ĐT: 0939.923988
Thứ tư, 16-7-25 15:02:14
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Chuyện tìm nước

Báo Cà Mau Nơi này mênh mông sông nước, nhìn đâu cũng thấy nước. Bốn bề sông rạch giăng giăng, nước bạc đầu con sóng ngoài biển lớn, nước thăm thẳm trời cao giăng mưa. Nhưng hàng trăm năm qua, người Cà Mau vẫn phải đi tìm... nước.

Cà Mau mênh mông sông nước.  Ảnh: THANH DŨNG

Cà Mau mênh mông sông nước. Ảnh: THANH DŨNG

Không phải thứ nước lợ mặn chan chát mùi phù sa. Không phải dòng nước đục ngầu chảy vội qua những con kênh, con rạch. Thứ nước mà người Cà Mau cất công tìm kiếm là nước ngọt - nước để uống, để sống, để duy trì sự sinh sôi trên mảnh đất ngập mặn này.

Bóng chiều chênh chếch trên mái nhà ông Sáu Thường (Lê Văn Thường) ở xã Khánh An, vùng U Minh Hạ. Cái đìa nhỏ trước hiên nhà loang loáng ánh nắng cuối ngày, phẳng lặng như mặt gương cũ kỹ đã hằn vết thời gian. Ông Sáu Thường nhìn ra đìa, hồi nhớ: “Vợ chồng tui gắn bó cái đìa này mấy chục năm rồi. Hồi đó, đìa không chỉ nuôi cá mà còn nuôi luôn sự sống. Khát nước thì xuống đìa múc lên, phèn với mặn thì lọc qua cái lu là xong. Mùa hạn thiếu nước, cực dữ lắm”.

Bà Nguyễn Thị Phú, vợ ông Sáu Thường, đang lom khom rửa mớ rau trong chiếc lu sành sứt miệng, tiếp lời: “Hồi đó nghèo dữ lắm, ra riêng được cha mẹ cho mấy cái đìa với vài cái lu, cái kiệu chứa nước mưa. Cái kiệu đất nung, tráng men, chở từ trên tỉnh về, giá bằng cả mấy giạ lúa. Nhà nào có nhiều kiệu là coi như cũng dư ăn dư mặc”.

Vợ chồng ông Sáu Thường.

Vợ chồng ông Sáu Thường.

Ngày ấy, thứ quý giá nhất ở vùng U Minh Hạ này không phải vàng bạc, mà là... những giọt nước ngọt.

Vùng đất Cà Mau 3 mặt giáp biển. Biển nuôi cá, tôm, nuôi cả những cánh rừng đước, rừng tràm. Nhưng cũng chính nước biển mặn mòi ấy thấm vào đất, ăn sâu vào từng mạch ngầm, khiến người ta muốn tìm nước ngọt chỉ còn cách khoan sâu hàng trăm mét.

***

Trước năm 1975, chỉ thị xã Cà Mau có Ty Cấp thuỷ lo chuyện nước ngọt cho dân ở chợ. Còn dân ở quê thì trông vào trời. Trời thương thì mưa, trời hờn thì hạn hán, khô khốc. Mỗi giọt nước mưa hứng được là cả một món quà của đất trời. Những chiếc lu, cái đìa gánh gồng sự sống.

Hoà bình lập lại. Những cánh đồng lúa thay thế rừng nguyên sinh. Những ao đìa dần cạn nước. Thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hoá học len lỏi vào từng dòng nước mặt. Người Cà Mau lại tiếp tục nhọc nhằn đi tìm nước ngọt. Và rồi, “cây nước” xuất hiện như phép màu cứu cơn khát đằng đẵng.

Nhắc chuyện cây nước, ông Trần Tấn Thành, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Cà Mau, lật giở ký ức: “Chương trình UNICEF tài trợ, chúng tôi triển khai khắp vùng nông thôn. Từ năm 1999-2009, hơn 140 ngàn cây nước mọc lên, mỗi ngày rút từ lòng đất hàng trăm ngàn mét khối nước. Ai cũng mừng. Nước ngọt từ lòng đất tưởng chừng tuôn trào vô tận”.

