Bộ Chính trị yêu cầu kết hợp luân chuyển với tăng cường cán bộ cho những nơi khó khăn, khắc phục tình trạng nơi thừa, nơi thiếu, cục bộ, khép kín; góp phần thúc đẩy thực hiện chủ trương bố trí lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương và người đứng đầu không giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp..
Ngày 28/4/2022, thay mặt Bộ Chính trị, đồng chí Võ Văn Thưởng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã ký ban hành Quy định số 65-QĐ/TW của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ.
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư. |
Quy định nêu rõ, công tác luân chuyển cán bộ là một nội dung trong công tác cán bộ đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là các cấp uỷ, tổ chức đảng; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, nêu cao trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu.
Luân chuyển cán bộ trên nguyên tắc bảo đảm tổng thể, đồng bộ, liên thông giữa các cấp, cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; gắn kết chặt chẽ giữa luân chuyển với quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và các nội dung khác trong công tác cán bộ. Cán bộ luân chuyển phải trong quy hoạch, có phẩm chất, năng lực và triển vọng phát triển.
Giải quyết hài hoà giữa luân chuyển cán bộ để đào tạo với bố trí, sử dụng nguồn cán bộ tại chỗ; vừa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trước mắt, vừa đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ lâu dài.
Không tăng thêm chức danh để luân chuyển cán bộ. Trường hợp đặc biệt do Bộ Chính trị quyết định.
Có cơ chế quản lý, giám sát, đánh giá cán bộ luân chuyển và chính sách, chế độ phù hợp tạo điều kiện cho cán bộ luân chuyển hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Mục đích, yêu cầu của việc luân chuyển cán bộ nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện chủ trương của Đảng về công tác cán bộ; tạo điều kiện cho cán bộ trong quy hoạch có môi trường để rèn luyện, am hiểu thực tiễn, phát triển toàn diện; xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ.
Tiếp tục đổi mới công tác luân chuyển cán bộ, bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, công bằng; không để xảy ra tiêu cực trong công tác cán bộ.
Kết hợp luân chuyển với tăng cường cán bộ cho những nơi khó khăn, khắc phục tình trạng nơi thừa, nơi thiếu, cục bộ, khép kín; góp phần thúc đẩy thực hiện chủ trương bố trí lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương và người đứng đầu không giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp.
Luân chuyển từ cấp trên xuống cấp dưới, từ cấp dưới lên cấp trên, từ địa phương này sang địa phương khác; giữa các cơ quan, tổ chức cùng cấp trong hệ thống chính trị.
Cán bộ được quy hoạch chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp.
Cán bộ được luân chuyển để thực hiện chủ trương bố trí cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương và cán bộ không giữ chức vụ cấp trưởng quá hai nhiệm kỳ liên tiếp ở một địa phương, cơ quan, đơn vị, gồm: Bí thư cấp uỷ, chủ tịch Uỷ ban nhân dân, chánh án toà án nhân dân, viện trưởng viện kiểm sát nhân dân và cấp trưởng các ngành công an, thanh tra, tài chính, thuế, hải quan cấp tỉnh, cấp huyện.
Trường hợp khác do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Nguyên tắc bố trí chức danh khi luân chuyển cơ bản thực hiện theo nguyên tắc bố trí giữ chức vụ tương đương với chức vụ đang đảm nhiệm. Trường hợp cần thiết, cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định bố trí chức vụ cao hơn chức vụ đang đảm nhiệm đối với cán bộ có phẩm chất, năng lực nổi trội, có khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của chức vụ dự kiến phân công, bố trí.
Bộ Chính trị yêu cầu cấp có thẩm quyền quyết định luân chuyển cán bộ chịu trách nhiệm lãnh đạo xây dựng kế hoạch luân chuyển cán bộ và bố trí, phân công công tác đối với cán bộ sau luân chuyển; thực hiện quy trình, thủ tục bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch; kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; quản lý, đánh giá, nhận xét hằng năm đối với cán bộ luân chuyển; sơ kết, tổng kết công tác luân chuyển cán bộ.
Cơ quan nơi đi chịu trách nhiệm nhận xét, đánh giá cán bộ được đề xuất đi luân chuyển; phối hợp với cơ quan liên quan trong công tác quản lý, giám sát và giữ mối liên hệ thường xuyên với cán bộ luân chuyển; có trách nhiệm tiếp nhận, bố trí hoặc đề xuất bố trí công tác đối với cán bộ sau luân chuyển...
Cơ quan nơi đến phải chấp hành nghiêm quyết định về luân chuyển cán bộ của cấp có thẩm quyền; có trách nhiệm bố trí công tác, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để cán bộ luân chuyển phát huy năng lực, sở trường; quản lý, đánh giá cán bộ trong thời gian luân chuyển; phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất hướng bố trí, sử dụng cán bộ sau luân chuyển...
Cán bộ luân chuyển phải chấp hành nghiêm các quy định, quy chế, phân công của cấp có thẩm quyền, cơ quan nơi đi và nơi đến; tu dưỡng, rèn luyện, phát huy năng lực, sở trường, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chịu sự kiểm tra, giám sát, báo cáo định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu của cơ quan quản lý.
Cơ quan tham mưu tổ chức - cán bộ của cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu giúp cấp uỷ, tổ chức đảng xây dựng kế hoạch luân chuyển, nhận xét, đánh giá, đề xuất bố trí, sắp xếp cán bộ trước và sau luân chuyển; tham mưu sơ kết, tổng kết về công tác luân chuyển cán bộ.
Các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm tham gia thẩm định, thẩm tra, rà soát đối với nhân sự luân chuyển theo chức năng, nhiệm vụ và yêu cầu của cấp có thẩm quyền; phối hợp với cơ quan tham mưu tổ chức - cán bộ trong công tác kiểm tra, giám sát và tham gia ý kiến trong việc bố trí, sắp xếp cán bộ sau luân chuyển,...
Thời gian luân chuyển ít nhất là 3 năm (36 tháng). Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Bộ Chính trị cũng nêu rõ, việc bố trí công tác đối với cán bộ sau luân chuyển phải căn cứ yêu cầu công tác cán bộ của Đảng, nhiệm vụ chính trị, tình hình đội ngũ cán bộ của các địa phương, cơ quan, đơn vị và kết quả công tác, năng lực, sở trường của cán bộ gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị và nhận xét, đánh giá cán bộ của cấp có thẩm quyền.
Trường hợp cán bộ luân chuyển được cấp có thẩm quyền quyết định tiếp tục bố trí ổn định công tác ở địa phương, đơn vị nơi đến thì không còn xem là cán bộ luân chuyển theo quy định…/.
Nguồn: dangcongsan.vn