% hộ nghèo; đạt 14/19 tiêu chí NTM là bước tiến rất dài của địa phương. Giảm nghèo phải bền vững, tạo sinh kế, công ăn việc làm ổn định cho người dân luôn là ưu tiên quan trọng”.

Trở lại thăm gia đình anh Nguyễn Văn Đối và chị Nguyễn Thị Dung nằm trên đê biển Tây, hộ gia đình thuộc diện khó khăn trước đây của ấp Tân Quảng A, sự đổi thay là điều có thể cảm nhận rõ ràng. Chị Dung chia sẻ: “Vợ chồng nghèo, không đất đai, không nghề nghiệp, cuộc sống chật vật lắm. Cũng nhờ chính quyền xã quan tâm, hỗ trợ khởi nghiệp bằng mô hình nuôi dê, đến nay cuộc sống dần ổn định”. Từ 11 con dê được hỗ trợ, gia đình anh Đối và chị Dung phát triển thành đàn dê với hơn 30 con, đó còn là chưa tính lứa dê sắp đẻ. Thu nhập từ dê giống, dê thịt giúp vợ chồng trẻ có bệ đỡ kinh tế vững chắc và bắt đầu có tích luỹ, tính toán mở rộng mô hình.

Những hộ khó khăn như vợ chồng anh Đối, chị Dung, ấp Tân Quảng A, nhờ được hỗ trợ mô hình nuôi dê phù hợp, từng bước ổn định đời sống.

.Cũng từ mô hình được hỗ trợ thí điểm, anh Lê Thanh Phong, ấp Tân Quảng B tiếp tục duy trì, mở rộng việc làm ăn với mô hình dèo tôm 2 giai đoạn. Với 2 ha thả tôm nuôi, bình quân thu nhập của anh Phong theo con nước từ 5-7 triệu đồng. Không chỉ vậy, từ 1 ao dèo, anh Phong tiếp tục mở rộng thêm 2 ao dèo tôm giống mới phục vụ người dân tại địa phương. Chí thú làm ăn, nắm chắc kỹ thuật, anh Phong tạo được nguồn tôm giống chất lượng, cung không đủ cầu.

Anh Phong cho biết: “3 ao dèo làm luân phiên, 1 tháng xuất khoảng 300.000 tôm giống, chỉ 20 ngày là xuất bán, thu nhập có đều đặn”.

Các mô hình kinh tế hiệu quả đã và đang được duy trì, lan toả, mang lại sinh khí phấn khởi cho nông thôn xã Nguyễn Việt Khái. (Ảnh: Mô hình dèo tôm 2 giai đoạn của anh Lê Thanh Phong, ấp Tân Quảng B).

Trong định hướng phát triển của  xã Nguyễn Việt Khái, ông Bắc còn trăn trở về bộ phận cư dân ven biển Tây: “Với hơn 17 km bờ biển Tây, khu vực tiếp giáp cửa sông, cửa biển, đời sống người dân còn nhiều vất vả. Mục tiêu xây dựng NTM không gì khác ngoài việc làm cho quê hương giàu hơn, đẹp hơn. Do đó, ngoài sự chủ động, phát huy nội lực, ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đoàn kết thì các nguồn lực hỗ trợ, đầu tư là vô cùng quan trọng. Tâm nguyện của chúng tôi là làm sao người dân xã Nguyễn Việt Khái được thụ hưởng, thật sự là người nông dân mới, có được đời sống mới của xã NTM trong tương lai không xa”./.

 

Phạm Quốc Rin

 

Tái diễn lấn chiếm lòng đường trước cổng bệnh viện

Theo ghi nhận và xác minh thực tế của phóng viên Báo Cà Mau, khu vực trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau gần đây thường xuyên xuất hiện tình trạng mua bán thức ăn lấn chiếm lòng đường.

Trường Đại học Bình Dương Phân hiệu Cà Mau: Đào tạo hơn 2 ngàn sinh viên

Năm học 2023-2024 đánh dấu chặng đường 27 năm Trường Đại học Bình Dương hình thành và phát triển. Riêng tại Phân hiệu Cà Mau đến nay đã tuyển sinh và đào tạo được 11 khoá học.

