“Bị cáo xin toà xem xét giảm nhẹ hình phạt để bị cáo sớm được trở về đoàn tụ với gia đình, còn lo làm để có tiền bồi thường cho gia đình bị hại…”. Tuy nhiên, lời nói sau cùng của bị cáo bằng thừa. Bởi, phiên xử phúc thẩm này là xét kháng cáo của gia đình bị hại.
“Bị cáo xin toà xem xét giảm nhẹ hình phạt để bị cáo sớm được trở về đoàn tụ với gia đình, còn lo làm để có tiền bồi thường cho gia đình bị hại…”. Tuy nhiên, lời nói sau cùng của bị cáo bằng thừa. Bởi, phiên xử phúc thẩm này là xét kháng cáo của gia đình bị hại.
Ngược thời gian bảy năm về trước. Một buổi chiều đầu năm 2009, Võ Văn Toản (sinh năm 1989, ngụ xã Nguyễn Phích, huyện U Minh) điều khiển xe gắn máy chở Lưu Vũ Xil đi từ hướng xã Khánh Hội về thị trấn U Minh với tốc độ cao. Khi ngang qua địa bàn xã Khánh Lâm, Toản chạy lấn phần đường bên trái và đụng vào xe gắn máy đang đi ngược chiều, do Trần Văn Mến điều khiển chở ông Nguyễn Văn Long. Tai nạn xảy ra khiến ông Long tử vong tại chỗ, Toản, Mến và Xil bị thương rất nặng, được người dân địa phương đưa đi bệnh viện cấp cứu.
Võ Văn Toản tại phiên toà xét xử phúc thẩm. |
Nguyên nhân dẫn đến cái chết của ông Long, theo kết luận giám định pháp y của Phòng Kỹ thuật Công an tỉnh Cà Mau, là do chấn thương sọ não kín và đa chấn thương, thương tật của Xil là 44,7%, thương tật của Mến là 34,2%. Do tính chất vụ việc nghiêm trọng, gây tai nạn giao thông làm chết người và bị thương nhiều người, Võ Văn Toản đã bị Viện Kiểm sát Nhân dân huyện U Minh truy tố về tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Với tội danh trên, tháng 1/2011, Toà án Nhân dân (TAND) huyện U Minh đã xét xử sơ thẩm, tuyên phạt Võ Văn Toản bốn năm tù.
Ngoài ra, buộc Toản phải bồi thường cho ông Long trên 53 triệu đồng và có nghĩa vụ cấp dưỡng Nguyễn Thị Nhựt Thuỷ (sinh năm 1997, con ông Long) mỗi tháng 365.000 đồng cho đến khi cháu Thuỷ tròn 18 tuổi. Bên cạnh đó, Toản còn phải bồi thường tổn thất thương tật cho Mến, Xil với tổng số tiền gần 60 triệu đồng.
Đại diện hợp pháp của ông Long đã kháng cáo yêu cầu nâng hình phạt đối với Toản, buộc Toản nâng mức bồi thường thiệt hại cũng như mức cấp dưỡng cho cháu Thuỷ. Tuy nhiên, cùng thời điểm đó, Toản đã bỏ trốn khỏi địa phương. Sau bốn năm lẩn trốn ở tỉnh Bình Dương, cuối tháng 10/2015, Toản đã bị Công an tỉnh Cà Mau bắt giữ theo lệnh truy nã khi đang làm công nhân ở Khu Công nghiệp Sóng Thần và được di lý về Cà Mau thụ án.
Tại phiên xét xử phúc thẩm của TAND tỉnh Cà Mau, đại diện hợp pháp của ông Long vẫn giữ nguyên nội dung kháng cáo. Tuy nhiên, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Cà Mau tham gia phiên toà đã đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên quyết định của án sơ thẩm về hình phạt đối với bị cáo, sửa án sơ thẩm về phần trách nhiệm dân sự và thời điểm cấp dưỡng.
Xét toàn bộ hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên toà, cũng như phân tích thấu đáo mức hỗ trợ chi phí tang lễ, tổn thất về mặt tinh thần… mà đại diện hợp pháp của ông Long đề nghị, Hội đồng xét xử chấp nhận một phần kháng cáo, sửa một phần Bản sơ thẩm số 02/HSST ngày 21/1/2011 của TAND huyện U Minh về phần trách nhiệm dân sự và thời gian cấp dưỡng.
Theo đó, áp dụng Điểm đ, Khoản 2, Điều 202; Điểm p, Khoản 1, Điều 46, Bộ luật Hình sự, xử phạt Võ Văn Toản bốn năm tù. Áp dụng Điều 42, Bộ luật Hình sự và các Điều 604, 610, Bộ luật Dân sự, buộc Toản bồi thường cho người bị hại trên 82 triệu đồng, cấp dưỡng nuôi cháu Thuỷ mỗi tháng 365.000 đồng cho đến khi cháu Thuỷ tròn 18 tuổi (thời gian được tính từ tháng 1/2009). Ngoài ra, Toản còn phải chịu phần án phí dân sự sơ thẩm trên 7 triệu đồng./.
Bài và ảnh: Mỹ Pha