ĐT: 0939.923988
Thứ bảy, 23-11-24 07:07:09
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Mất trắng tiền tiết kiệm từ cuộc điện thoại lạ

Báo Cà Mau (CMO) Sau khi nhận cuộc gọi với người tự xưng là nhân viên điện lực thông báo nợ tiền điện nhiều tháng, một phụ nữ ở TP Cà Mau mất trắng số tiền tiết kiệm 140 triệu đồng.

Lừa đảo qua điện thoại mặc dù là thủ đoạn khá cũ nhưng cũng có nhiều người sập bẫy. Mới đây, bà Nguyễn Tuyết Hồng (Khóm 6, Phường 5, TP Cà Mau) có đơn trình báo đến Công an Phường 5 về việc bị lừa gạt hết số tiền tiết kiệm từ cuộc điện thoại của người lạ tự xưng là nhân viên bưu điện.

Bà Hồng kể lại, vào ngày 8/11 vừa qua, bà có nhận một cuộc điện thoại của người lạ xưng là nhân viên điện lực, nói bà nợ tiền điện hơn 58 triệu đồng và đang chuyển Công an TP Hồ Chí Minh điều tra. Bà không tin đây là sự thật và phản bác lại.

Ðể bà Hồng kiểm chứng thông tin đang bị điều tra về hành vi nợ tiền điện, người này đã kết nối máy với người xưng là Thiếu uý Tân, mã số 3894xx, Ðội Ðặc nhiệm Công an TP Hồ Chí Minh.

Theo lời người tự xưng là nhân viên điện lực, bà Hồng đang bị điều tra về việc nợ tiền điện nhưng khi nói chuyện với người xưng là thiếu uý công an thì không phải. Người này dẫn dắt bà nhiều câu chuyện khác. Ðỉnh điểm là nói bà liên quan đến một đường dây buôn bán ma tuý và đang bị điều tra, nếu bà không hợp tác phục vụ công tác điều tra thì ngay trong chiều hôm đó sẽ cho lực lượng xuống bắt và di lý về TP Hồ Chí Minh.

"Tôi là cán bộ hưu trí, từ nào giờ có quen biết ai ở TP Hồ Chí Minh đâu, càng không liên quan gì đến chuyện phạm pháp. Nhưng nghe đến chuyện sẽ bị bắt và đem về trển để tạm giam gì đó, tôi rất sợ. Tôi cũng nghĩ rằng bản thân không làm thì không sợ nên chấp nhận trả lời những câu hỏi qua điện thoại của người này", bà Hồng chia sẻ.

Qua lời bà Hồng, suốt câu chuyện người này thường đề cập đến chuyện sẽ bị bắt, giam giữ và tù tội. Ðể làm rõ hành vi của bà Hồng, người này đã dọ hỏi bà nhiều vấn đề như có xe, đất, nhà cửa, tiền gửi tiết kiệm. Sau khi biết bà Hồng có tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng, người này liền yêu cầu bà phải lập tức đến ngân hàng rút hết số tiền trên, chuyển vào tài khoản cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh xác minh nguồn tiền trên có sạch hay không. Nếu kiểm tra không liên quan đến vụ án thì sẽ chuyển trả lại ngay. Nếu không thực hiện sẽ áp dụng những biện pháp "cứng" đối với bà Hồng.

"Nghe những lời đe doạ, đầu óc tôi cũng lú lẫn, tôi hoang mang, lo lắng, mất bình tĩnh. Không còn suy nghĩ gì được, liền sau đó tôi đã đến ngân hàng rút toàn bộ số tiền tiết kiệm 140 triệu đồng để chuyển về số thẻ 12910000428803 tên Hoàng Khánh Châu", bà Hồng thông tin.

Từ lúc chuyển tiền đến nay, bà Hồng không thấy họ chuyển trả lại và không liên lạc được nhóm người này. Nhận thấy mình bị lừa gạt nên bà Hồng đã đệ đơn tố giác này gửi công an địa phương để can thiệp xử lý.

Hoá đơn rút và chuyển tiền vào số tài khoản của người lạ sau khi nhận cuộc gọi của bà Hồng.

