ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 20-9-24 21:52:20
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Mùa dịch

Báo Cà Mau (CMO) Trong cuộc đời mình, ông Năm Hạnh chưa từng chứng kiến trận dịch nào như dịch Covid-19 hiện nay. Các mặt của đời sống đều bị ảnh hưởng và mức độ nguy hiểm thật khó lường.

Chưa có vắc-xin tiêm chủng, chưa có thuốc đặc trị… Vậy thì, chống dịch chỉ còn cách tốt nhất là tránh dịch, không để lây lan mà thôi! Vì vậy, trong mùa dịch, mọi sinh hoạt của một công chức về hưu như ông Năm Hạnh cũng phải thay đổi để phù hợp với điều kiện phòng, chống dịch bệnh. Ban đầu, ông cảm thấy khó chịu một chút, cảm thấy như bị tù túng một chút, nhưng chỉ một thời gian không lâu rồi lại quen, thậm chí ông còn nhận ra nhiều điều hay trong điều kiện mới…

Từ khi về hưu hơn 5 năm trước, ông Năm Hạnh có thói quen bắt đầu một ngày mới bằng buổi đi tập thể dục với mấy ông bạn già trong xóm. Hơn 5 giờ sáng là đã í ới gọi nhau, cùng đi bộ ra công viên rồi đi tiếp mấy vòng trên con đường vòng quanh khu công viên. Tập thể dục xong, kế tiếp là chầu cà phê sáng, người nào cũng quần áo, giầy thể thao đúng điệu, ngồi quán cóc lề đường tán gẫu cho đến khi mặt trời lên chói chang mới về nhà. Không biết chuyện đâu mà đám bạn và ông cứ kể cho nhau nghe từ ngày này qua ngày khác vẫn không hết.

Ông Năm Hạnh đi tập thể dục về thì vợ ông ở nhà cũng bắt đầu lo bữa ăn sáng cho ông. Rồi tiếp đến, bà cặm cụi lo bữa cơm trưa, còn ông thì có khi ra khoảnh đất mấy chục mét vuông phía sau nhà mà ông tự gọi là mảnh vườn nhỏ, nhổ cỏ, trồng rau, hoặc chăm sóc mấy cây kiểng trước nhà. Những chuyện lặt vặt đó cũng nhẹ nhàng chiếm hết thời gian của ông trong ngày không hay. Thỉnh thoảng khi bạn bè có món ngon hay đám tiệc, còn rủ rê nhau làm vài chai bia, cũng thấy đời vui và lấp đầy khoảng trống thời gian hàng ngày của ông khi về hưu.

Mới đây, khi đợt dịch thứ hai bùng phát trở lại, ông và bạn ông đã có nhiều kinh nghiệm trong việc phòng chống dịch, nên dặn dò với nhau về chuyện phòng dịch rất cụ thể. Gì chứ chuyện giữ cự ly xa, tránh tụ tập nơi đông người, nếu có việc cần ra đường thì phải mang khẩu trang, rửa tay thường xuyên bằng nước khử khuẩn… là mấy ông rành lắm. Hôm rồi có anh bạn đi du lịch Đà Nẵng về, tuy là về khá lâu trước khi dịch xuất hiện, nhưng khi nghe tin dịch bùng phát ở Đà Nẵng, mọi người cũng khuyên gia đình anh bạn thực hiện các thủ tục khai báo cần thiết theo yêu cầu và tự cách ly một thời gian theo quy định.

Minh hoạ: M.Tấn

Nay thì nhóm đi bộ tập thể dục sáng của ông Năm Hạnh cũng tạm nghỉ một thời gian, chờ mùa dịch đi qua. Tạm gác lại cà phê, quán xá và những trận nhậu bù khú cùng nhau. Thỉnh thoảng bạn bè gọi điện hỏi thăm nhau và thông tin cho nhau tình hình bệnh dịch mà thôi… Cả nhà ông cũng hạn chế ra ngoài nếu không có việc cần thiết. Đây chính là đầu mối làm sinh hoạt của gia đình ông thay đổi. Nhà ông Năm Hạnh chỉ có hai vợ chồng già, thằng con trai đã có gia đình riêng. Ban ngày hai ông bà giữ và chăm sóc thêm hai thằng cháu nội, vì là thời gian nghỉ hè, mà vợ chồng thằng con đều đi làm. Bình thường thì vào mùa đi học, hai thằng nhỏ cũng ít khi được về nội, vì nhà trường và cô giáo lo luôn cả ngày. Mùa hè, nếu như những hôm không đi học thêm thì tụi nhỏ được thảnh thơi nên hàng ngày luôn có mặt ở nhà nội. Năm nay, dịch lại bùng phát đợt hai đúng vào dịp nghỉ hè nên tụi nhỏ không đi học thêm, và cũng chưa ảnh hưởng đến chuyện học hành ở lớp. Cũng may là giữa tháng 7 vừa qua, vừa nghỉ hè là hai đứa được ba mẹ cho đi chơi miền biển mấy ngày, coi như được một chuyến du lịch trong mùa hè. Giờ thì mỗi ngày, ông bà và cháu quanh quẩn với nhau trong nhà.

