ĐT: 0939.923988
Thứ sáu, 22-11-24 15:10:44
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nạn nhân tai nạn giao thông khó nhận được tiền bồi thường

Báo Cà Mau (CMO) Rất nhiều vụ tai nạn, va chạm giao thông xảy ra sau khi được xác minh, xử lý, bị hại không nhận được tiền bồi thường như phán quyết hoặc thoả thuận.

Tai nạn, va chạm giao thông đã và đang diễn biến phức tạp, mọi người cần trang bị cho mình những kiến thức pháp luật cần thiết nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân.(Ảnh minh hoạ)

Không đủ điều kiện thi hành án

Vào khoảng 22 giờ ngày 11/12/2018, Trần Trọng Nhân (sinh năm 2001, ngụ Khóm 4, phường Tân Xuyên, TP Cà Mau) điều khiển xe mô-tô mang biển kiểm soát 69B1-347.44 đi từ hướng cầu Phan Ngọc Hiển về Trung tâm hội nghị tỉnh. Ðến đường Lê Duẩn, Nhân chạy theo đường phân cách trước Trung tâm hội nghị, sau đó rẽ trái để về đường Phan Ngọc Hiển. Khi Nhân cho xe chuyển hướng thì va vào xe mô-tô mang biển kiểm soát 69F3-1213 do Nguyễn Duy Thế (sinh năm 1963, ngụ Khóm 6, Phường 9, TP Cà Mau) điều khiển chở Nguyễn Phước Ph (sinh năm 1951, tạm trú tại Phường 9) đi từ hướng Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh về hướng Khu dân cư Minh Thắng.

Tại phiên toà xét xử từ sơ thẩm đến phúc thẩm, Hội đồng xét xử đều nhận định hành vi của bị cáo Nhân điều khiển xe mô-tô khi chưa có giấy phép lái xe là không đúng quy định, đã trực tiếp xâm phạm đến sự an toàn và hoạt động bình thường của người và các phương tiện lưu thông đường bộ. Ðây cũng là nguyên nhân dẫn đến cái chết của ông Ph và làm thương tật 20% cho ông Thế.

Bản án có hiệu lực từ tháng 6/2020, hồ sơ vụ việc cũng được chuyển qua cơ quan Thi hành án (THA) dân sự TP Cà Mau. Tuy nhiên, số tiền bồi thường 50 triệu đồng cho bị hại là ông Thế đến nay vẫn chưa thi hành được. Nguyên nhân được cơ quan thi hành án đưa ra là do gia cảnh của người vi phạm không có khả năng THA. Vụ việc được xếp vào nhóm hồ sơ không đủ điều kiện thi hành.

Thông tin từ các cơ quan tư pháp trên địa bàn, thời gian qua tiếp nhận khá nhiều vụ việc liên quan đến tai nạn giao thông. Việc xử lý cũng gặp không ít khó khăn, từ đó dẫn đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại chưa thật sự được đảm bảo. Ðơn cử như trong hệ thống toà án, một thực trạng diễn ra là tai nạn xảy ra, người gây tai nạn có địa chỉ ngoài tỉnh, việc thông báo, triệu tập cũng mất khá nhiều thời gian. Chưa kể đến trong quá trình xét xử bị hại lại không cung cấp đủ chứng cứ, tài liệu hợp pháp nên trách nhiệm dân sự chưa được rõ ràng để yêu cầu bồi thường.

Khi bản án có hiệu lực, việc THA cũng là vấn đề khó khăn. Có nhiều trường hợp người vi phạm không đủ năng lực tài chính như sự vụ nêu trên, nên cơ quan THA không thể thực hiện thi hành bản án.

Rủi ro từ việc tự thoả thuận

Một vấn đề đáng quan tâm hiện nay, đối với các vụ tai nạn giao thông mức độ không nghiêm trọng hay va chạm giao thông, bị hại và người vi phạm đa phần tự thoả thuận là chính. Việc trang bị cho mình những kiến thức pháp luật cần thiết để có thể tự bảo vệ bản thân còn hạn chế, nên rất nhiều quyền và lợi ích hợp pháp không được đảm bảo khi tai nạn, va chạm giao thông xảy ra.

Ở trọ, làm công nhân cho 1 công ty thuỷ sản đóng trên địa bàn TP Cà Mau, thu nhập không cao, nuôi con nhỏ, chị Phan Kiều Nhi (37 tuổi, tạm trú tại Phường 6, TP Cà Mau) lại phải gánh thêm khoản tiền điều trị hơn 30 triệu đồng từ một vụ tai nạn giao thông.

Tai nạn xảy ra, tỷ lệ thương tật không đủ để truy cứu trách nhiệm hình sự nên sự việc được giải quyết ở mức độ thoả thuận của các bên. Theo lời chị Nhi, sau đó không lâu, ngành chức năng địa phương có mời gia đình chị và bên gây tai nạn làm việc để làm trung gian thoả thuận giữa các bên. Phía người gây tai nạn cũng hứa sẽ chịu toàn bộ chi phí điều trị cho chị.

“Tuy nhiên, nhiều tháng trôi qua, tôi không nhận được một khoản tiền bồi thường nào từ người gây tai nạn. Sau khi ra viện, tôi phải điều trị tại nhà hơn 2 tháng trời, cuộc sống cứ trông chờ vào tiền hàng ngày đi làm thuê của chồng”, chị Nhi cho biết.

Cũng giống như hoàn cảnh của chị Nhi, ông Nguyễn Văn Liểng (Ấp 2, xã Thới Bình, huyện Thới Bình) 2 năm trước bị chấn thương vùng mặt do tai nạn giao thông, điều trị tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP Hồ Chí Minh với tổng chi phí hơn 40 triệu đồng. Theo lời kể của ông Liểng, khi tai nạn xảy ra, 2 bên có thoả thuận về chi phí bồi thường thiệt hại. Lúc đầu, phía người gây tai nạn đưa trước 5 triệu đồng, nhưng kể từ đó đến nay, gia đình ông không nhận được thêm một khoản bồi thường nào khác.

