(CMO) Mua sắm tập trung là chìa khoá quan trọng trong tiết kiệm chi tiêu công, nhằm kiểm soát tình trạng mua sắm vượt tiêu chuẩn, định mức, là biện pháp hiệu quả trong phòng chống tham nhũng, lãng phí... Những năm qua, việc thực hiện các gói thầu mua sắm tập trung do Trung tâm Dịch vụ tài chính công, Sở Tài chính Cà Mau thực hiện phần lớn đáp ứng nhu cầu sử dụng của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, đảm bảo sử dụng tài sản công đúng quy định của pháp luật, từ năm 2017-2020 đã tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước gần 12 tỷ đồng.
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ tài chính công, Sở Tài chính tỉnh Cà Mau Nguyễn Quốc Nhã cho biết, thời gian qua, trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ mua sắm tập trung, đơn vị mua sắm tập trung luôn được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Ban giám đốc sở, sự phối hợp của các phòng chuyên môn thuộc sở, cùng sự nỗ lực của tập thể trung tâm đã cơ bản đạt theo yêu cầu của các cơ quan, đơn vị sử dụng, hàng năm đều tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước. Đồng thời, thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi góp phần đảm bảo tính công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho nhiều nhà thầu cung cấp tài sản, hàng hoá tham gia; cơ chế công khai, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm được quy định chặt chẽ; từ đó góp phần vào việc phòng, chống tham nhũng trong mua sắm tài sản Nhà nước. Bên cạnh đó, mua sắm tập trung góp phần đảm bảo việc quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước chặt chẽ, đúng pháp luật, không còn tình trạng trang bị tài sản vượt tiêu chuẩn, định mức do Nhà nước quy định, không hiệu quả.
Việc mua sắm tập trung mỗi năm đều tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước hàng tỷ đồng. |
Phát biểu tại hội nghị đánh giá công tác mua sắm tài sản công theo phương thức tập trung vừa qua, đại diện một số cơ quan, đơn vị cho rằng, việc tổ chức mua sắm tập trung là cần thiết, tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước, giảm đầu mối mua sắm, kiểm soát được giá cả hàng hoá, thiết bị đồng bộ cho đơn vị sử dụng và thống nhất giao Trung tâm Dịch vụ tài chính công tiếp tục thực hiện mua sắm.
Tuy nhiên, theo Phó chủ tịch UBND huyện Phú Tân Nguyễn Văn Sơn, tiến độ thực hiện mua sắm tập trung còn chậm, chế độ bảo trì, bảo hành của nhà thầu chưa đảm bảo, cấu hình hàng hoá chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng của đơn vị. Ông Sơn đề nghị nên tổ chức mua sắm nhiều lần trong năm nhằm đảm bảo các thiết bị hư hỏng kịp thời thay thế.
Vấn đề này được ông Nguyễn Quốc Nhã cho biết, hiện nay, đơn vị mua sắm tập trung gặp không ít khó khăn trong quá trình thực hiện các gói thầu mua sắm tập trung, như quá trình tổng hợp nhu cầu đăng ký mua sắm tập trung, quy định tại Khoản 1, Điều 74, Nghị định 151/2017 và Khoản 2, Điều 7, Quyết định số 19/2020/QĐ-UBND của UBND tỉnh quy định thời gian lập văn bản đăng ký mua sắm tập trung gửi đơn vị mua sắm tập trung trước ngày 31/1 hàng năm. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Nhã, còn một số cơ quan, đơn vị đăng ký chậm trễ, chưa đầy đủ phải bổ sung nhiều lần, do đó đơn vị mua sắm tập trung phải trình Sở Tài chính xin ý kiến UBND tỉnh gia hạn thời gian đăng ký mua sắm tập trung dẫn đến kéo dài thời gian tiếp nhận tài sản đưa vào sử dụng.
Song song đó, do mỗi cơ quan, đơn vị có nhu cầu mua sắm khác nhau (về nhãn hiệu, thông số kỹ thuật, đơn giá…), ví dụ mặt hàng máy tính cùng nhãn hiệu, thông số kỹ thuật nhưng lại có sự chênh lệch về giá, có đơn vị xây dựng 13-14 triệu đồng, có đơn vị xây dựng 9-10 triệu đồng. Do đó, có phần khó khăn, mất nhiều thời gian, đơn vị mua sắm tập trung phải phân tích chi tiết các chủng loại hàng hoá, nhóm hàng hoá thành từng mức giá. Từ đó, chi tiết ra các thông số, cấu hình, các mức giá để quy về mặt bằng chung đối với những hàng hoá đồng mức giá và cùng tiêu chuẩn kỹ thuật.
Việc bảo trì, bảo hành của nhà thầu được đơn vị mua sắm tập trung quy định cụ thể tại nội dung thoả thuận khung. Các đơn vị căn cứ nội dung thoả thuận khung ký hợp đồng mua sắm tài sản với nhà thầu cung cấp tài sản theo quy định tại Điều 77, 78, Nghị định số 151/2017. Trong đó, quy định cụ thể các nội dung về quyền và nghĩa vụ của các bên (quyền và nghĩa vụ bảo hành, bảo trì tài sản; quyền và nghĩa vụ đào tạo, hướng dẫn sử dụng tài sản (nếu có); quyền và nghĩa vụ khác) và chế độ xử phạt do vi phạm hợp đồng được quy định tại Điều 5, Điều 6 của Mẫu số 05a/TSC-MSTT, các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản tiến hành hoàn thiện nội dung hợp đồng, đảm bảo đầy đủ, cụ thể trong việc bảo hành, bảo trì tài sản, hình thức xử lý cụ thể trong trường hợp nhà thầu trúng thầu vi phạm hợp đồng nhằm đảm bảo quyền lợi của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản.
Ngày 21/12, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Công văn số 7324/UBND-KT đề nghị thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố quán triệt, chỉ đạo thực hiện các đề xuất, kiến nghị của Sở Tài chính về việc cần nghiên cứu rõ hơn các văn bản như Nghị định số 151/2017 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Quyết định số 19/2020/QĐ-UBND ngày 2/10/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau quy định về mua sắm tài sản công theo phương thức tập trung trên địa bàn tỉnh Cà Mau để phối hợp tốt hơn trong việc mua sắm tài sản công theo phương thức tập trung.
Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Cà Mau Đoàn Quốc Khởi cho biết, Ban Giám đốc sở và lãnh đạo các phòng chuyên môn sẽ xem xét về hiệu quả trong công tác mua sắm tập trung, từ đó đưa ra những giải pháp giúp việc thực hiện mua sắm tập trung vừa tiết kiệm ngân sách, vừa đáp ứng nhu cầu sử dụng thiết bị của các đơn vị.
Theo đó, ông Đoàn Quốc Khởi đề nghị Thanh tra tỉnh khi thanh tra quá trình mua sắm, sử dụng tài sản của các đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản cần thanh tra toàn diện để tăng cường công tác quản lý và sử dụng tài sản công đạt hiệu quả./.
Phúc Duy