(CMO) Một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT) chính là vấn đề lạm dụng rượu, bia đối với người điều khiển phương tiện giao thông. Các ngành chức năng đã và đang tăng cường nhiều giải pháp tuần tra, kiểm soát đối với hành vi vi phạm lỗi này, nhằm từng bước kiềm chế, làm dừng, giảm TNGT.
Tuy nhiên, có một thực tế đang tồn tại, nhất là đối với khu vực nội ô TP Cà Mau - nơi có số lượng xe ô tô cá nhân nhiều nhất tỉnh, thì vấn đề kiểm soát sử dụng nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện loại này hiện đang là một vấn đề nan giải.
Theo Trung tá Nguyễn Quốc Khởi, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - trật tự, Công an TP Cà Mau: “Việc kiểm tra đối với người điều khiển phương tiện loại này vẫn còn gặp nhiều yếu tố khách quan, khó kiểm soát. Nếu thực hiện lập chốt tuần tra kiểm soát tại các địa điểm hàng quán thì vô hình trung làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh cũng như không tạo điều kiện thuận lợi trong kinh doanh của doanh nghiệp".
Nhiều quán nhậu trên địa bàn thành phố thu hút đông lượng khách đi xe ô tô. |
"Người điều khiển ô tô vi phạm nồng độ cồn rất khó phát hiện vì đây là loại phương tiện lớn. Do đó, ngoài việc kiểm tra theo chuyên đề thì chỉ khi nào thấy có dấu hiệu mới kiểm tra”, Trung tá Nguyễn Quốc Khởi cho biết thêm.
Cũng từ thực tế này, từ đầu năm đến nay, tỷ lệ phát hiện lái xe ô tô vi phạm nồng độ cồn thấp hơn nhiều so với xe mô tô. Theo thống kê của Đội Cảnh sát giao thông - trật tự, Công an TP Cà Mau, tính đến thời điểm hiện tại, đã phát hiện, xử lý 32 trường hợp trong tổng số 567 trường hợp vi phạm nồng độ của các loại xe, bao gồm cả xe mô tô và ô tô. Đây đa phần là các lỗi vi phạm nồng độ cồn nằm trong mức xử phạt từ 16-18 triệu đồng theo Nghị định 46/2016.
Từ những con số thực tế trên cho thấy, vấn đề xử lý nồng độ cồn đối với người điều khiển xe ô tô vẫn còn nhiều lỏng lẻo. Người lái xe vẫn còn tâm lý chủ quan là khó bị phát hiện, ít bị kiểm soát nên dễ dàng lọt khỏi tầm ngắm của lực lượng làm nhiệm vụ./.
Song Khuê