(CMO) Thời gian qua, tình trạng sạt lở bờ sông, kênh rạch diễn biến rất phức tạp, tần suất và mức độ sạt lở ngày càng gia tăng. Mặc dù các ngành liên quan và người dân có nhiều biện pháp bảo vệ bờ sông, kênh rạch nhưng công tác phòng, chống sạt lở còn gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Dữ, ấp Rạch Bần B, xã Phong Lạc, là một trong những hộ có phần đất mặt tiền khá dài, khoảng 250 m. Thời gian qua, ông Dữ nhiều lần làm bờ kè tạm chống sạt lở nhưng hiện tại nhiều chỗ đã bị sóng đánh ăn sâu vào đất liền, tạo thành hàm ếch phía dưới mặt lộ và nguy cơ gây sụt lún tuyến lộ nông thôn trước cửa nhà ông.
Ông Nguyễn Văn Dữ lo lắng: "Thời gian gần đây, đất ở khu vực ven sông sạt lở nhanh quá. Tôi đã kiếm cây và lá dừa làm bờ kè tạm mấy lần rồi mà không giữ được đất. Nguyên nhân sạt lở nhanh là do hàng ngày có nhiều phương tiện thuỷ gắn máy xe công suất lớn chạy liên tục nên sóng đánh vào làm hư bờ kè và trôi đất hết. Hiện tại, trong vườn tôi không còn cây và vật liệu gì để làm bờ kè tạm được nữa, còn làm bờ kè bằng bê tông thì không có khả năng".
Trước tình hình sạt lở bờ sông, kênh rạch có chiều hướng ngày càng gia tăng, UBND huyện Trần Văn Thời chỉ đạo các ngành chuyên môn kết hợp với UBND các xã, thị trấn tăng cường các biện pháp phòng, chống sạt lở như tuyên truyền, vận động người dân tích cực trồng cây xanh chống sạt lở theo các tuyến sông, kênh rạch. Những điểm có nguy cơ sạt lở cao phải làm bờ kè tạm, trồng mắm, đước để tạo vành đai.
Nhiều hộ dân ở xã Phong Lạc khẩn trương làm bờ kè tạm để phòng, chống sạt lở. |
Đối với những điểm sạt lở có nguy cơ đe doạ đến các tuyến lộ nông thôn, nhưng người dân không có điều kiện phòng, chống, huyện đã hỗ trợ cừ tràm làm bờ kè tạm để bảo vệ lộ. Tuy nhiên, việc làm bờ kè tạm không bao lâu sẽ bị hư hỏng, không giữ được đất nên xảy ra tình trạng tái sạt lở.
Ông Trần Văn Hoà, ở ấp Rạch Bần B, xã Phong Lạc, cho biết: "Nếu không làm được bờ kè bằng bê tông thì không thể nào giữ được đất. Làm bờ kè bằng cây lá khoảng vài tháng bị sóng đánh sạt hoặc mục hết, tình trạng sạt lở đất tiếp tục tái diễn nên hiện nay bà con gặp rất nhiều khó khăn".
Nhằm hạn chế tình trạng sạt lở bờ sông, kênh rạch, bảo vệ các tuyến lộ giao thông trên địa bàn huyện, UBND huyện Trần Văn Thời cho cơ giới vào gia cố những chỗ có nguy cơ sạt lở cao, vận động người dân dùng các biện pháp tạm thời để bảo vệ lộ. Tuy nhiên, về lâu dài cần phải có biện pháp căn cơ đối với công tác phòng, chống sạt lở mới đảm bảo hiệu quả. Trong đó, việc trồng cây xanh dọc theo các tuyến sông, kênh rạch thời gian qua đã phát huy hiệu quả và cần được duy trì, nhân rộng trong thời gian tới./.
Anh Quốc