Khoan giếng khai thác nước ngầm ở Cà Mau.

Khoan giếng khai thác nước ngầm ở Cà Mau.

Hướng mắt về những cánh đồng xa ngút, nơi mạch nước ngầm đang chảy bên dưới, ông Thành nhớ lại: “Thuở đó, người dân vui như mở hội. Nhà nào có cây nước là bớt lo, bớt cực; trẻ nhỏ không còn vác can đi hứng từng giọt nước mưa, người già không còn khom lưng múc từng thau nước ao đầy phèn mặn”.

Cây nước nhanh chóng trở thành “cứu cánh” của cả vùng “đất mặn đồng chua”. Nhiều gia đình gom góp tiền bạc, thậm chí vay mượn chỉ để có được một giếng khoan ngay sân nhà. Nghề khoan cây nước vì thế mà ăn nên làm ra, trở thành “nghề thời thượng” ở miền đất mênh mông sông nước này.

Theo thời gian, khoan giếng thành nghề gia truyền, người người sắm đồ nghề, nhà nhà dựng giàn khoan. Cứ có tiền là khoan, muốn sâu bao nhiêu cũng được. Ông Lâm Minh Ðil (xã Khánh Lâm), một thợ khoan có thâm niên, kể: “Hồi trước, khoan chỉ trăm thước là có nước ngọt. Tôi đi khoan như ăn cơm bữa, có hôm còn làm xuyên đêm luôn. Người làm nghề khoan không phải chỉ là kiếm tiền bình thường đâu, mà còn được người ta coi như cứu tinh. Bởi, nhà nào khát nước, kêu chúng tôi tới khoan xong là có nước uống, nước sinh hoạt, bà con mừng lắm".

Hàng trăm, rồi hàng ngàn giếng khoan cứ thế mọc lên như nấm sau mưa. Người dân tin tưởng rằng, lòng đất rộng lớn lắm, nước ngầm nhiều vô kể, cứ lấy bao nhiêu cũng không hết.

Ông Thành trầm ngâm, giọng chùng xuống: “Lúc đó đâu ai nghĩ tới hậu quả. Chỉ cần có nước ngọt là mừng rồi. Nhưng giờ nhìn lại, mực nước tĩnh tụt sâu, nhiều chỗ phải khoan tới 200 thước, 300 thước mới có nước. Lòng đất đâu phải kho chứa vô tận”.

Những giếng nước khoan tràn lan mang đến hệ luỵ. Thực trạng tại xã Ðất Mũi là bài học nhãn tiền. 20 năm trước ở nơi này, nhà nào cũng tự khoan giếng, nhưng xài một thời gian, nước không đảm bảo, nhiễm mặn. 10 năm sau, chính quyền khoan giếng nối mạng, nhưng vẫn vậy, nước cạn dần, không bơm được. Giờ phải bỏ hết, đầu tư hệ thống cấp nước sạch mới.

Ông Trần Văn Bé, cư dân xã Ðất Mũi, xót xa: “Càng ngày, mực nước ngầm càng tụt sâu. 20 năm trước, khoan trăm thước có nước ngọt. 20 năm sau, độ sâu tăng gấp đôi, người dân phải bơm nước bằng mô tơ thay vì bơm tay như xưa, rồi bơm mô tơ cũng không xong nên Nhà nước phải đầu tư hệ thống cấp nước để người dân có nước sạch xài”.

Không chỉ ở Ðất Mũi, theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Môi trường, hiện toàn tỉnh có hơn 3.000 giếng khoan không thể cho nước. “Bây giờ khoan 200 thước chưa chắc có nước ngọt. Mực nước tụt sâu, muốn bơm nước phải xài mô tơ. Giếng cũ bỏ hoang đầy hết”, ông Nguyễn Thanh Mẫn, xã Nguyển Phích, nói.