Lừa đảo qua điện thoại, trong đó có giả danh là nhân viên bưu điện thông tin nợ tiền điện yêu cầu phải đóng góp nhằm chiếm đoạt tiền không còn xa lạ. Về thủ đoạn này, vừa qua, phía ngành điện cũng đã phát đi thông báo yêu cầu người dân cảnh giác với thủ đoạn này, tránh tiền mất tật mang.

Theo đó, Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam và các công ty điện lực tiếp tục cảnh báo đến khách hàng sử dụng điện cần nêu cao tinh thần cảnh giác. Nếu nhận được cuộc gọi mạo danh điện lực hoặc xưng danh là công ty điện lực nhưng không nói rõ tên, địa bàn quản lý của công ty điện lực, hoặc thông tin không rõ ràng, minh bạch thì khách hàng không nên cung cấp thông tin cá nhân của mình.

Ðồng thời, khách hàng cần thông báo ngay cho ngành điện qua các kênh chăm sóc khách hàng để có biện pháp xử lý kịp thời. Ðặc biệt, trong mọi trường hợp, ngành điện khuyến cáo khách hàng không cung cấp thông tin số tài khoản, mật khẩu; tuyệt đối không thanh toán tiền điện cho người lạ hoặc chuyển tiền vào các tài khoản cá nhân để tránh bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Theo cơ quan công an, lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin, đánh vào tâm lý lo sợ của một số người dân, đẩy bị hại vào tình thế sợ hãi rồi dùng nhiều chiêu thức nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi, thủ đoạn khá phổ biến hiện nay. Ðơn cử như thông báo nợ tiền điện, tiền cước điện thoại, có bưu phẩm gửi ở các bưu điện lâu ngày không đến nhận, thiếu nợ tiền ngân hàng do người khác lấy chứng minh Nhân dân, căn cước công dân đăng ký mở tài khoản ngân hàng hoặc liên quan đến các vụ án đang điều tra, như buôn bán ma tuý, rửa tiền xuyên quốc gia và có lệnh bắt của cơ quan công an, toà án, viện kiểm sát, yêu cầu kê khai tài sản, số tiền hiện có trong các tài khoản ngân hàng.

Những kẻ lừa đảo sẽ yêu cầu người bị hại phải nghe điện thoại, liên tục nói chuyện với nhiều người tự xưng là điều tra viên, cán bộ công an, viện kiểm sát, toà án. Sau đó, dùng lời lẽ đe doạ rồi yêu cầu bị hại chuyển tiền vào các tài khoản ngân hàng với lý do xác minh nguồn tiền, phục vụ điều tra rồi chiếm đoạt.

Luật sư Bùi Quốc Tuấn, Ðoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, cho biết, hiện nay các thủ đoạn giả danh cơ quan pháp luật gọi điện thoại đe doạ, lừa đảo, yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản để chiếm đoạt xuất hiện rất nhiều, với nhiều thủ đoạn.

Hành vi của các đối tượng này đã có dấu hiệu của tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hoặc tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.

Theo quy định của pháp luật, các cơ quan pháp luật không được phép làm việc qua điện thoại, yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản cá nhân như trường hợp của bà Hồng (nêu trên). Khi cần xác minh, điều tra làm rõ các vụ việc, vụ án, các hành vi phạm tội hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác thì các cơ quan có thẩm quyền phải có giấy mời hoặc giấy triệu tập công dân đến làm việc tại trụ sở cơ quan theo quy định. Chính vì vậy, khi tiếp nhận những cuộc gọi có nội dung thông tin tương tự, người dân cần bình tĩnh, không nên sợ hãi mà sập bẫy của những kẻ lừa đảo, Luật sư Tuấn thông tin thêm./.

 

Văn Ðum

 

Liên kết hữu ích

Chính sách nhân văn với người tái hoà nhập cộng đồng

Tư vấn giới thiệu việc làm, tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù... là những chính sách nhân văn của Ðảng và Nhà nước, nhằm giúp người sau khi chấp hành xong án tù về địa phương có điều kiện làm lại cuộc đời.

