“Ông có nghề thuốc gia truyền, uy tín; đặc biệt ông còn bỏ nhiều công sức để gầy dựng, phát triển vườn thuốc nam khá lớn để phục vụ việc khám, chữa bệnh”, đó là lời giới thiệu của Phó Chủ tịch Hội Ðông y tỉnh Cà Mau Hồng Bình Ðẳng về Lương y Nguyễn Văn Ðấu, Ấp 5, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình.
Men theo Quốc lộ 63 đến cầu Số 4, rẽ trái qua sông tôi tìm nhà ông. Không cần hỏi thăm, bởi phía trước hiên chất đầy những xịa thuốc nam. Bước vào phòng khám của ông, điều đập vào mắt là rất nhiều bằng khen, giấy khen, cả kỷ niệm chương. Ông bảo, “gia tài” hơn 20 năm làm nghề.
Buổi sáng hôm ấy có hơn chục người đến khám bệnh và mua thuốc đông dược bào chế sẵn. Chen lẫn giữa những lần khám bệnh cho khách, ông hào hứng kể về nghề.
![]() |
Thuốc phải sạch sẽ, an toàn là tiêu chuẩn hàng đầu của Lương y Nguyễn Văn Ðấu. |
Thân sinh ông ngày trước từng là thầy thuốc đông y. Thời trai trẻ, ông cũng tham gia làm việc Nhà nước. Nhưng như cái duyên, cái nợ, không bao lâu, ông lại quay về kế nghiệp cha.
Vốn từ nhỏ đã có hứng thú tìm hiểu về cây cỏ, về các bài thuốc nam qua những lần khám bệnh, bốc thuốc của cha, nên khi theo nghề, ông tiếp thu rất nhanh. Từ những bài thuốc gia truyền, cộng với sự học hỏi qua những lần tập huấn các lớp đông y, kết hợp tham khảo thêm qua sách báo, tài liệu, nghề nghiệp ông ngày càng vững.
Cái nghề đông y sao lạ, cũng bài thuốc ấy, bệnh ấy, nhưng có thầy hốt uống thì “chịu thuốc”, có thầy hốt thì bệnh nhân không khỏi. Ông giải đáp thắc mắc của tôi: phần nhiều do kinh nghiệm. Khi bắt mạch chẩn đoán bệnh, tuỳ kinh nghiệm, khả năng “cảm nhận” bệnh, các thầy có cách gia giảm lượng thuốc ở mỗi vị khác nhau và “lộ trình” điều trị khác nhau (trong nghề gọi là “quân - thần - tá - sứ”). Ðây cũng có thể coi là “bí quyết”.
Ông và cha ông đều trị đa khoa, phổ biến nhất là các bệnh phong thấp, đau nhức khớp, trẻ em bị ban trái. Như một minh chứng, hôm ấy có bà Nguyễn Thị Kha, 57 tuổi, đến khám bệnh. Bà bảo: “Tôi bị đau nhức xương khớp nằm xuống là đứng dậy đi không nổi. Ði khám tới thành phố, uống thuốc tây rất nhiều mà không hết... Nghe người ta chỉ, tới hốt thuốc thầy Ðấu về uống được một đợt thấy đỡ hẳn. Bây giờ đi lao động được rồi”.
“Uống thuốc nam được cái rẻ, nhưng phải kiên trì. Những bệnh ngoại cảm thông thường chỉ vài thang là khỏi, nhưng bệnh mãn tính phải trị kéo dài nhiều tháng. Cái ưu điểm của thuốc nam nữa là không độc hại với cơ thể”, ông giải thích. Chỉ vào bảng giá, ông cho biết, Sở Y tế quy định mỗi thang thuốc nam 15.000 đồng, nhưng thấy bà con mình ở quê khó khăn nên ông chỉ lấy 5.000 đồng. Ai nghèo quá thì ông miễn phí.
Ðiều đặc biệt là thuốc nam của ông gần như hoàn toàn tự trồng. Ông bảo: "Mấy năm nay bà con chuyển sang làm vuông, đất bị nhiễm mặn nên cây thuốc tự nhiên bị hạn chế. Bên cạnh đó, bà con hay dùng thuốc để diệt cỏ trên ruộng, vườn nhà, nếu mình không hay, hái về cho bệnh nhân uống thì độc hại vô cùng. Làm nghề phải có lương tâm”. Cũng vì để đảm bảo sức khoẻ cho bệnh nhân mà vườn thuốc ông trồng không xài phân, xài thuốc.
Trong số 3 vườn thuốc với diện tích khoảng 3.000 m2, ông chia riêng loại cây lâu năm, cây quý hiếm cần bảo tồn, cây thời vụ. Với cây thời vụ, hết mùa, ông thu hoạch và cải tạo đất để chuẩn bị tiếp cho mùa sau.
Vừa khám bệnh bốc thuốc, vừa trồng, chăm sóc, thu hái thuốc nên công việc ông rất bận rộn. Dẫu vậy ông có nguyên tắc là thuốc phải sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh. Cũng vì vậy mà ông thường ít chịu nhờ người khác chế biến thuốc cùng. Phía trước nhà, ông đóng một số kệ hình tam giác với rất nhiều ngăn. Vào mùa mưa, khi không phơi được thì chất vào kệ mở quạt gió để hong thuốc. Ông bảo: “Tôi có tới 80 xịa phơi thuốc, bất cứ mưa nắng gì thuốc cũng đảm bảo chất lượng, vệ sinh”.
Không ồn ào, rầm rộ, ông âm thầm làm, âm thầm học hỏi, làm nghề bằng cái tâm và lòng nhiệt huyết. “Nhiều người bị bệnh đi trị một số nơi không hết, đến uống thuốc mình khỏi bệnh, vậy là vui rồi”, ông bộc bạch. Ðây cũng là động lực để ông tiếp tục gắn bó với nghề và trau dồi thêm chuyên môn để góp phần cùng với ngành tây y chăm sóc sức khoẻ cho cộng đồng.
Ngoài thời gian làm nghề, ông còn tranh thủ tham gia công tác xã hội, như vận động dân hiến đất xây trường, vận động nhà tài trợ xây dựng cầu... Mấy năm trước, khi vận động được cây cầu bắc qua sông, ông mừng húm. Nhưng khi xây dựng, do móng cầu nằm trên ranh đất hàng xóm, bị hàng xóm phản đối, ông đã bỏ ra mấy chục triệu mua luôn phần đất đó để cây cầu được thi công. Ông nghĩ, làm gì được cho quê hương thì làm, bởi trong đó cũng có gia đình mình thụ hưởng./.
Ông Hồng Bình Ðẳng, Phó Chủ tịch Hội Ðông y tỉnh, cho biết, toàn tỉnh hiện có 12.000 hội viên hội đông y, mạng lưới đông y được bao phủ khắp các xã, phường góp phần không nhỏ vào công tác chăm sóc sức khoẻ Nhân dân. Tổng số lượt khám, chữa bệnh trong năm qua tại các cơ sở do hội quản lý là 1.861.615; số lượt khám, điều trị miễn phí 890.954, quy thành tiền 12.133.380.000 đồng. Với phương châm “thầy tại chỗ, thuốc tại chỗ, chữa bệnh tại nhà”, hội đã phát động trong Nhân dân, các cơ sở khám, điều trị tự trồng cây thuốc. Ðến nay, ngoài các vườn thuốc nam mẫu, trong Nhân dân và các cơ sở đông y trồng được trên 50.000 m2 thuốc nam với hơn 200 loại thuốc từ thông thường đến quý hiếm phục vụ khám, chữa bệnh. |
Bài và ảnh: Huyền Anh