(CMO) Xử lý các trường hợp lấn chiếm, buôn bán, đỗ xe dưới gầm cầu dường như là vấn đề “khổ lắm nói mãi”. Hiện tại, hầu như tất cả những gầm cầu trong khu vực nội ô TP Cà Mau đều bị chiếm dụng mà không có giải pháp căn cơ nào được đưa ra.
Hầu hết các phần đất trống bên dưới các cây cầu đều bị người dân phân chia thành bãi đỗ xe, bãi vật liệu xây dựng, buôn bán. Khi cơ quan chức năng đến lập biên bản xử lý thì có muôn ngàn lý do được đưa ra, trong đó cái “tình” luôn đè nặng cái “lý”, bởi họ đa phần là những người có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập thấp.
Gầm cầu là chợ, là bãi đỗ xe
Theo ghi nhận, tại khu vực gầm cầu Phan Ngọc Hiển (thuộc các phường: 2, 4 và 5, TP Cà Mau), gầm cầu phía Phường 4 và Phường 2 nằm ngay khu “chợ chạy”, nếu quản lý chợ Phường 4 xuất hiện thì những người buôn bán dưới chân cầu lại xách đồ chạy qua Phường 2. Khi lực lượng chức năng khuất bóng, họ lại trở về đúng vị trí để buôn bán tiếp.
Còn gầm cầu phía khu vực Phường 5, tuy số lượng người buôn bán ít hơn nhưng đây là bãi tập kết những thùng rác của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Cà Mau và bãi tập kết vật liệu xây dựng của một doanh nghiệp.
Cầu Cà Mau đang được duy tu. |
Bà Lệ, người bán hàng tại gầm cầu Phan Ngọc Hiển, phía Phường 5, than thở: “Tôi sống ở khu vực này lâu rồi. Hoàn cảnh gia đình khó khăn quá nên mới ra đây buôn bán. Biết rằng buôn bán tại đây là sai, nhưng mấy chú ở phường biết tôi, nên nhiều khi cũng la vài câu rồi thôi”.
Chủ tịch UBND Phường 5 Lê Thanh Tùng cho biết, đơn vị nhiều lần nhắc nhở, xử phạt hành chính đối với những cá nhân, tổ chức chiếm gầm cầu. Trước đây, khu vực này an ninh phức tạp, người dân thường xuyên đổ rác nên UBND phường đã giao cho doanh nghiệp quản lý. Thay vì để nhiều người đổ rác gây mất vệ sinh, UBND phường đề nghị doanh nghiệp này dọn dẹp trả lại mặt bằng. Việc xử lý triệt để vấn đề buôn bán, lấn chiếm phần đất trống dưới gầm cầu cần thời gian dài.
Còn tại khu vực gầm cầu Huỳnh Thúc Kháng (Phường 7, TP Cà Mau) lại tập trung đông đúc các quán nhậu vỉa hè, vào buổi tối các quán thường rất đông khách. Gầm cầu được các quán nhậu phân chia nhau làm bãi đậu xe máy, thậm chí có quán còn để thẳng bảng hướng dẫn bãi đậu xe của mình cạnh bảng cấm buôn bán, đậu xe.
Lực lượng chức năng nhắc nhở, xử lý các trường hợp vi phạm. |
Là điểm giao giữa 2 phường 5 và 7, cầu Cà Mau do xuống cấp sau hơn 40 năm đưa vào sử dụng đang được duy tu. Mặc dù trên cầu các đơn vị thi công khoan đục bê tông nhưng dưới gầm người dân vẫn tụ tập buôn bán bình thường như không có việc gì xảy ra. Trước đây gầm cầu được xây kín lại để tránh tình trạng xả rác, khi đơn vị thi công vừa cắt bỏ tường để sửa chữa, người dân lập tức biến nơi đó thành bãi đậu xe và xả đầy rác. Bỏ qua vấn đề vi phạm, việc tụ tập buôn bán tại công trình đang thi công là vô cùng nguy hiểm. Thế nhưng, vì mưu sinh, nhiều người chẳng màng đến những nguy hiểm chực chờ ngay trên đầu mình.