Mỗi sáng sớm, ông dậy pha cà phê rồi cùng bà ngồi uống, trò chuyện bao nhiêu chuyện trên đời. Những chuyện cũ, những kỷ niệm của hai ông bà từ thời tuổi trẻ được sống lại với cả niềm vui, nỗi buồn. Những vất vả, khó khăn của cuộc sống vợ chồng mấy mươi năm ông bà đã vượt qua để được như ngày hôm nay nhàn nhã lúc tuổi già, không còn lo chuyện áo cơm. Đó là những khoảnh khắc của cuộc sống hàng ngày mà trước đây hai ông bà ít khi có được. Hơn lúc nào hết, ông Năm Hạnh cảm nhận được niềm hạnh phúc và cuộc sống bình yên tuổi già của hai vợ chồng ông. Đơn giản mà quý giá vô cùng !

Hai thằng cháu nội ông thì những ngày nghỉ hè năm nay vì đang mùa dịch nên không phải đi học thêm. Ông biết hầu hết tụi nhỏ đứa nào cũng mê cái điện thoại smartphone hoặc là cái máy tính bảng. Ông chuẩn bị kế hoạch để “cách ly” tụi nhỏ với thứ này bằng các loại sách thiếu nhi mà ngày trước, thế hệ con ông cũng mê không kém cái smartphone đối với cháu ông bây giờ. Thế là ông soạn lại hàng trăm tập Doraemon, Conan mà con trai ông ngày xưa đã đọc và ông còn cất giữ không thiếu quyển nào. Rồi ông còn đi thư viện mượn mấy quyển sách khoa học viễn tưởng và phiêu lưu của thiếu nhi có sức hấp dẫn về phục vụ tụi nhỏ, như bộ “Hai vạn dặm dưới đáy biển”, “Hai năm trên hoang đảo”, “Chuyến du hành vào lòng đất”, “Hòn đảo bí mật”, “Đảo giấu vàng”… Ông cũng chuẩn bị một số sách cho ông và bà nữa. Nhiều quyển sách hay mà ông đã đọc từ lâu rồi, giờ có dịp đọc lại vẫn thấy hay vô cùng! Nhờ vậy mà ông Năm Hạnh cai được chứng bệnh ghiện game của cháu ông, và thời gian mỗi ngày của ông trong mùa dịch không dài và gây chán. Ông rất vui khi thỉnh thoảng, hai đứa cháu bàn nhau lên kế hoạch để xin ba mẹ nó ngủ lại nhà nội một đêm. Nhất là những hôm trời mưa. Khỏi phải nói là những đêm ấy, hai thằng cháu mặc sức “quậy” ông nội!

Bà vợ ông Năm Hạnh cũng ít khi đi chợ trong mùa dịch. Chợ phường cũng gần nhà, nhưng bà cũng như ông đều hiểu tốt nhất là làm sao hạn chế ra ngoài, nên thường mỗi lần đi chợ là bà mua thức ăn dự trữ cho vài ngày. Buổi sáng, sau khi uống cà phê sáng cùng vợ, ông nhận việc rửa ly tách và thu dọn. Những hôm bà vợ đi chợ về, ông thường vào bếp cùng bà, phụ những việc lặt vặt. Có khi là lặt rửa rau, củ quả, có khi giúp bà làm chuyện này, chuyện nọ. Ông lại thấy yêu thương hơn người vợ đã một đời thầm lặng, chịu thương chịu khó bên ông, một mực lo cho gia đình. Hai thằng cháu thì đọc sách hoặc cùng chơi với nhau. Mảnh vườn nhỏ và mấy chậu kiểng của ông do ông có nhiều thời gian chăm sóc hơn trước nên xanh mượt vô cùng!

