(CMO) Nhiều địa phương đồng loạt mở cao điểm ra quân giải toả, thanh thải hàng đáy, chướng ngại vật trên sông, sau thời gian tuyên truyền, vận động nhân dân tự giác tháo dỡ. Thế nhưng, trong quá trình thực hiện vẫn bộc lộ nhiều bất cập, trong đó công tác phối hợp giữa các địa phương chưa chặt chẽ.
Đoàn công tác liên ngành đường thuỷ nội địa vừa cùng với 2 địa phương có tuyến sông giáp ranh là Phú Tân và Năm Căn ra quân giải toả các loại đáy, chướng ngại vật trên tuyến sông Bảy Háp. Qua phối hợp cho thấy vẫn còn nhiều lúng túng, bất cập.
Ra quân rầm rộ với trên 30 người của các đơn vị gồm: cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, Đội Thanh tra an toàn Số 8, các phòng chức năng của 2 huyện, chính quyền xã và lực lượng dân quân tự vệ. Tuy nhiên, khi vừa gặp hàng đáy đầu tiên, đoàn công tác đã phải nhọc nhằn trong khâu xử lý các cọc đáy. Do phương tiện phục vụ công tác giải toả chỉ gồm những loại vỏ máy công suất nhỏ nên việc xử lý gặp rất nhiều khó khăn, hầu như không nhổ được cột đáy nào.
Trang bị phương tiện nhỏ đã làm lãng phí, tốn rất nhiều thời gian công sức cho quá trình ra quân giải toả. |
Khi được hỏi vì sao không khảo sát và trang bị phương tiện đủ lớn để đảm bảo cho công tác giải toả, đại diện huyện Năm Căn cho rằng, do mục đích của huyện trong đợt ra quân này chưa thực hiện giải toả đáy, chỉ giải toả nò, đó, vó, lú… nên chỉ trang bị phương tiện công suất nhỏ.
Riêng đại diện đoàn công tác của huyện Phú Tân lại cho rằng, phía huyện đã rà soát trên toàn tuyến ra quân, cho thấy trên tuyến do địa bàn huyện quản lý không có hàng đáy nào nên chỉ trang bị phương tiện công suất nhỏ.
Do không thống nhất trong quá trình chuẩn bị của 2 đơn vị đã cho kết quả là đợt ra quân dừng lại, rút kinh nghiệm chờ đợt phối hợp sau. Thượng tá Đoàn Văn Khải, Phó Phòng Cảnh sát giao thông đường thuỷ, Công an tỉnh Cà Mau, cho biết, việc phối hợp giữa các địa phương trong quá trình thực hiện giải toả đáy cá, chướng ngại vật trên sông tại một số địa phương còn khá lỏng lẻo. Thời gian thực hiện chưa được thống nhất, đồng bộ, phương tiện chuẩn bị cho công tác giải toả chưa được chu đáo, kinh phí chưa đáp ứng yêu cầu. Điều đó phần nào ảnh hưởng đến quá trình thực thi nhiệm vụ của đoàn.
Hiện nay, nhiều nơi trong tỉnh, việc ra quân giải toả các loại hàng đáy, chướng ngại vật trên sông lấn chiếm luồng, hành lang bảo vệ luồng đường thuỷ nội địa đã có triển khai nhưng chưa đồng loạt. Vẫn còn nhiều địa phương vướng phải các vấn đề xung quanh việc giải toả này như: điều tra, tìm chính sách hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề một số hộ có hàng đáy lớn vẫn còn trong giai đoạn tìm giải pháp; do vấn đề mưu sinh cũng như lợi nhuận lớn từ nguồn lợi giống thuỷ sản, nhiều hộ tái chiếm lại. Ngoài ra, việc phối hợp giữa các địa phương vùng giáp ranh chưa chặt chẽ, vẫn còn xảy ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm.
Việc giải toả chướng ngại vật trên sông bảo vệ luồng đường thuỷ nội địa là một chủ trương đúng, nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thuỷ nội địa. Tuy nhiên, để công tác giải toả được hiệu quả thì sự vào cuộc, phối hợp quyết liệt của các cấp, các ngành, các địa phương cần được đẩy mạnh nhằm tạo sự đồng thuận của nhân dân. Và việc nghiên cứu các giải pháp, các chính sách hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho người dân sau giải toả là giải pháp bắt buộc./.
Song Khuê