Khó xử lý dứt điểm trong thời gian ngắn
Trước những diễn biến phức tạp về việc chiếm dụng gầm cầu, Chủ tịch UBND TP Cà Mau Phan Hoàng Vũ cho biết, đã có công văn chỉ đạo đến các xã, phường giải quyết dứt điểm những hành vi vi phạm lấn chiếm, sử dụng gầm cầu sai mục đích. Thế nhưng, vấn đề này cần có giải pháp tuyên truyền dài hơi, bởi vì mưu sinh, người dân sẵn sàng phản kháng lại lực lượng chức năng khi làm nhiệm vụ. Đã có nhiều trường hợp người dân chống lại lực lượng này.
Ông Phan Hoàng Vũ cho biết thêm, mỗi tuần có 50-60 trường hợp vi phạm bị xử lý. Thế nhưng, do lực lượng địa phương không thể túc trực xuyên suốt tại các khu vực này nên tình trạng lấn chiếm, chiếm dụng trái phép vẫn tái diễn. UBND TP Cà Mau đã kiến nghị UBND tỉnh một số giải pháp, trong đó có lắp đặt camera quan sát những khu trọng điểm để kịp thời xử lý những hành vi vi phạm.
Người dân tập trung buôn bán tại khu vực gầm cầu Phan Ngọc Hiển, Phường 5. Phía sau hàng rào là nơi doanh nghiệp tận dụng làm bãi vật liệu xây dựng. |
Về giải pháp lâu dài, thành phố đã có những buổi trưng cầu ý kiến người dân tại khu “chợ chạy” giữa Phường 2 và Phường 4 về việc di dời những tiểu thương này về khu nhà lồng chợ đang được xây dựng tại Phường 4. Để di dời cần phải có thời gian dài, có thể là sau tết 2020 mới có thể thực hiện được, bởi hiện tại hạ tầng vẫn chưa hoàn thiện. Đó là giải pháp “tạm ổn” bên cạnh việc tuyên truyền ý thức cho người dân. Nếu thực hiện được mới có thể trả lại mặt bằng cho bờ kè khu vực này nói chung và gầm cầu Phan Ngọc Hiển nói riêng.
Trước những nguy cơ mất an toàn giao thông, cháy nổ, ảnh hưởng kết cấu hạ tầng và mỹ quan đô thị, thời gian qua TP Cà Mau đã tăng cường xử lý các hành vi vi phạm quy định về quản lý sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn thành phố, thế nhưng, đây là vấn đề dài hơi do mặt bằng đô thị thành phố hiện tại chưa đồng bộ.
Thiết nghĩ, để giải quyết triệt vấn đề này, cần nhanh chóng quy hoạch và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Chỉ có như vậy việc lấn chiếm, sử dụng gầm cầu mới không còn tái diễn./.
“Thông tư 35/2017 của Bộ GTVT có hiệu lực từ ngày 1/12/2017, quy định không được sử dụng gầm cầu đường bộ làm nơi ở, bãi đỗ xe và các dịch vụ kinh doanh khác. Trường hợp được cấp phép trước ngày thông tư này có hiệu lực thì khi hết hạn phải hoàn trả mặt bằng cho đơn vị quản lý đường bộ. Trước đó, ngày 18/4/2019, UBND tỉnh Cà Mau có Công văn số 2616/UBND-XD về việc xử lý vi phạm sử dụng trái phép gầm cầu đường bộ. Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu chủ tịch UBND xã, phường tập trung xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm. Giao Phòng Quản lý đô thị TP Cà Mau giám sát và báo báo UBND thành phố trước ngày 28/5/2019, nếu đơn vị nào chưa xử lý dứt điểm tình trạng sử dụng trái phép gầm cầu đường bộ; Không phát hiện xử lý kịp thời để tình trạng vi phạm quy định về quản lý, sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ diễn ra trên địa bàn quản lý thì chủ tịch UBND xã, phường đó chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố. |
Vân Khánh