(CMO) Đến nay, huyện Năm Căn đã chọn một số hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đăng ký tham gia thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP), với các sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng ở địa phương. Công tác truyền thông, quảng bá sản phẩm được địa phương đặc biệt quan tâm chú trọng, xem đây là yếu tố quan trọng hướng tới thành công của chương trình.
Theo đó, để chương trình thực sự đi vào đời sống và được sự hưởng ứng, đăng ký tham gia tích cực của các tổ chức, cá nhân, UBND huyện Năm Căn đã xây dựng kế hoạch truyền thông tuyên truyền Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các cuộc hội nghị, hội thảo, đối thoại, toạ đàm và các hoạt động văn hoá, nghệ thuật. Đồng thời, cấp phát 7.500 tờ rơi tuyên truyền, phổ biến về Chương trình OCOP
Việc phát triển các ngành hàng chủ lực được lựa chọn đưa vào kế hoạch thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn. Đồng thời, củng cố và phát triển các ngành nghề truyền thống của địa phương, nhằm tạo thêm động lực để phát triển kinh tế khu vực nông thôn, góp phần thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Hiện nay, huyện Năm Căn đã chọn 6 hợp tác xã, 1 doanh nghiệp và 1 cơ sở sản xuất - kinh doanh, đồng thời đề xuất thêm 3 cơ sở (gồm 2 công ty và 1 hợp tác xã) đăng ký tham gia thực hiện chương trình OCOP. Trong đó, ngành hàng thuỷ sản, sản phẩm chế biến là tôm khô, cá khô, chả cá đông lạnh, cua biển, bánh phồng tôm và hàng thủ công mỹ nghệ là đũa đước. Đây là những sản phẩm, ngành hàng thế mạnh và các cơ sở sản xuất - kinh doanh có tiềm năng tham gia thực hiện chương trình, đáp ứng được khả năng hợp tác, liên kết sản xuất và gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Bánh phồng tôm - làng nghề truyền thống xã Hàng Vịnh hàng năm cung cấp cho thị trường trên 100 tấn bánh thương phẩm. |
Chủ tịch UBND huyện Năm Căn Tô Hoài Phương kiến nghị các ngành chức năng tỉnh liên kết phối hợp nghiên cứu tìm đầu ra sản phẩm. “Nếu chúng ta vận động tuyên truyền sản xuất với quy mô lớn thì phải đầu tư nguồn vốn lớn, đảm bảo đầu ra sản phẩm cho người dân. Cụ thể như, mặt hàng cua ở huyện Năm Căn do ảnh hưởng dịch Covid-19, có lúc giá chỉ bằng 1/3 so với trước Tết Nguyên đán. Riêng mặt hàng này thấy người dân bất an”, ông Phương nêu dẫn chứng.
Với trách nhiệm địa phương, ông Tô Hoài Phương cho biết, thời gian tới huyện sẽ lựa chọn các mặt hàng chủ lực (từ 4-5 sản phẩm) trực tiếp đăng ký với một số cửa hàng lớn tại Cà Mau để bàn bạc hoàn thiện về bao bì, mẫu mã, chất lượng cũng như số lượng, tìm đầu ra ổn định. Bên cạnh đó, các ngành chức năng tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Cà Mau ưu tiên chính sách vay vốn đối với các sản phẩm nằm trong Chương trình OCOP. Song song đó, đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá sản phẩm với nhiều hình thức đa dạng, phong phú.
“Ngành chức năng tỉnh hỗ trợ đăng ký quầy hàng trưng bày và in ấn các tập gấp tuyên truyền tại các nhà hàng, khách sạn, cảng hàng không, sân bay, bến xe…nhằm giới thiệu rộng rãi sản phẩm đặc trưng của địa phương đến du khách trong và ngoài nước. Đồng thời, dành khoản kinh phí cho các cơ quan truyền thông để thực hiện các chương trình chuyên sâu cộng tác với các kênh truyền thông trong khu vực và cả nước. Làm được như vậy thì công tác quảng bá sẽ đạt hiệu quả cao hơn”, ông Tô Hoài Phương đề xuất.
Chương trình OCOP được triển khai thực hiện thường xuyên, liên tục, do vậy, huyện Năm Căn xác định công tác thông tin truyền thông, tuyên truyền, vận động là nhiệm vụ chính trị của từng ngành, từng địa phương và phải được thực hiện xuyên suốt, liên tục bằng nhiều hình thức khác nhau, nhưng phải đảm bảo tính thiết thực, tránh hình thức, gây lãng phí nguồn lực. Mặc dù Chương trình OCOP còn khá mới mẻ, nhưng với sự quan tâm chỉ đạo kỳ quyết của cấp uỷ, chính quyền huyện Năm Căn, tin rằng sẽ mang đến thành công trong tương lai./.
Văn Tưởng