Độ này ông Năm Hạnh để ý, thường mỗi đêm trước khi đi ngủ, vợ ông hay hỏi ông là sáng mai ông thích ăn gì, trưa ông muốn ăn món gì? Ông hiểu là vợ ông đã thầm gửi theo câu hỏi ấy cả niềm thương yêu, sự chăm sóc khi quan tâm đến từng bữa ăn cho ông. Thật ra thì ông ăn uống rất dễ, mùa dịch thì ông và bà chỉ ăn sáng ở nhà thôi. Có khi là mì gói, có khi là tô cơm nguội hôm qua còn, sáng hấp lại ăn với cá kho hay khô, có khi bà nấu tô bún gạo hay hủ tiếu với xương.

Chưa buộc phải cách ly trong mùa dịch, nhưng ông Năm Hạnh hiểu là dịch bệnh vẫn còn đang hoành hành, tốt nhất là hạn chế tiếp xúc khi không cần thiết. Ông không thấy buồn khi thời gian mỗi ngày chỉ quanh quẩn ở nhà. Trái lại, chính điều đó còn tạo nên không khí gần gũi, ấm áp cho gia đình ông. Bạn bè ông cũng vậy, ai cũng có cuộc sống tốt và yên lành trong “điều kiện bình thường mới” của mùa dịch./.

Nguyễn Sông Trẹm

Cập nhật các vấn đề thiết yếu trong bệnh lý tim mạch và siêu âm

Chiều 14/9, Phòng khám Đa khoa Thành Lợi phối hợp với Viện Tim mạch TP Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo cập nhật các vấn đề thiết yếu trong bệnh lý tim mạch và siêu âm.

Dinh dưỡng hợp lý để phát triển bền vững

Dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển thể lực, tầm vóc, trí tuệ của mỗi con người, đặc biệt là trẻ em.

Ðiểm sáng công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình

Với sự quan tâm của các cấp uỷ, chính quyền, thời gian qua, Phòng khám Ða khoa khu vực xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình (DS-KHHGÐ), tạo chuyển biến tích cực, nâng cao chất lượng dân số ở địa phương.

Kiểm tra các cơ sở kinh doanh, sản xuất bánh trung thu tại TP Cà Mau

Sáng nay (5/9), theo kế hoạch đã đề ra, Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp Tết Trung thu năm 2024 có buổi kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu trên toàn địa bàn TP Cà Mau.

Nhóm đối tượng dễ mắc bệnh tim mạch

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, số người tử vong do tim mạch hơn cả tử vong do ung thư, COPD và đái tháo đường cộng lại. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 33% ca tử vong và xu hướng ngày càng trẻ hoá.

Chọn lựa và bảo quản thực phẩm đúng cách

Thực phẩm luôn được xem là một trong những thứ thiết yếu đối với đời sống hằng ngày của mọi gia đình. Khi mức sống người dân ngày càng được nâng cao thì nhu cầu về thực phẩm sạch, nhất là đối với những loại thực phẩm tươi sống càng cấp thiết hơn. Tuy nhiên, cách chọn lựa và bảo quản thực phẩm như thế nào vừa để đảm bảo chất lượng dinh dưỡng, vừa an toàn vệ sinh trong quá trình chế biến và sử dụng, đòi hỏi người tiêu dùng cần có những kỹ năng cơ bản.   

Thành lập đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm dịp Tết trung thu 2024

Để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bảo vệ sức khoẻ cho mọi người, Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Cà Mau đã xây dựng kế hoạch triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết trung thu 2024. Nội dung chính của kế hoạch gồm công tác tuyên truyền và công tác kiểm tra.

Bệnh ung thư và gánh nặng tài chính

Ung thư không những là nỗi ám ảnh từ sự đau đớn về thể xác, tinh thần, tuổi thọ của người bệnh mà còn là gánh nặng chi phí điều trị cho gia đình bệnh nhân. Bởi thực tế cho thấy, có rất nhiều loại thuốc đặc trị ung thư không nằm trong danh mục được thanh toán theo chế độ của bảo hiểm y tế hiện nay.

Không để lây lan dịch bệnh trong trường học

Hiện nay, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là các bệnh lây qua đường hô hấp, đường tiêu hoá và các bệnh dù có vắc xin phòng bệnh ở trẻ nhưng có thể quay trở lại. Ðể chủ động kiểm soát các loại dịch bệnh truyền nhiễm có thể lây lan trong trường học và bảo vệ sức khoẻ học sinh, trước khi bước vào năm học mới, Sở Y tế phối hợp với Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Cà Mau triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch.

Nơi ánh đèn không bao giờ tắt

Đó là Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Ða khoa tỉnh, nơi các y, bác sĩ, thiết bị y tế luôn trong trạng thái sẵn sàng, tất cả vì cuộc đua giành lấy sự sống cho bệnh nhân từ tay tử thần.