(CMO) Hoạt động kiểm tra liên ngành giải toả chướng ngại vật trên sông đang được các cơ quan chức năng huyện Đầm Dơi tiến hành. Tuy nhiên, những đợt ra quân luôn gặp nhiều khó khăn, những tuyến sông vẫn không hoàn toàn được thanh thải, một phần lớn do ý thức hộ dân và xuất phát từ nhu cầu kinh tế của gia đình.
Tổ kiểm tra liên ngành của Ban An toàn giao thông huyện Đầm Dơi tổ chức ra quân kiểm tra việc giải toả các chướng ngại vật trên tuyến sông Gành Hào và một số tuyến sông trên địa bàn xã Quách Phẩm, Quách Phẩm Bắc, tuyến sông Bảy Háp trên địa bàn xã Tân Trung và Trần Phán. Mặc dù đã được các ngành chức năng tuyên truyền, ra quân giải toả nhiều đợt nhưng vẫn còn nhiều hộ dân chưa chấp hành tốt.
Lực lượng chức năng giải toả chướng ngại vật trên sông. |
Mất khá nhiều thời gian đoàn mới có thể thanh thải những đoạn sông đầy bẫy giao thông do các hộ tại địa bàn xã Tân Trung, Trần Phán giăng mắc. Kết quả, hàng trăm cọc, cây tạp được xử lý, lực lượng chức năng thu giữ hàng chục lú, đáy, cụm chà… gây mất an toàn giao thông.
Phó chủ tịch UBND xã Tân Trung Huỳnh Hải Đăng cho biết: “Đối với những hộ không chấp hành xã sẽ giữ đáy và lập biên bản đề nghị khắc phục thời gian tới. Xã sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức hơn trong việc giải toả chướng ngại vật để cho dòng sông thông thoáng”.
Sau buổi kiểm tra, Tổ Kiểm tra liên ngành của Ban An toàn giao thông huyện Đầm Dơi lập biên bản và giao cho các xã quản lý, tránh trường hợp tái vi phạm thời gian tới. Tuy nhiên, hoạt động này chỉ có hiệu quả nếu có sự tham gia của những hộ gia đình trên tuyến. Lý giải cho nguyên nhân tái vi phạm đa phần đều vì lý do kinh tế gia đình, cắm tạm lú đáy là nguồn thu của nhiều hộ.
Xã Ngọc Chánh là một trong những địa bàn thực hiện hiệu quả việc giải toả chướng ngại vật trên các tuyến sông. Ngoài những vị trí đáy lớn nằm trong kế hoạch giải toả đến năm 2021, những điểm lú, đáy nhỏ của bà con nay đã được tuyên truyền tự tháo dỡ, cam kết không tái vi phạm. Sắp xếp, bố trí cho người dân có một nghề ổn định hơn, làm tốt công tác tuyên truyền là biện pháp được xã Ngọc Chánh duy trì trong thời gian qua.
Bà Phạm Thị Diền, người dân ấp Tân Hùng, xã Ngọc Chánh, nhiều năm đặt lú trên sông. Sau khi được địa phương tuyên truyền đã chủ động tìm nghề mới, bà Diền cho biết: “Nhà nghèo, nhưng được ấp, xã đến tuyên truyền, vận động đã cam kết chuyển đổi nghề khác”.
Tương tự như hộ bà Diền, ông Nguyễn Sỹ Nguyên cũng có thâm niên trong đặt lú trên sông. Được địa phương vận động, ông đã thôi công việc đó. Ông Nguyên chủ động tìm công việc khác và sắm phương tiện chạy xe ôm. Thu nhập như nhau nhưng những nghề hiện tại không gây nguy hiểm cho những phương tiện lưu thông trên sông.
Phó chủ tịch UBND xã Ngọc Chánh Phạm Minh Phụng cho biết: “Địa phương thực hiện nhiều giải pháp. Một mặt tuyên truyền vận động; Mặt khác, tạo điều kiện cho hộ nghèo được chuyển đổi ngành nghề”.
Những kết quả đạt được của xã Ngọc Chánh đáng ghi nhận. Song, tình trạng vi phạm an toàn giao thông thuỷ trên địa bàn huyện Đầm Dơi vẫn đang diễn ra. Để tránh trường hợp tái vi phạm, chính quyền sở tại cần thường xuyên kiểm tra, xử lý vi phạm. Đặc biệt, có những định hướng chuyển đổi phù hợp cho bà con./.
Thuỳ Mỵ