Tại xã Biển Bạch, hơn 1.400 hộ dân hai bên Sông Trẹm khát nước triền miên. Ðội khoan nào tới cũng đành bó tay. Càng khoan sâu, nước càng nhiễm phèn, mặn nặng. Người dân phải quay về cách làm của ông bà xưa, đó là trữ nước mưa trong lu, trong đìa. Nhưng nước mưa chỉ đủ cầm cự xài đôi ba tháng mùa khô, rồi lại phải mua từng giọt nước từ nơi khác chở về.

Biển Bạch khát nước.

Biển Bạch khát nước.

Những người dân chất phác tin rằng, trời mưa bao nhiêu thì lòng đất sẽ tích nước bấy nhiêu, nhưng nghiên cứu khoa học đã chỉ ra thực tế không đơn giản như vậy. Dự án “Tăng cường bảo vệ nước ngầm tại Việt Nam”, do Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cùng Viện Khoa học Ðịa chất và Tài nguyên Cộng hoà Liên bang Ðức triển khai, đã cho thấy tính nghiêm trọng của vấn đề.

Ông Andreas Renck, Trưởng nhóm chuyên gia Ðức, nhấn mạnh: “Nguồn nước ngầm ở Cà Mau có từ 20.000-24.000 năm trước, khi nước từ thượng nguồn chảy về bán đảo này rồi thấm dần vào lòng đất. Nhưng hiện tại, quá trình tái tạo gần như không còn”.

Tiến sĩ Anke Steinel, chuyên gia địa chất thuỷ văn, giải thích thêm: “Bề mặt Cà Mau có lớp đất sét rất dày. Nước mưa khó thẩm thấu, chỉ chảy qua kênh, rạch ra biển. Vậy nên, nước ngầm gần như là tài sản không thể phục hồi”.

Thế nhưng mỗi ngày, lòng đất vẫn bị rút cạn bởi hơn 200 ngàn giếng khoan lớn, nhỏ. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Môi trường, mỗi ngày người dân khai thác hơn cả triệu mét khối nước ngầm.

Bà Dương Thị Ngọc Tuyền, Trưởng phòng Quản lý tài nguyên nước và Quan trắc môi trường, lo lắng: “Nếu cứ khai thác vượt ngưỡng, mực nước tĩnh hạ xuống dưới 35 m thì không còn khả năng bơm hút. Khi đó, sụt lún, sạt lở càng nghiêm trọng hơn”.

Tiến sĩ Anke Steinel nhận định: “Nếu cứ khai thác kiểu này, một ngày không xa, nước ngầm sẽ cạn kiệt”.

Số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Môi trường nêu rõ: “Chỉ trong 5 năm (2019-2024), Cà Mau xảy ra hơn 2.000 điểm sạt lở, sụt lún, nhấn chìm 25.000 m đất ven sông, làm sập 500 căn nhà, hơn 200 km đường giao thông bị hư hỏng”. Ðất đai Cà Mau vốn an lành, giờ đây như đang rạn nứt từng ngày.

Một số công trình nghiên cứu về khai thác, bảo vệ nước ngầm được triển khai tại tỉnh Cà Mau.

Một số công trình nghiên cứu về khai thác, bảo vệ nước ngầm được triển khai tại tỉnh Cà Mau.

***

Chiều muộn, tôi trở lại nhà ông Sáu Thường. Cái đìa nhỏ lặng lẽ in bóng hoàng hôn. Ông Sáu Thường vẫn ngồi đó, ánh mắt xa xăm: “Tui già rồi, không lo cho thân mình nữa. Chỉ lo mai này tụi nhỏ khát nước, cái đất này không còn mà sống”.

Ngoài kia, những giàn khoan vẫn tiếp tục hành trình của mình, mũi khoan vẫn cứ cắm sâu vào lòng đất mẹ. Những cây nước ngày càng được khoan sâu hơn, sâu hơn nữa. Nhưng đâu đó, lời cảnh báo đã vang lên từ đất, từ nước, từ chính thiên nhiên đang rạn nứt...

