(CMO) Đó là một trong những nội dung chính được Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh Cà Mau Trần Hồng Quân chỉ đạo tại cuộc họp trực tuyến sáng nay (ngày 20/7) với các địa phương trong tỉnh.
Qua gần 2 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Cà Mau cơ bản thực hiện hiệu quả. Tuy nhiên, nhiều những vấn đề phát sinh được các huyện, thành phố phản ánh và cần có biện pháp nhất quán để áp dụng như: Quản lý hoạt động, đi lại của hộ dân, của người lao động các ngành nghề tự do không bị hạn chế; hoạt động mua bán thực phẩm truyền thống bằng xe, xuồng hàng bông ở các tuyến dân cư; hoạt động thu, mua nông sản và hải sản...
Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Hồng Quân chỉ đạo các địa phương áp dụng giải pháp quản lý dân cư đồng bộ, hiệu quả trong thời gian giãn cách xã hội
Với các vấn đề này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Hồng Quân chỉ đạo: “Tp. Cà Mau đã thực hiện phát phiếu đi chợ cho hộ gia đình là cần thiết vì dân số đông, khó kiểm soát. Còn lại các thị trấn ở các huyện nếu thấy không cần thiết thì khỏi phải cấp; riêng ở xã của các huyện thì không cần thiết cấp”.
Mặt khác, để quản lý tốt vấn đề này, Phó chủ tịch yêu cầu: “Cán bộ làm công tác tuần tra, kiểm soát cũng cần linh động trong các trường hợp. Hạn chế thấp nhất việc cứng nhắc, gây bức xúc, hoang mang trong Nhân dân”.
Nghề tự do như thợ hồ vẫn hoạt động, nhưng phải đảm bảo các giải pháp an toàn
Đối với người lao động tự do, người giao hàng (nếu có trụ sở công ty, có nộp thuế) địa phương cần chấp nhận việc cấp giấy lưu hành và có cách quản lý mềm nhưng phải đảm bảo an toàn nhất. Bởi, nếu đình trệ, sẽ mang đến nhiều hệ lụy cho sự phát triển và ổn định cuộc sống.
Các xã, phường cần cấp giấy cho các hộ mua bán hàng rong, thu mua nông, hải sản hoạt động trên địa bàn địa phương mình. “Bán hàng rong như các xe bánh mì tại chỗ thì bán mang về. Đối với mua bán hàng rong lưu thông trong địa bàn dân cư, nếu bán thực phẩm thì cần cấp một giấy hoạt động trong xã, địa phương. Bởi, việc này giúp người dân ít di chuyển, khỏi phải đi ra đường đến chợ. Mặt khác, không khống chế người dân đi chợ nào, mà phải chấp nhận người dân đi chợ theo nhu cầu mua hàng của họ”, Phó chủ tịch Trần Hồng Quân nhấn mạnh.
UBND các xã, phường phải cấp giấy hoạt động đối với nghề mua bán hàng rong trong 14 ngày thực hiện giãn cách
Theo thông tin mới nhất, đến ngày 20/7, Cà Mau có 28 người hoàn thành cách ly tập trung theo quy định, trong ngày mai 21/7 sẽ có thêm 87 người. Vấn đề này, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Hồng Quân chỉ đạo Sở Y tế phải bố trí phương tiện đưa các hộ dân từ khu cách ly tập trung về nơi cư trú. Đồng thời, phải bàn giao việc tiếp tục quản lý 14 ngày tại hộ gia đình cho UBND cấp xã. Nếu để xảy ra sơ suất trong quản lý, UBND cấp xã sẽ phải chịu trách nhiệm với Ban chỉ đạo. Mặt khác, Phó chủ tịch UBND tỉnh còn chỉ đạo ngành y tế phải đảm bảo tuyệt đối không để xảy ra lây nhiễm chéo ở các bệnh viện.
Nhiều trường hợp khi lực lượng chức năng ra hiệu lệnh dừng xe kiểm tra đều có giấy đi đường Ảnh: Văn Đum
Đối với lĩnh vực ngân hàng, Phó chủ tịch Trần Hồng Quân yêu cầu: “Trong 14 ngày giãn cách, ngưng thu lãi đối với người vay (bằng hình thức trực tiếp), đồng thời không tính thêm lãi suất nếu hộ vay nộp muộn trong 14 ngày này”. Với vấn đề thu phí của Công ty Điện lực, cấp thoát nước, cước viễn thông... cũng ngưng trong thời gian giãn cách với các hình thức đi thu trực tiếp./.
Phong Phú