Xây dựng khu dân cư tự quản đoàn kết, ấm no, hạnh phúc

Xây dựng khu dân cư (KDC) tự quản đoàn kết, ấm no, hạnh phúc, là mô hình đột phá mà Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau hướng đến trong nhiệm kỳ 2024-2029, với mục tiêu hướng mạnh hoạt động về cơ sở, địa bàn KDC. Ðể mô hình này thực hiện có hiệu quả, đòi hỏi sự đồng thuận, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân.

Chuyến xe yêu thương

Với mong muốn san sẻ khó khăn, tương trợ đồng bào các tỉnh phía Bắc đang phải chịu thiệt hại, mất mát nặng nề do cơn bão số 3 (Yagi) gây ra, Huyện đoàn - Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Trần Văn Thời phối hợp với Bưu điện huyện phát động thực hiện chương trình “Chuyến xe yêu thương” từ ngày 12-17/9. Chương trình đã nhận được sự đồng hành của nhiều tổ chức, đơn vị, cá nhân, lan toả mạnh mẽ tình yêu thương, sẻ chia và giúp đỡ trong nghĩa đồng bào.

Những ngôi nhà ấm áp nghĩa tình

Thời gian qua, các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, địa phương trên địa bàn huyện Trần Văn Thời đã vận động, huy động mọi nguồn lực để xây dựng, sửa nhà ở cho hộ nghèo. Nhờ sự chung tay, đồng tình hưởng ứng, ủng hộ với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, hàng trăm ngôi nhà Ðại đoàn kết ấm áp nghĩa tình đã được xây dựng, giúp hộ nghèo có chỗ ở ổn định, từng bước vươn lên trong cuộc sống.

Người dân Năm Căn hướng về đồng bào miền Bắc

Cơn bão số 3 (còn gọi là bão Yagi) đã qua đi, nhưng sự khốc liệt của nó đã gây thiệt hại rất nặng nề cho đồng bào ở một số tỉnh miền Bắc. Bằng tấm lòng ruột thịt Bắc - Nam một nhà, người dân tỉnh Cà Mau nói chung, huyện Năm Căn nói riêng đã có những việc làm thiết thực, nhằm sẻ chia, động viên bà con sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Trao học bổng "Quỹ xe đạp chở ước mơ"

Chiều 18/9, kỷ niệm 28 năm thành lập và Tháng hành động vì trẻ em, Công ty Bảo Việt nhân thọ Cà Mau tổ chức trao học bổng xe đạp cho các em học sinh nghèo hiếu học. Đây là hoạt động trong chương trình “Trao hơn cả cam kết” thể hiện sự quan tâm, chia sẻ khó khăn với các em học sinh nghèo hiếu học. 

Chống ngập cho TP Cà Mau cần giải pháp căn cơ

Hệ thống mương thoát nước thiếu đồng bộ, chưa đảm bảo năng lực, cùng với cao trình nhiều tuyến đường thấp hơn so với mực nước triều cường... được xác định là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ngập cục bộ tại nhiều khu vực trên địa bàn TP Cà Mau khi có mưa lớn.

Nhà văn hoá ấp xanh, sạch, đẹp

Mô hình trang trí Nhà văn hoá - Khu thể thao ấp, khóm xanh, sạch, đẹp và có nội dung hoạt động phong phú, được huyện Thới Bình linh hoạt tổ chức thành cuộc thi. Từ đó, góp phần thúc đẩy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” gắn với xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh trên địa bàn huyện.

Cô bé Trạng nguyên tiếng Anh

Tại Festival Trạng nguyên tiếng Anh toàn quốc năm 2024, do Báo Thiếu Niên Tiền Phong và Nhi Ðồng tổ chức, tại Ðại học Hàng hải Việt Nam, TP Hải Phòng, tỉnh Cà Mau có duy nhất một em đạt danh hiệu "Trạng nguyên tiếng Anh". Ðó là em Vũ Bảo Ngọc, học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học Lê Quý Ðôn (Phường 9, TP Cà Mau).