ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 23-11-24 01:55:12
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Khó khăn trong cai nghiện ma tuý

Báo Cà Mau (CMO) Trong 147 học viên đang cai nghiện tại Cơ sở Cai nghiện ma tuý tỉnh Cà Mau (Ấp 1, xã Khánh An, huyện U Minh) thì có hơn 10% tái nghiện lần 3, hơn 80% tái nghiện lần 2. Từ thực tế cho thấy, đây là vấn đề vô cùng nan giải không chỉ đối với ngành chuyên môn mà còn là hồi chuông báo động cho toàn xã hội về tình trạng nghiện ma tuý ngày một tăng và trẻ hoá về độ tuổi trên địa bàn.

Học viên được học nghề để có điều kiện làm việc, có thu nhập khi tái hoà nhập cộng đồng.

Ông Nguyễn Văn Sánh, Phó giám đốc Cơ sở Cai nghiện ma tuý tỉnh, cho biết: Theo thống kê chưa đầy đủ (vì đa phần các đối tượng sau khi mãn thời gian cai nghiện tập trung tại cơ sở có số bỏ xứ đi xa), số còn lại tại địa phương có tới 90% tái nghiện. Nguyên nhân là các đối tượng này khi ra khỏi cơ sở một phần không có việc làm, thiếu sự quan tâm của xã hội, cộng thêm bạn bè săn đón... nên không vượt qua được cám dỗ".

Ng. M. T (xã Tân Bằng, huyện Thới Bình) nghỉ học từ rất sớm, theo bạn bè tụ tập ăn chơi rồi dính vào ma tuý đá lúc nào không hay. Gia đình động viên đưa T đi cai nghiện. Năm 2017, T bắt đầu cai nghiện đợt 1. Qua 18 tháng ở cơ sở, T hoàn toàn dứt ra được với cái “chết trắng”, nhưng khi tái hoà nhập cộng đồng, T lại tái nghiện. Năm 2019, T lại vào cai nghiện đợt 2 với thời gian 20 tháng và rồi T lại tiếp tục nghiện. Hiện tại, T đã vào cơ sở cai nghiện đợt 3 được 13 tháng.

Trong suốt buổi trò chuyện, T xem việc mình nghiện ngập là chuyện rất bình thường.

Qua trao đổi được biết, gia đình T có 3 anh em, T là con út được cha mẹ rất cưng chiều. Các anh chị đã có gia đình và đã ở riêng, chỉ riêng T sống chung ba mẹ. Hàng ngày, thay vì phụ giúp cha mẹ già tu bổ vuông tôm để lo phát triển kinh tế thì T lại theo bạn bè tụ tập chơi bời, mặc cho cha mẹ khóc hết nước mắt. Tôi hỏi vì sao T có thể tái nghiện nhanh như thế, T chỉ trả lời ngắn gọn “do buồn”. Ở tuổi 28, độ tuổi đẹp nhất của thời thanh xuân nhưng gần phân nửa quãng thời gian T đã gắn cuộc đời mình với "nàng khói nâu" để rồi tương lai cũng chẳng biết đi về đâu!

Sau khi cắt cơn thành công, các học viên được cho ra ngoài lao động, làm việc.

Ở cơ sở cai nghiện, độ tuổi trung bình từ 18-35 chiếm số nhiều, nhưng riêng trường hợp của anh D. Tr. Th (Năm Căn) đã 42 tuổi và cũng là đối tượng nhiều lần vào, ra cơ sở cai nghiện như “ăn cơm bữa”.

Anh Th cho biết, trước đây anh cũng từng có một gia đình hạnh phúc, có vợ đẹp và con ngoan, có công việc ổn định tại TP Hồ Chí Minh. Nhưng vì không cưỡng lại được sự cám dỗ của ma tuý nên anh đã sa ngã. Người vợ tào khang đã ở bên anh và giúp anh vượt qua giai đoạn khủng hoảng nhất của cuộc đời khi anh đi cai nghiện lần 1 ở Bến Tre.

Cứ ngỡ hạnh phúc sẽ lại mỉm cười với anh, nhưng anh lại một lần nữa sa vào con đường nghiện ngập. Dù còn rất thương anh nhưng vợ anh cũng dứt áo ra đi để tìm tương lai cho con trẻ. Sau khi hết thời gian cai nghiện tập trung, anh về lại quê hương mở tiệm sửa xe nho nhỏ để trang trải cuộc sống. Nhưng mỗi lần nhớ vợ, nhớ con, anh lại tìm đến ma tuý để quên và rồi anh lại bị bắt đưa đi cai nghiện tập trung lần 3.

Anh Th tâm sự trong nước mắt: “Ở tuổi này, tôi mới nhận ra thời gian không còn nhiều để cho tôi làm lại. Tôi tiếc phần tuổi trẻ đã bỏ phí, đi hoang. Những ngày sống ở đây tôi rất nhớ thương con của tôi nhưng lại không dám gặp vì sợ con mặc cảm, sợ bị người ta kỳ thị vì có người cha nghiện ngập”.

Ông Sánh chia sẻ: “Ngoài thời gian cắt cơn nghiện cho các đối tượng thì cơ sở cũng lên lịch cho các đối tượng ra lao động, rồi kết hợp với các trường, các trung tâm đào tạo, hướng dẫn nghề để họ có nghề, thuận lợi cho việc tái hoà nhập cộng đồng. Nhưng thực tế cho thấy, nghề của họ học được ít có “đất dụng võ”. Thêm nữa, một phần vì xã hội còn kỳ thị đối với những đối tượng nghiện ngập, phần vì chính bản thân họ không vượt qua được cám dỗ...”.

