(CMO) Suy nghĩ, cảm xúc của nhà báo luôn chạy theo dòng chảy cuộc sống, “nóng” và “cháy” cùng thời gian. Mùa xuân về, cùng ngồi nghe lại những câu chuyện làm báo Tết thời chiến và những thổn thức ban đầu khi phóng viên thời bình được đăng những tác phẩm đầu tiên, đến giây phút hồi hộp chờ thành phẩm ra mắt…
Tác nghiệp khó khăn, nguy hiểm
Cụm từ “phóng viên chiến trường” gợi trong tôi sự khâm phục về tinh thần quả cảm và không gian tác nghiệp rất đặc biệt của các nhà báo trong thời chiến tranh ác liệt. Trong những ngày xuân, chúng tôi có dịp gặp gỡ Nhà báo Phạm Văn Tri (Bảy Minh), nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Minh Hải (sau này là tỉnh Cà Mau), một trong những cây bút “cổ thụ” trong làng báo thời chiến, để lắng nghe những câu chuyện tác nghiệp đầy khó khăn, nguy hiểm, nhưng tinh thần máu lửa, niềm hăng say với nghề luôn rực cháy.
Ông Bảy Minh có trên 10 năm làm báo thời chiến và 20 năm làm lãnh đạo các cơ quan báo chí (báo Cà Mau Giải Phóng, Tạp chí Văn nghệ Lúa Vàng, Hội Nhà báo Minh Hải, Hội Nhà báo Cà Mau). Theo lời ông, báo xuân thời chiến qua các năm có những dấu ấn khác nhau, tập trung các mảng: phong trào đấu tranh quần chúng; phong trào đảm phụ (nuôi quân); phong trào vận động quần chúng vùng kìm nổi dậy phá kìm, tổng tiến công chống lại quân thù; những tấm gương quả cảm vì nước quên thân… Ðây được xem là sản phẩm đặc biệt “tiếp lửa”, động viên và khơi dậy tinh thần chiến đấu rất lớn trong cuộc chiến chống quân xâm lược.
Tờ Tin tức Cà Mau được in bằng cách kéo quai guốc. (Ảnh chụp năm 1961). Ảnh tư liệu: VÕ AN KHÁNH |
Có trên 10 năm làm báo xuân trong thời chiến, nhưng báo xuân năm Mậu Thân được cho là có nhiều kỷ niệm và đáng nhớ nhất đối với ông Bảy Minh. Ông nhớ lại: "Thời điểm Tết Mậu Thân năm 1968, tôi được lãnh đạo báo Cà Mau Giải Phóng phân công vào vùng kìm tác nghiệp. Ngay đêm tổng tấn công, tôi cùng bộ đội và lực lượng tuyên truyền ẩn nấp ở khu vườn tại kênh Rạch Rập (huyện Trần Văn Thời). Gần sáng thì địch phát hiện oanh tạc, làm cô Nguyễn Thị Kim Hoa (phụ trách mảng tuyên truyền) hy sinh; còn anh Út Nghệ (phụ trách tuyên huấn) bị thương; tôi cùng với mấy chục cán bộ báo chí, văn nghệ, tuyên truyền, huấn học may mắn thoát chết. Sau trận đó, tôi sáng tác nhiều bài, trong đó có bài thơ “Qua bến cũ” và bài ký “Dấu ấn Mậu Thân” được Toà soạn chọn đăng báo xuân năm Mậu Thân. Ðặc biệt, với bài ký “Dấu ấn Mậu Thân”, viết về hoạt động của lực lượng vận động quần chúng, trên đường tiến vào vùng kìm đến kênh Lung Dừa (kênh Ông Tự, Rạch Ráng, Trần Văn Thời) thì có bà má và em bé bơi xuồng qua rước đưa vô vùng kìm. Mấy ngày sau trở ra, chỉ còn một mình má rước đoàn, hỏi thăm thì má khóc, nói đứa trẻ đã hy sinh. Cùng với cảm xúc chứng kiến sự mất mát, hy sinh của đồng đội, đồng nghiệp, tôi rất cảm động và gửi gắm tất cả cảm xúc trong trang ký "Dấu ấn Mậu Thân"".
Qua buổi trò chuyện với ông Bảy, tôi mới biết phóng viên thời chiến viết báo không thù lao, không nhuận bút, chỉ làm bằng tâm huyết và sự cống hiến. Tuy vậy, các cô, các chú vẫn “cháy” ngọn lửa đam mê. Những người làm báo thời chiến thường đi theo các đội, đoàn quân tuyên truyền qua những con lộ chiến lược; có khi tiến vào vùng kìm (vùng nguy hiểm, địch kiểm soát gay gắt) để tác nghiệp, kịp cho ra những tin bài nóng, thời sự, qua tay giao liên chuyển về đơn vị để đảm bảo tiến độ đăng báo.
