ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 27-9-24 11:10:41
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Mùa mưu sinh của học sinh nghèo

Báo Cà Mau (CMO) Mùa hè có lẽ là thời gian được mong đợi nhất đối với hầu hết học sinh, bởi các em có dịp được vui chơi thoả thích bên gia đình, bạn bè sau những ngày học tập căng thẳng. Thế nhưng, chỉ còn thời gian ngắn nữa thôi là bước vào năm học mới, nhưng những trẻ em nghèo nông thôn vẫn nhọc nhằn mưu sinh, phụ giúp gia đình.

Trong căn nhà cấp 4 xiêu vẹo của anh Huỳnh Thanh Xuyên ở ấp Mũi Tràm B, xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, 5 người sống chen chúc nhau, nắng thì không đủ che, ngày mưa trên dột, dưới thì ngập.

Trẻ em lượm ve chai dọc bờ biển vào mỗi buổi chiều tại xã Khánh Bình Tây Bắc.

Anh Xuyên cho biết: “Làm được nhiêu tiền để dành lo cho 3 đứa nhỏ, vậy mà còn thiếu trước hụt sau. Bé lớn mới học lớp 2 thôi mà nghỉ hè phải phụ mẹ làm việc nhà, trông em chứ đâu được vui chơi gì. Nhiều lúc thấy nhà người ta nghỉ hè là chở con đi chơi đây đó mà thấy tội nghiệp con mình”.

Em Huỳnh Bảo Năng tuy mới 9 tuổi nhưng rất hiểu chuyện. Khi bé Huỳnh Bảo Băng, con trai út của anh Xuyên khóc đòi mẹ thì Năng tìm mãi mới được một chiếc xe tải đồ chơi nhựa đã cũ để dỗ em. Vừa dỗ em, Năng vừa phải trông chừng đứa em gái nhỏ. Mỗi ngày hè của Năng đều trôi qua như thế.

Mùa hè mưu sinh

Trong cái nắng chói chang của ngày hè, trên những cánh đồng ở các vùng nông thôn, không khó để bắt gặp hình ảnh những đứa trẻ đen đúa đang phụ giúp gia đình những công việc nặng nhọc của nhà nông. Từ giặm lúa, cắt lúa, bắt ốc, nhổ cỏ các em đều có thể làm thành thạo như người lớn.

Hai chị em Ngô Mộng Cầm lom khom ngoài đồng giữa buổi trưa hè nắng nóng.

Từ khi nghỉ hè đến nay, ngày nào em Ngô Mộng Cầm (13 tuổi) ở Ấp 5, xã Khánh Bình Tây Bắc cũng thức dậy từ rất sớm để ra đồng phụ giúp ông bà ngoại. Chị em Cầm không được may mắn như bạn bè cùng trang lứa. 10 năm trước, mẹ Cầm phát bệnh tâm thần, đến nay vẫn chưa khỏi, cha Cầm cũng bỏ mẹ con Cầm mà đi từ đó. Cầm và em trai về sống với ông bà ngoại.

Gia đình ông bà Cầm chẳng dư dả gì, lại phải nuôi thêm 3 mẹ con Cầm, bao nhiêu tiền kiếm được đều dồn hết vào việc thuốc thang chữa bệnh cho mẹ Cầm. Từ khi học lớp 4, Cầm đã theo ngoại ra đồng để phụ giúp, giờ thì việc cấy lúa đối với em rất dễ dàng. Em Ngô Chí Nguyện, em trai của Cầm cũng lẽo đẽo xách thùng theo sau chị để bắt ốc. Nhìn bóng dáng hai chị em Cầm lom khom ngoài đồng giữa buổi trưa hè nắng nóng bỏng rát mà thấy chạnh lòng.

Ở vùng biển nhiều nắng gió và còn lắm khó khăn, trẻ em mưu sinh ngày hè đều nhờ vào biển cả. Các em nhỏ lặn lội chân trần nhặt từng con ốc, lượm từng miếng mủ, mò từng con sò để bán kiếm tiền giúp cha mẹ trang trải cuộc sống.

