(CMO) Sáng nay (ngày 13/9), Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp trực tuyến với các tỉnh, thành về “thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ nông sản trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19”.
Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chỉ đạo chỉ nên kiểm soát chặt chẽ điểm đầu và điểm cuối trong vận chuyển lưu thông hàng hoá, góp phần khôi phục sản xuất cho các địa phương. Ảnh: Vận chuyển rau củ quả hỗ trợ người dân do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tại TP Cà Mau. |
Theo thống kê của Tổng cục hải quan, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, thuỷ sản trong 7 tháng đầu năm 2021 đạt 15,88 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2020, cao hơn so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, phần lớn các mặt hàng chủ lực đều tăng trưởng dương.
Theo số liệu của liên Bộ, ước xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2021 đạt 17,9 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm 8,4% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Trong đó, mặt hàng tăng trưởng mạnh nhất là cao su. Trong nhóm nông, thuỷ sản, 2 mặt hàng: thuỷ sản và rau củ cũng tăng lần lượt là 7,1% và 11,8% so với cùng kỳ năm 2020. Ngược lại, xuất khẩu gạo giảm.
Có được kết quả trên, nhất là trong bối cảnh bùng phát của làn sóng Covid-19 thứ 4 là do sự vào cuộc quyết liệt và kịp thời của Chính phủ, Bộ, ngành và địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn, giải quyết các nút thắt trong khâu vận chuyển, lưu thông hàng hoá, giúp xuất khẩu nông, thuỷ sản đạt kết quả đáng khích lệ.
Theo đó, nhu cầu từ thế giới đang có dấu hiệu hồi phục và tăng trở lại, khi các nước đang triển khai mạnh mẽ tiêm vắc-xin, nới lỏng các biện pháp giãn cách, làm tăng nhu cầu các mặt hàng không thiết yếu.
Mặc dù tiêu thụ và nhập khẩu của một số nước đã và đang phục hồi nhưng hoạt động xuất khẩu vẫn gặp nhiều khó khăn. Dịch Covid-19 bùng phát phức tạp và lan nhanh tại ASEAN, Ấn Độ cũng có khả năng làm giảm nhu cầu nhập khẩu của các nước này.
Trung Quốc tăng cường kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt khu vực cửa khẩu biên giới đất liền để phòng, chống dịch Covid-19, tác động đến tiến độ thông quan hàng hoá của Việt Nam sang thị trường này.
Ở các địa phương trong nước, do thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch nên việc thúc đẩy sản xuất, lưu thông hàng hoá trên các mặt hàng chủ lực vẫn còn khó khăn, vướng mắc.
Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu các Bộ, ngành, lãnh đạo các địa phương cần lưu ý 3 vấn đề quan trọng: có biện pháp tháo gỡ khó khăn trong điều kiện phòng, chống dịch bệnh để sản xuất nông nghiệp tốt hơn; chuẩn bị tốt hơn, nhất là tái đàn, tái sản xuất để đáp ứng nhu cầu hàng hoá phục vụ cho chính nhu cầu của người dân cũng như đáp ứng xuất khẩu; cần có giải pháp cũng như đề xuất cho các vấn đề liên quan tới xuất khẩu hàng hoá, đặc biệt là thuỷ sản.
Bộ NN&PTNT kiến nghị Chính phủ xem xét: giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022; giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thuỷ sản, vật tư đầu vào; giảm thuế bảo vệ môi trường. Gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng; giảm tiền thuê đất của năm 2021 - 2022 cho các đối tượng bị ảnh hưởng của đại dịch. Chỉ đạo các địa phương rà soát lại việc thực hiện “3 tại chỗ” để phù hợp với thực tiễn từng loại hình doanh nghiệp. Phải có các quy định phù hợp cho các cơ sở giết mổ và chế biến khó thực hiện “3 tại chỗ” có thể định kỳ test nhanh người lao động trực tiếp làm việc.
Song song đó, để điều hành quá trình sản xuất của ngành, Bộ NN&PTNT chỉ đạo các địa phương khẩn trương rà soát, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cho sản xuất vụ tiếp theo: giống cây trồng, vật nuôi, máy móc thiết bị, vật tư... để xây dựng kế hoạch, phương án tổ chức sản xuất cụ thể trong mọi tình huống. Các địa phương đã khống chế được dịch cần đẩy mạnh phát triển sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản để hỗ trợ và bù đắp lại phần thiếu hụt cho các tỉnh phía Nam khi dịch Covid-19 chưa được khống chế.
Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đánh giá cao những cố gắng, sự quyết liệt của các địa phương trong triển khai những giải pháp thích hợp phòng chống dịch, đồng thời chỉ đạo: Vai trò của địa phương là quyết định, từ địa phương đưa ra chính sách, từ chính sách quay trở lại phục vụ địa phương. Nên các địa phương phải bảo đảm thực hiện theo đúng quy định của Chính phủ, chỉ kiểm soát điểm đầu và điểm cuối. Các doanh nghiệp phản ảnh từ chế biến, giết mổ, sản xuất, không đáp ứng công suất (khoảng 30%), do lực lượng công nhân hạn chế, dẫn đến đóng cửa. Đề nghị UBND các tỉnh cần tổ chức cuộc họp với doanh nghiệp, các Bộ, ngành Trung ương để tìm giải pháp, ưu tiên cho các lực lượng này để phục hồi sản xuất... định kỳ test nhanh đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch, một tuần phải test 2 lần.
Các Bộ, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ với người dân, doanh nghiệp xây dựng kế hoạch tổng thể việc tái đàn, sản xuất để đáp ứng nhu cầu của người dân, nhất là phục vụ dịp Tết Nguyên đán vào cuối năm. Kết hợp với Bộ Công thương, Bộ Y tế khẩn trương rà soát, hỗ trợ hàng hoá được lưu thông qua các cửa khẩu, kết nối, phân bổ vắc-xin cho các địa phương, ưu tiên tiêm cho các doanh nghiệp sản xuất, để sớm giúp cho chuỗi sản xuất hoạt động tốt nhất trong điều kiện phòng chống dịch hiện nay./.
Diệu Lữ