(CMO) Khi giới trẻ bắt đầu nhận ra việc đọc sách góp phần tạo nên nhiều thói quen tích cực giữa cuộc sống bộn bề, sự bủa vây đến chóng mặt của công nghệ số thì văn hoá đọc cũng tự tạo được thế chuyển mình của riêng nó.
Cơ hội trước thách thức, khó khăn
Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam chỉ có 30% người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thi thoảng mới đọc sách. Trước sự phát triển như vũ bão của các phương tiện truyền thông đại chúng và các tiện ích xã hội như báo điện tử, truyền hình, Facebook, Youtube… có vẻ như không còn chút cơ hội nào cho việc duy trì thói quen đọc sách. Người đọc không còn hứng thú với việc đọc trực tiếp từ sách vở như thế hệ cha ông. Sách in không cạnh tranh được với sách điện tử tiện ích. Mặt khác, tình trạng lười đọc sách, trong đó có sách văn học, sách nghiên cứu… diễn ra ở nhiều thành phần xã hội, nhiều lứa tuổi khác nhau. Việc đọc nhanh, đọc ngắn, đọc sách mỏng cũng là một trong những tiêu chí được người đọc trẻ hướng đến và lựa chọn để tối ưu hoá cuộc sống.
Thêm nữa, vài năm qua, nhiều trang web và hàng loạt TikToker, Youtuber còn tạo thêm hình thức đọc mới, là radio book. Nó tạo thêm hứng thú tiếp cận với sách nhưng theo đường thính giác, giảm tình trạng mỏi thị giác khi phải lướt mạng quá nhiều trên điện thoại, laptop.
Vì có nhiều sự lựa chọn nên người đọc dần rời xa văn hoá đọc truyền thống, ít tiếp cận trực tiếp với con chữ trên báo, trên sách… Bởi chỉ cần một ipad, điện thoại thông minh hay máy nghe nhạc, họ tha hồ nghe hay xem trên xe buýt khi đi học, trên ô tô đi làm…
Thế nhưng, với một bộ phận độc giả là học sinh, sinh viên, người đi làm…, văn hoá đọc truyền thống vẫn có sức sống và sức hấp dẫn riêng. Ðối với nhóm độc giả này, họ thích và cần tiếp xúc trực tiếp với sách vở mỗi ngày phục vụ cho việc học và nghiên cứu. Bên cạnh đó, việc đọc trực tiếp cũng tạo thói quen ghi chú những điều bổ ích vào sổ tay. Thêm nữa, nhóm đối tượng đọc này cũng cần môi trường yên tĩnh để học nhóm, tra cứu tư liệu sách cũ quý hiếm mà nguồn sách trên mạng không có để cập nhật.
Nhiều bạn trẻ vẫn yêu thích việc đọc sách nhưng cần có sự vun bồi từ tình yêu đến cách thức tiếp cận sách hợp lý, thú vị. Ảnh: Nhật Minh |
Bạn Tô Quốc Trưởng, Trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Hàn Quốc Cà Mau, cho biết: “Sách là công cụ lưu trữ kiến thức nhiều hơn. Lúc học ở trường, tôi hay đọc sách ở thư viện trường. Bây giờ thi thoảng đến Thư viện tỉnh để tra cứu thêm tư liệu mà trên mạng không có, nhiều khi có nhưng không biết chuẩn xác hay không”.
Anh Nguyễn Minh Khang, Ðội phó Ðội Ðiều tra tổng hợp, Công an huyện Năm Căn, chia sẻ: “Tuy công việc bận rộn nhưng tôi vẫn dành thời gian để đọc sách, như vào lúc rảnh, ngoài giờ làm việc, những lúc trực, công việc nhàn nhã hơn. Trên điện thoại và laptop thì thông tin quá nhiều sẽ gây nhiễu. Ðọc sách cô đọng hơn, tập được kỹ năng nói và viết phụ trợ nhiều cho lĩnh vực mình công tác. Từ đó cho thấy, đọc sách vẫn có giá trị riêng, chúng ta không thể loại bỏ và không thể phủ nhận".
Nhiều đối tượng ở mọi tầng lớp, mọi nghề nghiệp… trong xã hội dần nhận ra giá trị của việc đọc sách.
Ðọc sách trực tiếp giúp các bạn trẻ tránh xa môi trường mạng xã hội đang có quá nhiều điều độc hại, thông tin bẩn… Song song đó, nó cũng tạo tính kết nối giữa người với người và sự lành mạnh trong giao tiếp ở những buổi học nhóm, ôn thi…
Em Nguyễn Thục Kiều, học sinh lớp 11 A, Trường THPT Hồ Thị Kỷ (TP Cà Mau), chia sẻ: “Em và nhóm bạn thích vào thư viện đọc sách và học nhóm. Chúng em chat qua mạng xã hội cũng tiện, nhưng gặp trao đổi và cùng tra cứu tư liệu, thảo luận khi bắt đầu bước vào mùa thi vẫn hay hơn. Vừa đọc tìm kiếm tư liệu, vừa ghi chép ngay khi đọc giúp chúng em nhớ kiến thức lâu và sâu hơn”.
