(CMO) Tính từ năm 2016 đến cuối tháng 7/2019, 100% văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) sau khi được HĐND, UBND tỉnh thống nhất ban hành không có văn bản nào có nội dung trái pháp luật phải huỷ bỏ, hay không đúng trình tự, thủ tục. Từ năm 2016 đến cuối tháng 7/2019, tại các kỳ họp HĐND đã nhất trí thông qua 64/78 nghị quyết, đạt 82%; UBND tỉnh thống nhất ban hành 162/217 quyết định, đạt 75%.
“Thông qua công tác rà soát, các cơ quan, đơn vị kịp thời phát hiện, kiến nghị xử lý các văn bản sai sót về hình thức, nội dung không còn phù hợp để kiến nghị cấp thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định. Đây là sự nỗ lực rất lớn của các cấp uỷ, chính quyền tỉnh trong công tác nâng cao chất lượng ban hành văn bản QPPL”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Trần Hồng Quân thông tin.
Đầu năm 2019, Sở Tư pháp tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh công bố kết quả rà soát, hệ thống hoá văn bản QPPL do HĐND và UBND ban hành nhiệm kỳ 2014-2018, trong đó còn hiệu lực 281 văn bản, 31 văn bản còn hiệu lực một phần; 287 văn bản hết hiệu lực toàn bộ, 31 văn bản hết hiệu lực một phần; 5 văn bản cần sửa đổi, bổ sung; Bãi bỏ 19 văn bản; Thay thế 14 văn bản.
Theo Phó giám đốc Sở Tư pháp Trần Hoàng Lộc, công tác xây dựng và ban hành văn bản QPPL của HĐND, UBND thời gian qua vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế. Nổi bật nhất vẫn là tình trạng nợ đọng và chậm tham mưu trình cấp thẩm quyền ban hành văn bản quy định chi tiết khi Trung ương có giao thẩm quyền. Hạn chế này ảnh hưởng đến công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội do không kịp thời cụ thể hoá để áp dụng những quy định mới hoặc vẫn còn áp dụng những văn bản mà phần căn cứ pháp lý đã hết hiệu lực thi hành. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp thực hiện công tác soạn thảo văn bản còn hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ, vẫn còn tình trạng chỉ sao chép lại văn bản Trung ương.
Thường xuyên củng cố, kiện toàn đội ngũ làm công tác xây dựng văn bản, góp phần tham mưu, xây dựng văn bản đạt chất lượng. |
Theo chia sẻ của Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Huỳnh Thanh Dũng, việc xây dựng, ban hành văn bản QPPL được thực hiện theo 2 quy trình, đánh giá tác động chính sách và soạn thảo văn bản. Đây là quy trình mới hoàn toàn so với trước đây. Do đó, trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản QPPL sở chưa có điều kiện thực hiện đầy đủ quy trình đánh giá tác động của chính sách. Bên cạnh đó, một số nghị định của Chính phủ quy định khung chính sách nhưng do chưa có thông tư hướng dẫn nên địa phương phải chờ, từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến việc ban hành, áp dụng văn bản QPPL của địa phương.
Phó chánh Văn phòng UBND tỉnh Kiều Trung Tín kiến nghị, Bộ Tư pháp cần tổ chức, hướng dẫn phương pháp cũng như cách thức thực hiện đánh giá tác động chính sách. Đồng thời, tham mưu Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh Luật Ban hành văn bản QPPL theo hướng: Nên giao cho cơ quan chủ trì soạn thảo chủ động cân nhắc nội dung và mức độ phức tạp để quyết định thời gian lấy ý kiến phù hợp, nhưng không ngắn hơn 15 ngày.
Cùng với những kiến nghị đối với Bộ Tư pháp, về góc độ địa phương, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Trần Hồng Quân nhấn mạnh, công tác tự kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản QPPL theo lĩnh vực chuyên môn, ngành phụ trách để kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới văn bản QPPL thuộc thẩm quyền. Hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ các văn bản trái pháp luật hoặc không còn phù hợp. Đồng thời, các đơn vị có liên quan cần chú trọng và nâng cao chất lượng lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản cũng như tăng cường hoạt động tham vấn, huy động ý kiến đóng góp của các chuyên gia, cầu thị trong việc tiếp thu những ý kiến góp ý, thẩm định, thẩm tra./.
Thanh Phương