Ông Bảy Minh tâm tình: "Thời xưa, có khi lội bộ, có khi chèo xuồng cả ngày, đói bụng thì ghé nhà dân, dân cho cơm ăn; lỡ đường ghé nhà dân, dân bảo bọc. Nhớ có chuyến công tác xuyên đêm, bà con dẫn ra chuồng trâu ngủ để tránh địch phát hiện. Có những bài báo viết tay tại chiến trường, gửi cho giao liên chuyển về đơn vị biên tập, in ấn, sau đó qua hệ thống giao liên phát hành rộng rãi trong dân. Sau giải phóng, báo chí nói chung, báo xuân nói riêng đã được đầu tư về mọi mặt, phát triển mạnh, phóng viên được tạo điều kiện bồi dưỡng, trau dồi kỹ năng nghề nghiệp, không gian tác nghiệp dễ dàng hơn".
Ðại diện thế hệ nhà báo đi trước, ông kỳ vọng báo chí tỉnh nhà nói riêng, báo chí Việt Nam nói chung tiếp tục phát huy truyền thống, mỗi cán bộ, phóng viên, biên tập viên là những nhân tố tích cực, vừa hồng vừa chuyên, cập nhật tin tức, bài viết, hình ảnh nhanh, chất lượng, bám sát nhu cầu độc giả và có giá trị xã hội.
Làm báo Tết: Cực mà rất vui
Trở lại thời bình với những nhà báo trẻ, năng động, cháy hết mình với niềm đam mê, ấn phẩm báo xuân được xem là hết sức đặc biệt.
Nhà báo trẻ Phạm Quốc Rin (Phạm Nguyên), báo Cà Mau, nhớ lại: "Những ngày đầu về tập sự làm phóng viên của tôi cách đây hơn chục năm, cũng là thời gian các anh chị đồng nghiệp đang vô "mùa" báo Tết. Không biết ở các cơ quan báo chí khác thế nào, còn ở báo Cà Mau đã thành truyền thống, phải có một buổi họp mặt “ra quân” làm báo Tết. Thường nhất là mần heo, nấu cháo lòng, anh em quây quần xôm tụ. Sau đó, chính thức bước vào giai đoạn nước rút".
Phóng viên trong và ngoài tỉnh tác nghiệp tại sự kiện xác lập kỷ lục tổ ong lớn nhất Việt Nam, ở huyện U Minh, ngày 29/4/2022. |
"Năm 2012, tôi có bài báo xuân đầu tiên trên báo Cà Mau, với tựa đề “Sắc xuân trên nông trường văn hoá”, viết về Nông trường 402, thuộc xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời. Ảnh minh hoạ là cô gái bên giàn bí đao trĩu quả. Ít ai biết rằng, thời điểm chụp bức ảnh đó, chỉ 2 bữa sau cô thôn nữ ấy tổ chức đám gả. Báo ra, tôi đem về tặng gia đình trước Tết, bà con xem ai cũng khen ngợi. Riêng các anh lãnh đạo cơ quan nói rằng, bài viết nhẹ nhàng, đọc được, cố gắng tiếp tục cho mùa báo Tết năm sau", Nhà báo Quốc Rin nhớ lại.
Nhà báo Quốc Rin tiếp tục chia sẻ: "Từ ngày đầu tiên có tác phẩm đăng trên báo xuân, dù mải miết với dòng thông tin báo chí thường nhật, cứ gió chướng phất ngọn là tôi biết mùa báo Tết đã về. Làm báo Tết cực nhưng rất hăng. Có những đề tài tưởng dễ, hoá ra viết mãi không đạt, có khi hình ảnh chưa ưng ý. Nhiều bài, phải chạy tới lui 5, 7 bận để hoàn chỉnh thêm, nhưng rốt cuộc lại “văng vô vách”. Nhưng bù lại, có những ý tưởng thoáng chốc, triển khai rất mau, lại êm ái nằm trên trang báo Tết tươi rói. Cảm giác cầm trên tay tờ báo Tết thơm lừng mùi giấy mới, lật giở thấy bài mình, tên mình ở đó, nó cứ thổn thức mãi, bao nhiêu nhọc nhằn cũng trôi sạch, sướng vô cùng. Nhiều người nói, làm báo mà không có bài báo Tết cũng như không, có lẽ là vì cảm giác khó tả ấy".
Tâm tình của Nhà báo Quốc Rin thể hiện gần như trọn vẹn những cung bậc cảm xúc của người làm báo, nhất là khi thực hiện ấn phẩm báo xuân. Cứ mỗi độ giữa tháng 10 (Dương lịch) hàng năm, khi được phân công các đề tài báo xuân, chúng tôi xem đây là trọng trách để có những bài báo, hình ảnh như ý. Và rồi, những người làm báo đã dấn thân ở mọi mặt trận, thể hiện những đề tài tâm đắc, nhẹ nhàng, gửi cả những tâm huyết, thành tựu quê hương và hơi thở cuộc sống mùa xuân đến với người dân, bạn đọc gần xa./.
Loan Phương