Phát huy văn hoá đọc truyền thống
Ngay từ khi các em còn nhỏ, việc đọc sách cần sự định hướng đúng đắn từ gia đình. Sự quan tâm, hướng dẫn, chỉ bảo của cha mẹ sẽ tạo cho trẻ thói quen đọc sách lành mạnh và những kỹ năng cần thiết để lựa chọn sách đọc. Như vậy, thói quen đọc sách sẽ được nâng cao và toàn diện hơn. Trường học sẽ là nơi thể hiện rõ nhất chức năng, sức mạnh của văn hoá đọc. Thầy cô giáo là người chọn lọc và định hướng học sinh đến với tác phẩm hay. Các trường học cần coi việc xây dựng văn hoá đọc là công việc quan trọng đầu tiên để hình thành sinh hoạt trường học.
Các em học sinh cần được tạo điều kiện đến thư viện để gần gũi với sách và được dạy cách học cùng sách để bồi dưỡng thêm sự thích thú với cách đọc truyền thống.
Hiện nay, báo chí, truyền hình là kênh thông tin có tác động lớn nhất đến dư luận xã hội. Thế nên, việc sử dụng kênh thông tin này để giới thiệu sách đọc, tuyên truyền, quảng bá, thu hút bạn đọc để định hướng cho văn hoá đọc phát triển là rất quan trọng.
Một tín hiệu đáng mừng và cũng là điểm mạnh để bảo tồn văn hoá đọc truyền thống là số lượng đầu sách tăng, hệ thống thư viện mở rộng, gia tăng về số lượng. Bên cạnh đó, thư viện cũng mở thêm nhiều lớp học về văn hoá, những tủ truyện cho thiếu nhi… để hỗ trợ, phối hợp với các trường tiểu học, mầm non tăng tình yêu sách, tạo thói quen đọc, xem tranh ảnh cho các em ngay từ khi còn bé.
Bà Nguyễn Kim Diệu, Phó giám đốc Thư viện tỉnh, cho biết: “Thời gian qua, Thư viện tỉnh phối hợp với các trường tiểu học, THCS tổ chức các buổi ngoại khoá cho các em học sinh. Ðến với thư viện, ngoài đọc sách, các em còn tham gia hoạt động tương tác với sách, như đố vui về sách, xem phim… Ngoài ra, thư viện còn chú trọng việc chạy xe lưu động phục vụ sách cho các em vùng nông thôn, hoạt động này sẽ được tăng cường trong thời gian tới".
Song song đó, chính mỗi người dân trong cuộc sống cần gia tăng việc tiếp cận sách bằng nhiều phương pháp khác nhau, như tặng sách cho người thân, thầy cô, bạn bè trong những ngày lễ, Tết thay cho hoa và các món quà khác. Hay ở các quán nước, quán cà phê, quán ăn, bệnh viện, phòng khám, thẩm mỹ viện.. có thể đặt thêm giá sách để khách đọc khi chờ. Ðọc sách lúc rảnh rỗi hay khi chờ đợi sẽ là cơ hội tốt để dẫn dắt người dân vào văn hoá đọc và hình thành thói quen đọc sách.
Thư viện tỉnh Cà Mau thường xuyên tổ chức những cuộc thi dành cho học sinh, sinh viên về sách, như Hội thi Thanh niên với văn hoá đọc, hoạt động chào mừng Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam 21/4, từ đó kích thích tình yêu sách của thanh thiếu niên cũng như giới trẻ khi chính bản thân họ tự tìm hiểu, tự sáng tạo khi muốn truyền tải, giới thiệu về nội dung quyển sách, truyện, tiểu thuyết… mà mình yêu thích đến với mọi người.
Tỉnh Cà Mau bắt đầu đẩy mạnh những cuộc thi về sách, tìm hiểu sách, khuyến khích văn hoá đọc… để thúc đẩy tình yêu sách hơn.
Bạn Trần Minh Nhật, Phó bí thư Xã đoàn An Xuyên, TP Cà Mau, chia sẻ: “Những cuộc thi về sách với hình thức hiện đại, sáng tạo sẽ mang lại nhiều lợi ích cho đoàn viên, thanh niên. Vì trong nội dung thi phải thuyết trình về quyển sách mà mình chọn và cảm thấy có ý nghĩa. Sau cuộc thi sẽ gợi cho mỗi người hứng thú tìm đúng cuốn sách đó để tìm hiểu nội dung. Giới trẻ ngày nay có một bộ phận yêu sách và thích đọc sách, nhưng cần biết cách khơi gợi và cổ vũ tình yêu sách nhiều hơn ở các bạn”.
Chúng ta hay nhắc về thời ông bà ta với những giá trị văn hoá được lưu giữ rất chân phương và đôn hậu. Văn hoá đọc thời đó cũng sống theo mạch của cuộc sống. Mong là đến những thế hệ sau vẫn sẽ được thấy hình ảnh ba mẹ, ông bà, anh chị cầm trên tay những tờ báo, những quyển sách… say sưa theo con chữ trong mỗi buổi sáng uống cà phê hay buổi tối quây quần bên nhau./.
Lam Khánh