Luật sư Bùi Quốc Tuấn, Ðoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho biết, khi tai nạn xảy ra, bị hại có thể làm đơn khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại ra toà án, đồng thời cung cấp các chứng cứ cho toà án và chứng minh yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp, gồm các chứng cứ chứng minh vụ tai nạn đã xảy ra, nguyên nhân vụ tai nạn, cam kết và thoả thuận bồi thường giữa 2 bên...

Về thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại, Bộ luật Dân sự 2015 quy định là 3 năm kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm./.

 

Văn Ðum

 

Ô tô lưu thông giờ cấm gây mất an toàn trước cổng trường

Theo phản ánh của một số người dân Khóm 1, thị trấn Ðầm Dơi, huyện Ðầm Dơi, hiện nay, tuyến đường Thái Thanh Hoà xuất hiện tình trạng nhiều ô tô, trong đó có cả ô tô tải lưu thông vào giờ cấm. Ðiều này đã gây ra tình trạng lộn xộn, mất an toàn giao thông (ATGT) tại khu vực, nhất là vào giờ cao điểm, phụ huynh đưa đón học sinh tan học tại điểm Trường Tiểu học Ngô Bình An.

Học sinh vi phạm giao thông giảm

Theo đánh giá chung của các cơ quan chức năng, sau hơn 1 tháng cao điểm ra quân xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đối với học sinh, tình hình chấp hành luật giao thông trong học sinh chuyển biến tích cực, nhất là hạn chế tình trạng lỗi vi phạm không đủ điều kiện điều khiển xe máy tham gia giao thông. Từ những kết quả đạt được, các ngành chức năng, các địa phương sẽ tiếp tục tăng cường công tác này trong những tháng còn lại của năm, với quyết tâm không để xảy ra tai nạn giao thông (TNGT) đối với lứa tuổi học sinh.

Không giao xe cho trẻ chưa đủ tuổi

Hiện nay, thực trạng học sinh chưa đủ điều kiện tham gia giao thông diễn ra phổ biến tại các điểm trường trên địa bàn tỉnh. Ðể giải quyết thực trạng này, ngoài sự phối hợp đồng bộ giữa phụ huynh học sinh (PHHS) và nhà trường thì vấn đề quan trọng nhất vẫn là sự giám sát, quản lý chặt con em mình ngay từ gia đình của PHHS, người giám hộ, trong đó có việc không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Chở hàng cồng kềnh, nguy cơ tai nạn

Thời gian gần đây, trên các tuyến lộ từ nông thôn đến thành thị, xuất hiện ngày càng nhiều xe máy, xe tự chế chở hàng hoá, vật dụng có kích thước dài vượt quá quy định, tiềm ẩn nguy cơ gây ra các vụ va quẹt, tai nạn giao thông khó lường.

Tra cứu phạt nguội trước khi đăng kiểm xe cơ giới

Theo Thông tư 30/2023/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải, các phương tiện bị “phạt nguội” (vi phạm giao thông qua hệ thống camera giám sát) chưa thực hiện việc chấp hành xử phạt vi phạm hành chính sẽ không được cấp giấy chứng nhận đăng kiểm. Ðây là một trong những giải pháp nhằm đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ của các chủ phương tiện trước khi đăng kiểm xe. Tuy nhiên, nhiều chủ phương tiện vẫn chưa nắm rõ quy định này, khi đến hạn đăng kiểm, bị từ chối thì mới vỡ lẽ mình vi phạm.

Cao điểm xử lý học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ

Thực hiện tháng cao điểm xử lý vi phạm giao thông (VPGT) đối với học sinh của Cục Cảnh sát giao thông, trong những ngày vừa qua, lực lượng làm nhiệm vụ trên địa bàn tỉnh đã và đang tăng cường nhiều biện pháp quyết liệt xử lý vi phạm đối với đối tượng học sinh tại các điểm trường.

Biển chỉ dẫn giao thông gây… mất an toàn

Ðó là biển chỉ dẫn trước cổng Trường Tiểu học Ðông Hưng 2, ấp Giá Ngự, xã Ðông Hưng.

Siết chặt quản lý vận tải đường bộ

Hiện nay, tổng số xe thuộc các đơn vị đăng ký kinh doanh hoạt động vận chuyển hành khách và hàng hoá trên địa bàn tỉnh là hơn 3.100 xe, gồm xe buýt, xe tuyến cố định, xe taxi, xe hợp đồng, xe trung chuyển và xe tải, xe công-ten-nơ, xe đầu kéo.

Phát động học sinh, sinh viên nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về an toàn giao thông

Sáng 5/10, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Uỷ ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia, Công ty Honda Việt Nam tổ chức lễ phát động trực tuyến với các tỉnh, thành trên cả nước về việc học sinh, sinh viên nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về an toàn giao thông, năm học 2024-2025. Điểm cầu tỉnh Cà Mau được đặt tại Trường THPT Cái Nước (thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước).

Dừng, đỗ xe cần đúng luật và văn minh

Hiện nay, tại các khu vực nội thị TP Cà Mau, các loại phương tiện giao thông đang có xu hướng tăng nhanh, nhất là đối với xe ô tô. Ðiều này đang tạo áp lực lên hạ tầng giao thông, cùng với đó là nhiều vấn đề phát sinh. Trong đó, chuyện đậu, đỗ xe nơi công cộng đã và đang là đề tài nóng, bởi có nhiều chuyện đáng bàn đằng sau vấn đề này.