Nguyễn Hoàng Lê

Tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh theo cha mẹ về Cà Mau công tác

Sau sáp nhập đơn vị hành chính, ngành giáo dục Cà Mau khẩn trương bố trí trường lớp cho hơn 450 học sinh theo cha mẹ từ tỉnh Bạc Liêu (cũ) chuyển về, với phương châm "vướng đâu gỡ đó", đảm bảo không để học sinh nào bị gián đoạn trước thềm năm học mới 2025-2026.

Tuổi trẻ Cà Mau xung kích vì mái ấm người nghèo

Sáng 14/7, Tỉnh đoàn Cà Mau đồng loạt phát động và ra quân Ngày cao điểm hướng ứng phong trào “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” trong toàn tỉnh với các đội hình được thành lập, hoạt động từ ngày 13-24/7.

Tuổi trẻ Vĩnh Trạch chung tay “Xoá nhà tạm, nhà dột nát”

Sáng 14/7, trong khí thế sôi nổi của tuổi trẻ toàn tỉnh hưởng ứng “Ngày cao điểm hỗ trợ phong trào “Xoá nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn tỉnh Cà Mau”, Đoàn phường Vĩnh Trạch tổ chức lễ ra quân, thu hút sự tham gia của đông đảo cán bộ, đoàn viên, thanh niên.

Xã Phong Hiệp đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà cho gia đình chính sách

Để kịp thời dâng quà báo công nhân 78 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2025), Đảng bộ, chính quyền xã Phong Hiệp gấp rút đẩy nhanh tiến độ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho hộ người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ trên địa bàn.

Chung tay cập nhật bảng hiệu theo địa giới mới

Sáng 13/7, không khí tại xã Vĩnh Lợi trở nên rộn ràng, sôi nổi hơn thường ngày khi lực lượng đoàn viên, thanh niên Xã đoàn Vĩnh Lợi đồng loạt ra quân hỗ trợ các hộ kinh doanh chỉnh sửa, thay mới bảng hiệu theo địa chỉ phù hợp với địa giới hành chính sau sáp nhập. Hoạt động này nhận được sự đồng tình, ủng hộ từ người dân và sự đánh giá cao của cấp uỷ, chính quyền địa phương.

Hỗ trợ gia đình thiếu niên gặp nạn khi đánh bắt thủy sản

Sáng 13/7, Đoàn công tác của UBND xã Khánh Lâm do ông Phạm Văn Tú, Phó Chủ tịch UBND xã làm Trưởng đoàn đã đến thăm hỏi, động viên và chia sẻ nỗi đau mất mát với gia đình em Dương Văn Giang (17 tuổi, ngụ Ấp 8, xã Khánh Lâm), nạn nhân không may tử vong do tai nạn lao động trên biển xảy ra vào ngày 12/7.

Khởi công xây dựng cầu Phước Quang tại Ấp 5, xã Khánh Bình

Sáng 12/7, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp cùng xã Khánh Bình và đơn vị tài trợ tổ chức lễ khởi công xây dựng cầu giao thông nông thôn tại Ấp 5, mang tên cầu Phước Quang.

Khởi công xây nhà tình nghĩa tại xã Châu Thới

Sáng 12/7, UBND xã Châu Thới tổ chức Lễ khởi công xây dựng nhà ở cho bà Nguyễn Thị Đa, thuộc diện gia đình chính sách tại ấp Nam Hưng.

Vận động trao 76 xe đạp cho học sinh nghèo

Sáng nay 12/7, tại xã Hồ Thị Kỷ, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp cùng Công ty Hoàng Long - Công ty Hoàn Vũ tặng xe đạp cho học sinh nghèo vùng sâu, vùng xa, tổng giá trị 100 triệu đồng.

Sở Giáo dục & Đào tạo triển khai quyết định về công tác cán bộ

Chiều 11/7, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Cà Mau tổ chức Hội nghị triển khai quyết định về công tác cán bộ.