(CMO) Những tháng cuối năm là thời điểm diễn ra nhiều ngày. Ngoài việc mang lại không khí vui tươi cho người dân nơi đây và du khách là nỗi lo về các dịch vụ phục vụ nhu cầu ăn uống không đảm bảo, tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP).
Khi được hỏi về nỗi lo vệ sinh ATTP, nhiều thực khách tặc lưỡi cho qua. Bạn Lê Kim Ngân, sinh viên Trường Đại học Bình Dương, nói: “Đối với sinh viên tụi em, rẻ, ngon là được. Biết là không đảm bảo vệ sinh cho lắm nhưng lâu lâu tụi em ăn một lần chứ đâu phải ngày nào cũng ăn nên chắc không sao”.
![]() |
Các quầy bán đồ ăn nhanh ở vỉa hè tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. |
Do tính chất thời vụ, lượng khách đông, trong khi điều kiện đảm bảo chế biến, vệ sinh còn nhiều hạn chế nên vấn đề ATTP mùa lễ hội vẫn còn rất nhiều nỗi lo, tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh. Qua công tác kiểm tra đột xuất cùng đoàn kiểm tra của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh tại một số điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống trong khu vực diễn ra lễ hội, được biết, nhiều điểm thuê nhân lực thời vụ, chưa được tập huấn kiến thức ATTP, chưa được khám sức khoẻ...
Bên cạnh những điểm kinh doanh ăn uống đã có đăng ký với chính quyền địa phương, được kiểm tra, vẫn còn tồn tại nhiều hàng quán tự phát, kinh doanh các loại thực phẩm ăn nhanh như chân gà nướng, vịt nướng, cá viên chiên, bánh mì, các loại trái cây gọt sẵn... phục vụ nhu cầu của người dân và du khách chưa được kiểm soát hết.
Tuy đã có thay đổi theo hướng tích cực, nhưng theo ghi nhận tại một số lễ hội trước đó, công tác bảo đảm ATTP vẫn còn tồn tại như: Khu vực Phường 8, Công viên Hồng Bàng (Phường 5), Quảng trường (Phường 9), tình trạng bán thực phẩm chín lẫn với sống, nhếch nhác dọc hai bên đường nằm sát ngay đường giao thông, lượng người đi lại đông đúc, bụi bẩn, song nhiều loại thức ăn được chế biến sẵn hoặc chế biến tại chỗ không có kính tủ bảo quản, che đậy, người chế biến không đeo găng tay....
Nhiều điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống tại đây chưa đăng ký kinh doanh, chưa có chứng nhận đủ điều kiện ATTP như không có tủ kính, không đeo găng tay, người bán hàng chưa khám sức khoẻ, chưa được tập huấn kiến thức ATTP... Một số thực khách không có ý thức, xả rác khu vực xung quanh, gây mất vệ sinh, mất mỹ quan; Các quán ăn thường được dựng đơn giản, tạm bợ, thiếu nước sạch...
Ông Trần Bé Ngoan, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, cho biết, nhằm nỗ lực ngăn ngừa không để xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm trong mùa lễ, Tết năm nay, Chi cục đã tổ chức các đoàn phối hợp với các phòng, trung tâm y tế địa phương kiểm tra, kết hợp hướng dẫn, tuyên truyền các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm phục vụ lễ hội đảm bảo các điều kiện ATTP. Trong đó, tập trung kiểm tra, giám sát các cơ sở cung cấp thực phẩm, chế biến phục vụ ăn uống, kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, nguồn nước, dụng cụ, trang thiết bị, lưu mẫu thức ăn, điều kiện vệ sinh của nhân viên phục vụ... Bên cạnh đó, các đoàn cũng tổ chức lấy mẫu để kiểm tra, phân tích các yếu tố nguy cơ gây bệnh đường tiêu hoá, ngộ độc thực phẩm.
Thiết nghĩ, để bảo đảm vệ sinh ATTP cho thức ăn đường phố, bảo đảm sức khoẻ cho cộng đồng, quan trọng nhất là ý thức tự giác, trách nhiệm và có đạo đức của mỗi người sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Cùng với đó, người tiêu dùng cần là người thông thái, tự trang bị cho mình và người thân những kiến thức vệ sinh ATTP, nói không với những quán ăn đường phố không đảm bảo các điều kiện vệ sinh. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần quan tâm hơn nữa đến công tác quản lý cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Đồng thời, nâng cao ý thức người tiêu dùng trong việc lựa chọn các cơ sở uy tín; Thông báo cho cơ quan chức năng các cơ sở, đơn vị kinh doanh có dấu hiệu buôn bán, kinh doanh hàng hoá, chế biến sản phẩm kém chất lượng, tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra./.
Mỹ Mỹ