Theo ghi nhận, thời gian qua cơ sở đã đào tạo nghề cho các học viên như nối mi, may gia công, hớt tóc. “Trong năm 2022, cơ sở mở thêm lớp may công nghiệp và phối hợp với Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc Cà Mau mở thêm lớp điện dân dụng để các học viên tìm được công việc thích hợp khi tái hoà nhập cộng đồng”, ông Sánh cho biết thêm.

Ðịnh hướng là thế, nhưng để con đường về với nẻo sáng của các đối tượng nghiện ma tuý được rộng mở thì rất cần sự quan tâm của toàn xã hội, sự chở che của gia đình và hơn hết là sự phấn đấu từ chính bản thân của các đối tượng./.

 

Từ Thái Tâm

 

Liên kết hữu ích

Nói không với ma tuý trong học đường

Ma tuý gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các mặt của đời sống, người nghiện có thể dẫn đến các hành vi phạm tội nguy hiểm cho mọi người và xã hội. Hiện nay, tình trạng sử dụng trái phép chất ma tuý có xu hướng gia tăng và đối tượng sử dụng ma tuý ngày càng trẻ hoá, đặt ra nhiều thách thức trong công tác phòng, chống ma tuý, nhất là trong học đường.

Tuyên truyền “Nói không với ma tuý” trong học đường

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phòng chống ma tuý, thuốc lá điện tử trong học đường, sáng nay (21/10), Tỉnh đoàn phối hợp với Công an tỉnh tổ chức các hoạt động tuyên truyền “Nói không với ma tuý” cho tập thể cán bộ, giáo viên và học sinh Trường THPT Nguyễn Việt Khái (Phường 8, TP Cà Mau).

Hỗ trợ hoà nhập cho người mãn án

Với mong muốn tạo điều kiện giúp đỡ người mãn án trở thành người có ích cho xã hội, Công an huyện U Minh đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể thường xuyên tổ chức các hoạt động trợ giúp tâm lý, hỗ trợ các thủ tục pháp lý, đào tạo nghề và tư vấn việc làm cho những đối tượng này.

Truyền thông phòng chống HIV/AIDS trong giới trẻ

Những năm gần đây, số người nhiễm HIV/AIDS tại Cà Mau có xu hướng trẻ hoá, trong đó dưới 30 tuổi chiếm đa số; không chỉ trong nhóm đối tượng trưởng thành mà ngay cả học sinh, sinh viên cũng là mối quan tâm, vì thói quen sinh hoạt không lành mạnh, do đó, cần tăng cường truyền thông mạnh và rộng khắp.

Bắt nhóm đối tượng vận chuyển 2 kg ma tuý

Sau thời gian nỗ lực điều tra, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ, Công an tỉnh Cà Mau, đã khám phá thành công và bắt giữ nhóm đối tượng tổ chức vận chuyển trái phép chất ma tuý liên tỉnh, thu giữ 2 kg ma tuý.

Thí điểm mô hình phối hợp hỗ trợ người sau cai

Cơ sở Cai nghiện ma tuý tỉnh Cà Mau và UBND huyện Thới Bình vừa tổ chức ký kết phối hợp thực hiện mô hình “Hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng, công tác quản lý, hỗ trợ người sau cai nghiện ma tuý". Kết quả từ mô hình thí điểm này sẽ là tiền đề để thời gian tới tỉnh thực hiện nhân rộng tại các địa phương khác trên địa bàn.

Giúp học viên phục hồi sức khoẻ

Xác định một trong những mục tiêu quan trọng khi cai nghiện ma tuý là phục hồi thể chất, tinh thần, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi cho học viên, thời gian qua, Cơ sở Cai nghiện ma tuý tỉnh tổ chức nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao... giúp học viên rèn luyện, có thêm động lực cai nghiện tốt, sớm trở về với gia đình, tái hoà nhập cộng đồng.

Ngăn chặn ma tuý từ sớm, từ xa

Thông tin từ Ban Chỉ đạo 138 tỉnh, qua rà soát và phân loại, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 11 xã, phường, thị trấn trọng điểm về ma tuý, 22 điểm có nguy cơ phức tạp về ma tuý và 100/101 xã, phường, thị trấn có ma tuý. Những tháng đầu năm 2024, tình hình tội phạm và tệ nạn ma tuý trên địa bàn tỉnh từng lúc diễn biến phức tạp, tội phạm và vi phạm về ma tuý được phát hiện, xử lý nhiều hơn cùng kỳ.

Tệ nạn và tội phạm ma tuý ngày càng trẻ hoá

Thời gian gần đây, các loại ma tuý mới xuất hiện thâm nhập vào Việt Nam nói chung và tỉnh Cà Mau nói riêng đã làm tình hình tội phạm về ma tuý ngày càng diễn biến phức tạp, kéo theo đó, số lượng người nghiện cũng tăng hơn so với cùng kỳ. Đáng chú ý là người nghiện ma tuý có xu hướng trẻ hoá về độ tuổi, chủ yếu là thanh, thiếu niên. Đây cũng là hồi chuông báo động đối với bậc phụ huynh trong việc quản lý con em mình.

Trợ lực người sau cai nghiện tái hoà nhập

Thời gian qua, công tác hỗ trợ người nghiện tái hoà nhập cộng đồng luôn được các cấp, các ngành, các địa phương đặc biệt quan tâm. Cùng với việc chăm sóc, điều trị, phục hồi sức khoẻ, công tác đào tạo việc làm, định hướng nghề nghiệp được Cơ sở Cai nghiện ma tuý tỉnh (Cơ sở) chú trọng, nhằm từng bước tạo điều kiện trang bị hành trang đầy đủ để người sau cai có thể tự tin vững bước trong hành trình tái hoà nhập cộng đồng.