(CMO) Chuỗi sự kiện Chương trình “Cà Mau - Ðiểm đến 2023” đã khởi động vào những ngày tháng 4 với nhiều hoạt động phong phú và ý nghĩa. Phóng viên báo Cà Mau có buổi trao đổi với ông Trần Hiếu Hùng, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch, về cơ hội bứt phá của ngành du lịch tỉnh nhà từ sự kiện quan trọng này.
- Xin ông cho biết, tỉnh có những kế hoạch, chiến lược gì để Chương trình "Cà Mau - Ðiểm đến 2023" thành công hơn so với năm 2022?
Ông Trần Hiếu Hùng: Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, đẩy lùi, Cà Mau đã nhanh chóng triển khai Chương trình sự kiện “Cà Mau - Ðiểm đến 2022”, bước đầu được đánh giá là hoạt động quảng bá xúc tiến, kích cầu du lịch nội địa hiệu quả có tính chất ổn định, phát triển lâu dài, thu hút sự quan tâm, tìm hiểu tham gia của khách du lịch và các công ty lữ hành.
Từ hiệu quả Chương trình “Cà Mau - Ðiểm đến 2022”, Cà Mau tiếp tục xây dựng “Cà Mau - Ðiểm đến 2023”. Sau khi chương trình được ban hành, Sở nhanh chóng triển khai đến các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh để chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch kích cầu, thu hút khách du lịch; đặc biệt là các công ty lữ hành chủ động tham gia bán tour phục vụ khách du lịch tham quan trải nghiệm tại các hoạt động do tỉnh tổ chức, tạo thành sản phẩm du lịch định kỳ hàng năm.
Du khách trải nghiệm xuyên rừng tràm bằng phà tại Khu Du lịch sinh thái Sông Trẹm. Ảnh: LOAN PHƯƠNG |
- Trong chuỗi sự kiện này, hoạt động nào sẽ là trọng tâm? Riêng lĩnh vực du lịch, Cà Mau sẽ có những hoạt động nào nổi bật để thu hút du khách?
Ông Trần Hiếu Hùng: Các hoạt động trong chuỗi sự kiện Chương trình “Cà Mau - Ðiểm đến 2023” đều mang tính hấp dẫn và độc đáo riêng. Ðối với các hoạt động đã tổ chức như: Lễ Tri ân Quốc Tổ, Ngày hội Bánh dân gian Nam Bộ, sự kiện “Hương rừng U Minh”..., bên cạnh việc nâng quy mô tổ chức thì hình thức tổ chức cũng sinh động hơn. Các hội thao, trò chơi dân gian tạo cho khách du lịch những trải nghiệm mới lạ, góp phần quảng bá hình ảnh văn hoá, con người Cà Mau đến khách du lịch. Giải Ðất Mũi Marathon năm 2023 với chủ đề “Hương rừng U Minh” sẽ được tổ chức chạy xuyên rừng Vườn Quốc gia U Minh Hạ. Ðây là sản phẩm du lịch mới, thu hút đối tượng là các doanh nhân, người yêu thiên nhiên tham gia trải nghiệm.
Ngoài ra, Chương trình “Cà Mau - Ðiểm đến năm 2023” dự kiến tổ chức Ngày hội Khinh khí cầu, nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Bác Hồ (19/5). Ðặc biệt, điểm nhấn vào cuối năm sẽ là sự kiện Festival Tôm Cà Mau 2023, đây là sự kiện lớn của tỉnh nhằm đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp gặp gỡ, kết nối, mở rộng liên kết hợp tác, thu hút đầu tư phát triển thương hiệu sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh với các tỉnh, thành trong cả nước.
Lần đầu tiên Cà Mau tổ chức Festival Tôm và cũng là Festival Tôm đầu tiên của Việt Nam, hy vọng sẽ tạo được “tiếng vang”, thúc đẩy phát triển ngành chế biến thuỷ sản.
Chương trình sự kiện “Cà Mau - Ðiểm đến 2023” được tổ chức với kỳ vọng quảng bá thương hiệu du lịch địa phương, thu hút khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh. Ðặc biệt, việc khai thác đường bay thẳng Hà Nội - Cà Mau; việc tiếp tục khai thác chuyến tàu cao tốc Cà Mau - Nam Du - Phú Quốc, là điều kiện thuận lợi để thu hút khách du lịch đến Cà Mau.
Ngoài ra, hiện nay, nhà đầu tư đang quan tâm khảo sát, đầu tư dự án Khu đô thị Dịch vụ - Du lịch sinh thái Năm Căn và khai thác tuyến du lịch du thuyền từ TP Cà Mau - Năm Căn - Ðất Mũi. Nếu tuyến du lịch bằng du thuyền đi vào hoạt động sẽ thu hút khách du lịch đến Cà Mau.
- Những bài học kinh nghiệm rút ra từ Chương trình “Cà Mau - Ðiểm đến 2022” và những hoạch định để ngành du lịch tỉnh nhà gặt hái thêm những thành công mới, thưa ông?
Ông Trần Hiếu Hùng: Qua những kinh nghiệm rút ra từ Chương trình “Cà Mau - Ðiểm đến 2022”, để công tác tổ chức các sự kiện được tốt hơn, gặt hái thành công hơn trong Chương trình “Cà Mau - Ðiểm đến 2023”, chúng ta cần dự báo trước tình hình khách du lịch đến Cà Mau trong dịp lễ, sự kiện do tỉnh tổ chức, đảm bảo điều kiện phục vụ khách du lịch; tránh tình trạng quá tải, phục vụ thiếu chu đáo. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch chủ động có chính sách kích cầu, thu hút khách du lịch thông qua các hình thức như: khuyến khích giảm giá, nâng cao chất lượng dịch vụ; xây dựng kế hoạch kết nối, khai thác tour, tuyến hiệu quả.
Tăng cường kiểm tra, giám sát, hỗ trợ các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch nâng cao chất lượng dịch vụ và phương tiện phục vụ khách du lịch; thực hiện Quy tắc ứng xử văn minh trong du lịch; đảm bảo vệ sinh môi trường; vệ sinh an toàn thực phẩm; giám sát chặt chẽ công tác phòng chống cháy nổ, tăng cường kiểm tra trang thiết bị phòng cháy chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn... Có biện pháp quản lý, đảm bảo an ninh an toàn tại cơ sở.
- Xin cảm ơn ông!
Phú Hữu thực hiện