(CMO) Những năm gần đây, tình hình thời tiết diễn biến thất thường, các hiện tượng dông, lốc xoáy, sạt lở đất, nước dâng bất thường đang có chiều hướng gia tăng. Đặc biệt, cơ sở hạ tầng, nhất là nhà ở Nhân dân đa phần là nhà cấp 4 và nhà tạm, bà con lại có tập quán sống ven sông, ven kênh, nơi có biên độ triều cường lớn, dòng chảy xiết, nên khi có sự cố xảy ra thiệt hại không thể tránh khỏi.
Phó chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển Trần Hoàng Lạc cho biết, các loại thiên tai xảy ra trên địa bàn huyện chủ yếu là sạt lở đất ven sông tuyến biển Đông, dông, lốc xoáy, triều cường…. Mùa mưa năm nay mới bắt đầu nhưng tình hình dông, lốc, sấm sét, nước dâng, sạt lở đất đã xảy ra 27 vụ, làm sập và tốc mái gần 50 căn nhà, chết 1 người, thiệt hại tài sản trên 1,3 tỷ đồng. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn xảy ra 3 vụ chìm phương tiện khai thác thuỷ sản của ngư dân xã Tân Ân, ước thiệt hại hơn 2 tỷ đồng.
Các thành viên trong Ban Chỉ huy PCLB tỉnh, phụ trách khu vực V đi kiểm tra các điểm sơ tán dân trong địa bàn huyện Ngọc Hiển và Năm Căn. |
Cũng theo ông Trần Hoàng Lạc, hiện nay trên địa bàn huyện còn 13 điểm sạt lở đất nguy hiểm, cần được đầu tư xây dựng các công trình khắc phục. Đặc biệt, còn 739 hộ dân sinh sống ven sông, ven biển không đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão cần được bố trí tái định cư để ổn định cuộc sống lâu dài.
Công tác phòng, chống thiên tai luôn được địa phương quan tâm thực hiện theo phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và “ba sẵn sàng” (chủ động phòng tránh; đối phó kịp thời; khắc phục khẩn trương và có hiệu quả). Lực lượng tại chỗ hiện có 1.117 người gồm công an, quân sự, biên phòng, y tế… và 212 phương tiện để sơ tán dân khi có tình huống xấu xảy ra. "Tuy nhiên, khi có bão, số phương tiện sơ tán người dân đã được huy động, người dân sẵn sàng giao phương tiện cho lực lượng làm nhiệm vụ, nhưng không có tài công. Đó là một trong những khó khăn nan giải mà địa phương đang gặp phải, chưa nói đến kinh phí", ông Lạc cho biết.
Ngọc Hiển là địa phương có nhiều cửa biển lớn như Rạch Gốc, Bồ Đề, Hóc Năng… nhưng chỉ có cửa Rạch Gốc được đầu tư xây dựng khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão với 180 trụ neo đậu cho từ 200-600 tàu cá có công suất từ 45-600 CV trú bão. Chủ tịch UBND xã Tam Giang Tây Lâm Quốc Cường kiến nghị, Bồ Đề là một trong những cửa biển rộng và sâu nhất tỉnh, có số lượng tàu, thuyền khai thác thuỷ sản nhiều, nhưng chưa có khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão. Mặt khác, số phương tiện khai thác thuỷ sản ven bờ còn nhiều, không đăng ký, đăng kiểm, không đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân trong khai thác, về lâu dài cần có chính sách chuyển đổi nghề.
Cũng là địa phương ven biển, Chủ tịch UBND xã Đất Mới, huyện Năm Căn Trần Văn Phim cho biết, để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do bão gây ra, đặc biệt là người già, phụ nữ, trẻ em cũng như các công trình trọng yếu, địa phương đã xây dựng từng phương án ứng phó. Trường hợp bão dưới cấp 10, tiến hành di dời dân tại chỗ 378 hộ với 1.410 người sống ven đê, ven rừng phòng hộ, ven biển, cửa sông… đến nơi an toàn như các cơ quan, trường học trên địa bàn. Trường hợp bão mạnh, cường độ gió từ cấp 10 trở lên thì tiến hành sơ tán dân theo bước 2 (với 847 hộ, 3.361 người), nhưng gặp khó khăn trong di dời dân do điều kiện và cơ sở hạ tầng còn yếu và thiếu.
Để chủ động triển khai thực hiện kế hoạch, phương án phòng chống, ứng phó với thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho những năm tiếp theo, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Năm Căn Nguyễn Đức Trung kiến nghị UBND tỉnh xem xét bổ sung kinh phí cho lực lượng trực ban 24/24 của văn phòng thường trực ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện và lực lượng trực ban cấp xã, thị trấn. Đồng thời, bổ sung kinh phí mua sắm bổ sung các trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống thiên tai. Chỉ đạo các ngành chức năng sớm có các giải pháp triển khai thực hiện các điểm quy hoạch dân cư để di dời hộ dân ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở cao.
Đặc biệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân phòng, chống lụt bão. "Công tác này cần được thực hiện thường xuyên và xuyên suốt trong quá trình phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Việc nâng cao nhận thức không chỉ đối với người dân mà cần tăng cường nâng cao nhận thức của cán bộ làm công tác phòng, chống thiên tai; phải chuyển hướng nhận thức và hành động lấy phòng ngừa là chính", ông Trung kiến nghị./.
Trung Đỉnh