Mỗi dịp lễ, Tết, mừng sinh nhật Bác, các cấp, các ngành, các đoàn thể trong tỉnh thường xuyên tổ chức hoạt động dâng hoa báo công với Bác tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, đền thờ Bác tại các địa phương.
Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thường nói: “Lấy gương tốt trong quần chúng Nhân dân và cán bộ, đảng viên để giáo dục lẫn nhau là một phương pháp lấy quần chúng giáo dục quần chúng rất sinh động và có sức thuyết phục rất lớn”.
Thấm nhuần lời dạy đó của Bác, những năm qua, các cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể trong tỉnh luôn chú trọng việc xây dựng, phát hiện những gương điển hình tiên tiến. Ðó như những bông hoa đẹp trong vườn hoa đẹp, góp phần “nhân cái đẹp, dẹp cái xấu; lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực” tạo được sức lan toả sâu rộng trong đời sống, xã hội.
Nhiều việc làm thiết thực
Ðối với Hội LHPN xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được thực hiện bằng những mô hình cụ thể, thiết thực như: “Mỗi chi hội giúp 1 hộ thoát nghèo”, “Ðồng hành cùng phụ nữ nghèo”, “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”… Từ các mô hình này, phụ nữ xã Tân Ân không chỉ phát huy nội lực trong cán bộ, hội viên mà còn góp phần thúc đẩy việc tự rèn luyện, bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất, đạo đức của người phụ nữ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hồng Quân trao bằng khen cho các phụ nữ điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực giai đoạn 2010-2015. |
Hằng năm, tất cả các chi hội phụ nữ đăng ký nhận giúp đỡ từ 3-7 hộ nghèo, tập trung chủ yếu là phụ nữ đơn thân, phụ nữ nghèo làm chủ hộ. Chỉ tính riêng từ năm 2010 đến nay, mô hình “Mỗi chi hội giúp 1 hộ thoát nghèo” đã giúp được 48 hộ thoát nghèo bền vững.
Theo Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Ân Lâm Trúc Giang, phong trào “làm theo” Bác có sức lan toả mạnh mẽ trong từng cán bộ, hội viên, không tuyên truyền suông mà Ban Thường vụ Hội LHPN xã Tân Ân luôn bắt đầu từ người thật, việc thật. “Chính từ những tấm gương người tốt tiêu biểu với những việc cụ thể đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức, việc làm của từng cán bộ, hội viên. Và nhờ có những người tốt, việc tốt cụ thể thì chuyện vận động họ làm theo gương Bác lan toả cả chiều rộng lẫn bề sâu”, chị Lâm Trúc Giang chia sẻ.
Chia sẻ những việc làm theo gương Bác của mình, chị Nguyễn Ngọc Giàu, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Rạch Gốc, xã Tân Ân luôn khẳng định: “Trước hết là tiết kiệm để có thêm điều kiện cải thiện kinh tế gia đình. Khi kinh tế ổn định, những chị em khá lại cùng nhau giúp chị em nghèo vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xoá đói giảm nghèo của địa phương. Hằng năm, việc sản xuất đa cây, đa con đã mang về cho gia đình chị lợi nhuận trên 100 triệu đồng. Chị giúp đỡ những hộ nghèo xung quanh bằng cách đầu tư con giống sau khi thu hoạch mới trả vốn.
Trong vai trò là Tổ trưởng Tổ hợp tác ươm vèo cua giống ấp Cái Trăng (xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn), ông Ðoàn Văn Tuyên luôn tiên phong áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, đồng thời vận động các tổ viên cùng thực hiện để nâng cao hiệu quả sản xuất. Năm 2014, việc ươm vèo cua giống mang lại lợi nhuận trên 82 triệu đồng/tổ viên/năm, cá biệt có nhiều tổ viên thu lãi trên 100 triệu đồng.
Ông Ðoàn Văn Tuyên cho hay, có được thành quả như hôm nay là nhờ vào cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Bởi, cuộc vận động làm chuyển biến từ nhận thức đến việc làm của từng tổ viên. “Ban đầu là việc tận dụng đất trống để phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình. Rồi các tổ viên còn phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong sản xuất, kinh doanh, tự nguyện tham gia vào các tổ chức hội, góp phần trong phong trào xây dựng nông thôn mới của ấp, xã”, ông Tuyên khẳng định.
Học Bác từ việc nhỏ nhất
Trong suy nghĩ của mình, ông Trần Thanh Lâm (dân tộc Khmer, ấp 2, xã Khánh Bình Ðông, huyện Trần Văn Thời) học và làm theo Bác không phải chuyện “đao to búa lớn” gì mà là “làm bất cứ việc gì tốt cho bản thân, cho gia đình và cộng đồng xã hội đều là đã và đang làm theo tấm gương của Bác”. Vì thế, ông luôn tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương, nhất là phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc và tham gia vận động người dân xung quanh phát triển kinh tế, góp phần xoá đói giảm nghèo ở địa phương.
Với 6 ha đất sản xuất nông nghiệp, ngoài 2 vụ lúa, ông còn trồng hoa màu, nuôi cá bổi, gà, vịt… thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Ðặc biệt, ông còn là một trong những hộ sản xuất thành công giống lúa cấp xác nhận để cung cấp cho người dân xung quanh. Kinh tế ổn định, ông có điều kiện xây dựng nhà cơ bản với đầy đủ tiện nghi và lo cho các con học hành đàng hoàng. Hiện 2 người con lớn đã tốt nghiệp đại học có việc làm ổn định, người con út đang là sinh viên năm 2 Trường Ðại học Cần Thơ.
Từ những mẩu chuyện về Bác Hồ, ông Trần Thanh Lâm đã học và vận động gia đình, bà con xung quanh cùng làm theo. Với ông, để phát triển kinh tế bền vững, trước hết người nông dân phải hăng say lao động, khai thác hết tiềm năng từ đất đai, ruộng vườn, ao cá. Bên cạnh đó, phải biết áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, truyền đạt lại cho bà con xung quanh cùng thực hiện; từ đó mới phát triển kinh tế, góp phần cùng địa phương xây dựng nông thôn mới.
Những cách làm hay mang lại hiệu quả trong việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của các tập thể, cá nhân điển hình đã tạo được sự chuyển biến sâu rộng trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Năm 2015, với chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về trung thực, trách nhiệm; gắn bó với Nhân dân; đoàn kết, xây dựng Ðảng trong sạch, vững mạnh”, tin rằng phong trào làm theo Bác sẽ tiếp tục lan toả và đi vào chiều sâu với sự xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình, với những cách làm mới, sáng tạo mang lại những hiệu quả cụ thể, thiết thực./.
Bài và ảnh: Thanh Phương