(CMO) Chiều ngày 23/8, đoàn công tác Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai (PCTT) do Đại tá Trần Ngọc Hữu, Phó Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng. làm trưởng đoàn có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh về công tác PCTT của địa phương. Làm việc với đoàn có Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.
Ông Nguyễn Long Hoai, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi tỉnh, cho biết, từ đầu năm đến nay có 2 cơn bão hoạt động trên biển Đông, có 60 ngày xảy ra gió mạnh trên biển, 44 ngày xảy ra mưa trái mùa, 55 ngày dông, lốc và 5 đợt triều cường,… làm ảnh hưởng nghiêm trọng sản xuất, đời sống dân sinh của người dân và sạt lở nguy hiểm trên biển Tây. Thiên tai đã làm 1 người chết, 1 người bị thương, 8 phương tiện khai thác thuỷ sản bị chìm, 1.559 căn nhà bị thiệt hại, hư hỏng,… ước thiệt hại về tài sản khoảng 33 tỷ đồng.
Sáng cùng ngày, đoàn công tác đã đến kiểm tra thực tế tình trạng sạt lở tại khu vực Đá Bạc, khu tái định cư Sào Lưới, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời và khu vực Hương Mai đến Tiểu Dừa, xã Khánh Tiến, huyện U Minh. Cùng đi có Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử. Ảnh: Đoàn kiểm tra thực tế tại khu vực Đá Bạc. |
Trước những diễn biến phức tạp của thiên tai, thời tiết, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã cập nhật 5 phương án ứng phó với các loại hình thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh. Cụ thể gồm: phương án ứng phó bão, áp thấp nhiệt đới, gió mạnh trên biển; phương án ứng phó với bão mạnh, siêu bão; phương án ứng phó mưa lớn, lốc, sét, ngập lụt, nước dâng; phương án ứng phó với sạt lở, sụt lún đất; phương án ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn vùng ngọt.
Ông Hoai cho biết thêm, các phương án PCTT trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này là phù hợp với tình hình thực tế, địa phương, đơn vị với phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng”. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong công tác PCTT của tỉnh là về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác PCTT, ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn. Nguồn ngân sách tỉnh còn khó khăn nên việc bố trí kinh phí cho công tác phòng ngừa, ứng phó, hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai còn hạn chế,…
Phó giám đốc Sở NN&PTNT Tô Quốc Nam phân tích, từ năm 2009, 2010 thời tiết trên địa bàn tỉnh khác hẳn. Cụ thể, từ việc bồi lắng thì nay bờ biển Tây trở nên sạt lở liên tục; phía biển Đông tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng hơn, có khu vực chỉ trong 1 tháng sạt lở lấn sâu vào đất liền hơn 80 m.
Kè áp mái đê biển Tây khu vực Đá Bạc bị sạt lở nghiêm trọng, tỉnh đã ban bố tình trạng hộ đê khẩn cấp. |
Thông tin đến đoàn công tác, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử nhận định, dù đã có nhiều chuyển biến tích cực, song năng lực trong PCTT tại một số địa phương còn hạn chế, còn thiếu chủ động. Thiệt hại do thiên tai trên thực tế của tỉnh là vô cùng lớn so với thống kê. Đây là một khó khăn rất lớn để tỉnh triển khai thực hiện các chương trình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Để thêm những giải pháp giúp tỉnh giảm nhẹ nhất thiệt hại do thiên tai, Cà Mau kiến nghị Trung ương có cơ chế thí điểm thực hiện xã hội hoá kè biển, các dự án tái định cư để đảm bảo hạ tầng, sinh kế cho người dân. Tiếp tục đầu tư hệ thống kè, đê biển trong cả nước nói chung, tỉnh Cà Mau nói riêng để bảo vệ tính mạng, tài sản, sản xuất của người dân và khôi phục rừng phòng hộ ven biển.
Kiến nghị Uỷ ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn quan tâm, hỗ trợ nguồn kinh phí, vật tư, trang thiết bị cho lực lượng xung kích PCTT cấp xã. Xem xét lại việc nâng cấp đê biển Tây tỉnh Cà Mau từ đê cấp IV lên đê cấp III để phù hợp thực tế địa phương.
Kết thúc buổi làm việc, Đại tá Trần Ngọc Hữu, Phó Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng nhận định, dù thiệt hại do thiên tai trên địa bàn tỉnh đã giảm nhiều nhưng vẫn còn rất lớn. Tuy nhiên, tình hình thiên tai vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do đó, những kiến nghị của tỉnh, đoàn sẽ tập hợp để báo cáo với Ban Chỉ đạo Quốc gia PCTT sớm có giải pháp hỗ trợ tỉnh ./.
Nguyễn Phú