(CMO) Có chứng kiến di chứng, những nỗi ám ảnh do tai nạn giao thông để lại mới thấy được sự đau thương, mất mát, tổn thất về thể xác lẫn tinh thần đối với nạn nhân tai nạn giao thông (TNGT) lớn như thế nào. Mất mát của những người thân nạn nhân, đặc biệt là những nạn nhân đang là trụ cột, khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh khốn cùng. Vì thế, mỗi chúng ta hãy ý thức cao về trách nhiệm của mình sau tay lái.
Nhìn căn nhà cấp 4 đã xuống cấp, trống vắng từ trước ra sau, tài sản duy nhất chỉ có chiếc bàn thờ, cùng 1 chiếc giường kê tạm mới thấy được khó khăn đến cùng cực, cũng như hậu quả nặng nề do TNGT gây ra. Đây chính là căn nhà của 3 đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ vì TNGT: Huỳnh Thị Mỹ Phương, 18 tuổi; Huỳnh Cẩm Giang, 16 tuổi và Huỳnh Minh Nhật, 14 tuổi, cư ngụ ấp Thạnh Điền, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau.
Mất mát không thể bù đắp
Cha mất do TNGT trên đường đi làm về lúc Huỳnh Thị Mỹ Phương mới 8 tuổi. Không lâu sau đó, năm 2012, mẹ em cũng ra đi vĩnh viễn vì TNGT, để lại 3 chị em côi cút. Trong ngần ấy năm, 3 chị em chưa trưởng thành nhưng phải nương tựa vào nhau. Cạnh nhà các em là nhà bà nội, nhưng đã già yếu và người chú có hoàn cảnh khó khăn không kém nên không giúp đỡ được gì nhiều.
Là chị lớn, Huỳnh Thị Mỹ Phương và Huỳnh Thị Cẩm Giang phải bỏ dở việc học để kiếm tiền nuôi em, làm trụ cột gia đình. Hiện em Huỳnh Thị Mỹ Phương cũng đã kiếm được thu nhập khá ổn định bằng nghề lột tôm cho một công ty chế biến thuỷ sản trên địa bàn. Mỹ Phương bùi ngùi chia sẻ: “Mất cha, mất mẹ, tụi em tủi thân lắm. Từ khi cha mẹ mất, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, em ráng làm kiếm tiền để nuôi em ăn học”.
Gia đình chị Nguyễn Bé Nhỏ, ngụ ấp Tân Bằng, xã Tân Bằng, huyện Thới Bình cũng chịu sự mất mát lớn khi cách nay hơn 1 năm, chị phải ngậm ngùi tiễn chồng là anh Lê Văn Sáng, ra đi mãi mãi trong một vụ tai nạn với xe tải trong lúc đang trên đường giao hàng cho một công ty tại TP Hồ Chí Minh. Thế là mọi công việc trong gia đình oằn trên đôi vai của người đàn bà gầy guộc, nhỏ bé như đúng cái tên của mình.
Giờ chị phải xốc vác, bươn chải nuôi 4 đứa con, đứa nhỏ nhất mới học lớp 3. Ai mướn gì làm nấy, có khi làm cỏ, đánh lá mía nhưng phải đi xa nhà mấy chục cây số.
Chị Nguyễn Bé Nhỏ tâm sự: “Khi còn sống, ảnh là trụ cột, ảnh đi làm gởi tiền về lo cho mấy đứa nhỏ. Từ khi ảnh mất, gia đình đã khó khăn nay còn khó khăn hơn. Cả 4 đứa con đều đi học, được cái là đứa lớn đang học đại học cũng biết tự lo toan, làm thêm đỡ đần cho mẹ”.
Đại diện Ban An toàn giao thông tỉnh Cà Mau đền thăm hỏi, động viên gia đình anh Lê Văn Minh, Ấp 2, xã Thới Bình, huyện Thới Bình. |
May mắn hơn các trường hợp tử vong do TNGT, hơn 20% số người bị tai nạn bị thương tật vĩnh viễn, mất sức lao động. Anh Lê Văn Minh, ngụ Ấp 2, xã Thới Bình, huyện Thới Bình là một trong số đó. Dù còn sống nhưng gia đình anh lâm vào cảnh túng quẫn kể từ khi anh bị TNGT.
Cần sự chia sẻ
Là trụ cột của gia đình 5 miệng ăn sống trong căn nhà không có tư liệu sản xuất, anh Minh cùng vợ phải vất vả kiếm cái ăn từng bữa cho 3 đứa con nhỏ nheo nhóc, đứa lớn nhất mới 5 tuổi.
“Trước kia, khi chưa bị tai nạn, với nghề thợ hồ, dù không gọi là khá giả nhưng tôi cũng lo được cho vợ, cho con đủ cái ăn, cái mặc. Giờ chỉ mong có ai hỗ trợ được chiếc vỏ máy để hằng ngày đặt lú, giăng lưới nuôi con thôi, chứ thương tật như vầy đâu làm gì được nữa”, anh Lê Văn Minh bùi ngùi.
Nhìn những đứa trẻ đen nhẻm, sợ người lạ, đứng lấp ló cạnh người cha đang khập khiễng, lê từng bước chân nặng nề, liệu có ai chắc rằng rồi mai kia chúng sẽ có được một tương lai tươi sáng? Hay phía trước chúng là những mảng đen u ám do TNGT để lại.
Trong gần 15 trường hợp ghi nhận được trong chuyến tháp tùng đi thăm, tặng quà các nạn nhân tai nạn giao thông vừa qua do Ban An toàn giao thông tỉnh Cà Mau tổ chức nhân Ngày thế giới tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông, phần lớn đều rơi vào trường hợp mất đi trụ cột trong gia đình. Mỗi gia đình mỗi hoàn cảnh, nhưng ở họ đều có điểm chung là mất mát không thể nào bù đắp được.
Người ra đi là trụ cột sẽ để lại nhiều hệ luỵ cho người thân, gia đình khi không còn nơi nương tựa, không người nuôi dưỡng. Nếu còn sống mà thương tật, mất sức lao động, sống đời sống thực vật thì đó là bi kịch cho người có liên quan và cái nghèo, cái khổ đeo bám. Nỗi đau TNGT để lại vô cùng lớn, vì thế, những hoàn cảnh không may này rất cần sự đồng cảm, sẻ chia từ cộng đồng để họ có thêm nghị lực vượt qua nỗi đau./.
Song Khuê