(CMO) Không ai biết trước được em bé lớn lên sẽ mắc bệnh gì. Khoa học đã chứng minh, trong dây rốn của trẻ sơ sinh có các tế bào gốc có thể chữa được nhiều bệnh và thương tật hiểm nghèo. Ðây là kho tế bào gốc diệu kỳ và quý giá, giúp bảo vệ sức khoẻ tương lai của trẻ ngay từ giai đoạn sơ sinh.
Tế bào gốc là tế bào còn non của trẻ, có khả năng tự thay mới, biệt hoá thành nhiều loại tế bào khác để thay thế cho các tế bào bị mất đi do già và chết tự nhiên hay do chấn thương vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Quá trình liền vết thương và phục hồi các thoái hoá, tổn thương của các mô, cơ quan trong cơ thể có nhiều cơ chế phức tạp nhưng kết quả cuối cùng là tái lập các mô đã bị thoái hoá, tổn thương. Chính các tế bào gốc là lực lượng dự trữ được huy động để tái tạo các tế bào bị tổn thương đó. Vì thế, điều trị bằng tế bào gốc chính là để bổ sung nguồn tế bào non trẻ, có thể tạo ra các loại tế bào mới, mô mới bổ sung. Các tế bào gốc có thể lấy ra từ phôi, thai, dịch ối, dây rốn, nhau thai, các mô khác nhau của người sau sinh cho đến người trưởng thành, nhưng tế bào gốc lấy từ dây rốn mang nhiều ưu điểm nhất.
Bác sĩ Chuyên khoa I Nguyễn Thanh Thuý, Phó trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau, cho biết: “Thu hoạch dây rốn để tách tế bào gốc không gây ảnh hưởng gì đến sức khoẻ mẹ và bé, vì dây rốn được lấy ở thời điểm sau sinh, khi đã “mẹ tròn con vuông”, thu giữ các loại tế bào gốc dây rốn không liên quan đến phôi, thai nên không lo ngại về vấn đề đạo đức. Ðặc biệt, các tế bào gốc từ dây rốn có các ưu điểm về phương diện miễn dịch nên dễ được cơ thể khác chấp nhận. Khi dùng tế bào gốc của trẻ này để điều trị cho người khác thì các tế bào này dễ được cơ thể tiếp nhận hơn và giảm được đào thải tế bào lạ với cơ thể mới đó”.
![]() |
Bác sĩ Chuyên khoa I Nguyễn Thanh Thuý, Phó trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau tư vấn cho sản phụ về lợi ích của việc lưu trữ tế bào gốc. |
Tế bào gốc “tạo máu” được phân lập từ máu dây rốn được ứng dụng điều trị hàng loạt bệnh lý thiếu máu và bệnh lý ác tính cơ quan tạo máu như điều trị bệnh lơ-xê-mi và u lympho; điều trị các rối loạn máu bẩm sinh bao gồm thiếu máu bất sản, beta-thalassemia, hội chứng Blackfan-Diamond, thiếu máu hồng cầu liềm...
Tế bào gốc máu dây rốn đã được dùng để điều trị trên 70 bệnh khác nhau thuộc 3 nhóm bệnh chính. Nhóm thứ nhất chiếm đa số là các bệnh ung thư máu thuộc các dòng tế bào bạch cầu hay u lympho; tiếp theo là các bệnh di truyền (của hồng cầu, của hệ thống miễn dịch và các bệnh về rối loạn chuyển hoá); và thứ ba là các bệnh lý không ung thư cũng không do di truyền như suy tuỷ, thiếu máu nặng ...
Bác sĩ Chuyên khoa I Nguyễn Việt Trí, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau, thông tin: “Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau đã hợp tác với các ngân hàng tế bào gốc để triển khai đưa dịch vụ lưu giữ tế bào gốc dây rốn đến với các sản phụ tại Cà Mau, với các gói dịch vụ khác nhau chỉ từ 15 triệu đồng với thời hạn lưu trữ tuỳ chọn từ 1-25 năm. Các bác sĩ của bệnh viện được đào tạo đầy đủ về kỹ thuật lấy máu dây rốn để thu được mẫu với tiêu chuẩn chất lượng cao nhất”. Ðây là cơ hội vàng để các gia đình chuẩn bị những bước đệm quan trọng trong hành trình sức khoẻ tương lai của con trẻ./.
Thảo Linh