Khi thuỷ triều rút dần, các em ngâm mình trong nước từ 2 giờ cho đến gần tối. Cái nắng pha cái mặn của biển làm da các em đen nhẻm, nhưng em nào cũng nở nụ cười tươi rói khoe một ngày mình có thể kiếm được đến 50.000 đồng. Chân tay của những đứa trẻ nghèo vùng biển đều bị trầy xước, rỉ máu vì tiếp xúc quá nhiều với nước, với những cạnh sắc nhọn của các sinh vật biển, nhưng vì mưu sinh các em quên hết đau đớn.

Em Phạm Như Ý cắt lưới mướn cho bà con trong xóm để kiếm thêm tiền phụ giúp gia đình.

Em Phạm Như Ý (13 tuổi) ở ấp Mũi Tràm B, xã Khánh Bình Tây Bắc, vừa lom khom lượm mủ ở bờ biển, vừa tâm sự: “Nghỉ hè em không đến trường nên có thời gian làm việc giúp gia đình nhiều hơn. Em cũng muốn đi chơi, nhưng phải làm để kiếm tiền phụ mẹ nuôi các em, rồi mua sách vở, đồng phục, đóng học phí... chuẩn bị cho năm học mới nữa. Dù làm không được nhiều tiền nhưng có còn đỡ hơn không”.

Vào những ngày biển lặng, em Lê Thanh Tiền (ấp Mũi Tràm B, xã Khánh Bình Tây Bắc) theo cha ra biển đánh cá, chiều tối lại về. Những khi biển động, tàu không thể ra khơi thì Tiền ở nhà giúp mẹ, đến chiều thì ra biển mò sò, lượm mủ. Tiền khoe: “Em mới mò có chút mà đã gần đầy thùng rồi nè, mò thêm chút nữa về bán là có tiền dành dụm mua sách vở, quần áo mới”.

Những ước mơ bình dị

Tiếp xúc với các em mới thấy trẻ ở đây có những ước mơ rất giản đơn. Nhưng chúng chỉ loé lên trong đầu trẻ, rồi vội tắt đi vì… cuộc sống gia đình quá khó khăn. Như trường hợp của Như Ý, em lớn lên trong gia đình khó khăn nên từ hồi còn rất nhỏ, em đã phải phụ giúp việc nhà và tự kiếm tiền để mẹ mua sách vở, sắm quần áo đẹp, đóng học phí… cho năm học mới. Khi được hỏi về ước muốn của mình, Ý bẽn lẽn trả lời: “Có lần xem trên tivi em thấy các bạn cùng trang lứa được gia đình đưa đi du lịch nhiều nơi, em thích lắm, nhưng nhà em nghèo, không đủ điều kiện để thực hiện ước mơ ấy".

Còn Mộng Cầm thì bộc bạch: “Em mong mẹ hết bệnh, ông bà ngoại luôn khoẻ mạnh, sau đó cả gia đình sẽ cùng đi đó đi đây. Trước giờ em chỉ quanh quẩn ở nhà rồi đến trường chứ chẳng biết nơi nào khác nữa”.

Dù có vất vả, nhọc nhằn, dù phải “ngụp lặn” mưu sinh nhưng trên môi các em vẫn nở nụ cười thật đẹp, thật ngây thơ làm người đối diện không khỏi xót xa.

Phó bí thư Xã đoàn Khánh Bình Tây Bắc Lê Hoàng Văn cho hay: “Hè đến chúng tôi luôn tích cực phối hợp với các trường học, các ngành, đoàn thể tạo sân chơi cho các em như: văn nghệ - thể thao, tặng quà, sinh hoạt hè… Tuy nhiên, do điều kiện sân bãi, nguồn kinh phí hạn chế, nhiều trẻ ở xa nên rất khó thu hút, tập hợp các em vào sinh hoạt. Dẫu biết mùa hè của các em thiếu những chuyến du lịch, vui chơi, mua sắm... nhưng bù lại đây là dịp để các em thể hiện lòng hiếu thảo với gia đình”./.