Bắt giữ tàu cá khai thác sai quy định

Thông tin từ Bộ Tư lệnh (BTL) Vùng Cảnh sát biển 4 ngày 14/11 cho biết, trong quá trình tuần tra trên biển, lực lượng này phát hiện tàu cá đang hành trình từ phía Nam vùng biển chồng lấn về vùng biển Việt Nam và tiến hành kiểm tra, phát hiệu nhiều vi phạm và dẫn giải phương tiện về đất liền để điều tra, xử lý. 

Nâng cao kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ công tác trợ giúp pháp lý

Sáng nay (12/11), Sở Tư pháp tỉnh phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho gần 300 đại biểu là đội ngũ cán bộ làm công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh.

Học sinh vi phạm giao thông giảm

Theo đánh giá chung của các cơ quan chức năng, sau hơn 1 tháng cao điểm ra quân xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đối với học sinh, tình hình chấp hành luật giao thông trong học sinh chuyển biến tích cực, nhất là hạn chế tình trạng lỗi vi phạm không đủ điều kiện điều khiển xe máy tham gia giao thông. Từ những kết quả đạt được, các ngành chức năng, các địa phương sẽ tiếp tục tăng cường công tác này trong những tháng còn lại của năm, với quyết tâm không để xảy ra tai nạn giao thông (TNGT) đối với lứa tuổi học sinh.

Ô tô lưu thông giờ cấm gây mất an toàn trước cổng trường

Theo phản ánh của một số người dân Khóm 1, thị trấn Ðầm Dơi, huyện Ðầm Dơi, hiện nay, tuyến đường Thái Thanh Hoà xuất hiện tình trạng nhiều ô tô, trong đó có cả ô tô tải lưu thông vào giờ cấm. Ðiều này đã gây ra tình trạng lộn xộn, mất an toàn giao thông (ATGT) tại khu vực, nhất là vào giờ cao điểm, phụ huynh đưa đón học sinh tan học tại điểm Trường Tiểu học Ngô Bình An.

Tăng cường công tác bảo vệ an toàn thực phẩm

Từ đầu năm đến nay, Đội thanh tra chuyên ngành nông nghiệp phối hợp với các ngành chức năng thanh kiểm tra phát hiện 201 vụ vi phạm trong các lĩnh vực kiểm soát giết mổ và kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; an toàn thực phẩm thuỷ sản và chống đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu thuỷ sản, kinh doanh mua bán vật tư nông nghiệp, thuốc, thuỷ sản…, tịch thu tang vật và xử lý thu nộp ngân sách gần 3 tỷ đồng.

Khởi tố 8 bị can liên quan vụ vận chuyển, che giấu 9 thiết bị VMS

Ngày 6/11, Cơ quan CSĐT Công an huyện Ngọc Hiển khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam tất cả 8 đối tượng liên quan đến vụ việc vận chuyển, che giấu 9 thiết bị giám sát hành trình tàu cá VMS trên tàu cá CM-08710-TS được ngành chức năng phát hiện vừa qua.

"Siết chặt tay" quản lý hoạt động thương mại điện tử

Thương mại điện tử (TMĐT) đã và đang trở thành xu hướng tất yếu trong hoạt động kinh doanh mua bán trong thời đại công nghệ số. Tuy nhiên, để quản lý chặt chẻ hoạt động này trên môi trường điện tử đòi hòi sự phối hợp, chung tay của nhiều ngành, đơn vị, để góp phần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng trên môi trường mạng.

Đang chấp hành hình phạt chung thân lại tiếp tục phạm tội

Sáng 6/11/2024, Toà án Nhân dân tỉnh Cà Mau xét xử công khai vụ án hình sự sơ thẩm đối với bị cáo Hồ Phú Giang, bị Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Cà Mau truy tố về tội “cố ý gây thương tích” theo Điểm c, d, Khoản 2, Điều 134 Bộ luật Hình sự.

Phát hiện tàu vận chuyển dầu “khủng” trái phép trên biển

Một số lượng dầu DO lên đến khoảng 700.000 lít vận chuyển trái phép trên vùng biển Tây Nam vừa được lực lượng thuộc Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 bắt giữ.