Thảo Nguyên

Liên kết hữu ích

Tuyên dương học sinh trả lại của rơi

Ngày 24/9, UBND huyện U Minh tổ chức buổi trao giấy khen cho học sinh có hành động đẹp nhặt được của rơi trả lại cho người đánh mất, tại Trường THCS Nguyễn Thái Bình, thị trấn U Minh.

An toàn sức khoẻ cho trẻ đến trường

Bệnh tay chân miệng (TCM) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, chưa có vắc-xin phòng ngừa và đối tượng mắc bệnh chủ yếu trẻ em trong độ tuổi đến trường. Ðể bảo vệ an toàn sức khoẻ cho trẻ đến trường trong năm học mới, các trường mầm non trên địa bàn huyện Cái Nước chủ động triển khai các biện pháp phòng bệnh TCM.

50 học sinh, sinh viên tại Cà Mau nhận học bổng The Corea Peace3000

Sáng 22/9, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị phối hợp với đại diện Tổ chức The Corea Peace3000 tại Cà Mau tổ chức triển khai “Chương trình học bổng - The Corea Peace3000”.

Trường Đại học Bình Dương Phân hiệu Cà Mau: Đào tạo hơn 2 ngàn sinh viên

Năm học 2023-2024 đánh dấu chặng đường 27 năm Trường Đại học Bình Dương hình thành và phát triển. Riêng tại Phân hiệu Cà Mau đến nay đã tuyển sinh và đào tạo được 11 khoá học.

Cô bé Trạng nguyên tiếng Anh

Tại Festival Trạng nguyên tiếng Anh toàn quốc năm 2024, do Báo Thiếu Niên Tiền Phong và Nhi Ðồng tổ chức, tại Ðại học Hàng hải Việt Nam, TP Hải Phòng, tỉnh Cà Mau có duy nhất một em đạt danh hiệu "Trạng nguyên tiếng Anh". Ðó là em Vũ Bảo Ngọc, học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học Lê Quý Ðôn (Phường 9, TP Cà Mau).

Trao giải Đại sứ văn hoá đọc năm 2024 cho 34 học sinh

Cuộc thi Đại sứ Văn hoá đọc năm 2024 phát động từ ngày 1/5-10/6/2024, dành cho học sinh của các trường Tiểu học, THCS, THPT và các loại hình giáo dục khác trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Ổn định trường lớp năm học mới

Năm học 2024-2025, huyện Năm Căn có 30 trường học do huyện quản lý, trong đó, mầm non - mẫu giáo 9 trường, tiểu học 11 trường và THCS 9 trường, với tổng số trên 10.500 học sinh, được biên chế thành 337 lớp.

Ðường đò đến trường

Huyện Ngọc Hiển, mảnh đất cực Nam Tổ quốc, là huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Cà Mau. Năm học mới 2024-2025, toàn huyện có trên 11 ngàn học sinh theo học ở 27 trường, với 10 điểm lẻ trên địa bàn.

Quy định mức thu học phí từ năm học 2024-2025

Nghị quyết số 05/2024/NQ-HĐND ngày 11/7/2024 của HĐND tỉnh Cà Mau quy định mức thu học phí từ năm học 2024-2025 bằng mức thu học phí năm học 2021-2022 đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Đảm bảo nguyên tắc tổng số tháng thu học phí không vượt quá 9 tháng/năm học.

Sáp nhập Trường THCS Hiệp Bình và Trường THPT Tân Đức, huyện Đầm Dơi

Ngày 11/9, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cà Mau công bố Quyết định của UBND tỉnh Cà Mau về việc sáp nhập Trường THCS Hiệp Bình và Trường THPT Tân Đức (huyện Đầm Dơi) thành Trường THCS và THPT Tân Đức.