Đó là chỉ đạo của Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Uỷ ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tại Hội nghị trực tuyến cả nước về công tác phòng chống thiên tai (PCTT) năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.
Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, chỉ đạo tại hội nghị.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan, năm 2023, trên thế giới và khu vực xảy ra nhiều trận thiên tai lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng, vượt mức lịch sử, gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Tại Việt Nam, năm 2023 xảy ra 21/22 loại hình thiên tai trên cả nước, mang nhiều yếu tố dị thường, nắng nóng vượt mức lịch sử. Trong đó, có 5 cơn bão và 3 áp thấp nhiệt đới, 509 trận dông lốc, sét, mưa đá, 229 trận mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, 817 vụ sạt lở đất ven sông, ven biển, hạn hán, xâm nhập mặn nghiệm trọng tại ĐBSCL… đã làm 1.129 người chết và mất tích, 1.298 căn nhà bị sập, 17.694 căn bị hư hại và tốc mái, trên 192 ngàn héc-ta lúa và hoa màu bị thiệt hại, trên 3.658 gia súc và 283 ngàn gia cầm bị nước cuốn trôi và chết. Tổng thiệt hại trên 9.324 tỷ đồng.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử chủ trì tại điểm cầu tỉnh Cà Mau.
Từ đầu năm 2024 đến nay, nhiều đợt thiên tai nghiêm trọng xảy ra trên cả nước như: rét đậm, rét hại tại khi vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở, sụt lún đất tại ĐBSCL, trong đó nghiêm trọng nhất là tỉnh Cà Mau. Theo báo cáo từ Ban chỉ đạo Quốc gia về PCTT, từ đầu năm 2024 đến nay, trên cả nước, thiên tai đã làm 14 người chết, mất tích, thiệt hại vật chất ước tính trên 399 tỷ đồng.
Riêng Cà Mau năm 2023, thiên tai làm chìm 14 phương tiện khai thác thuỷ sản, làm chết, mất tích và bị thương 8 người, thiệt hại, hư hỏng 1.181 căn nhà và các công trình dân sinh, sạt lở ven sông 261 vị trí với triều dài 6.447 mét; sạt lở bờ biển 29.210 m. Chủ tịch UBND tỉnh đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với sạt lở bờ biển.. ước tổng thiệt hại khoảng 52 tỷ đồng.
Theo nhận định tình hình thiên tai và dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Quốc gia, từ tháng 7-9/2024, hiện tượng ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái LaNina. Số lượng các cơm bão và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông xấp xỉ trung bình nhiều năm, khoảng 11-13 cơn trên biển Đông, trong đó có 5-7 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền của nước ta, tập trung nhiều vào nửa cuối mùa mưa bão.
Phát biểu tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cho biết: “Những tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã ghi nhận gần 700 vị trí sụt lún với tổng chiều dài hơn 18 km, trên 2.600 hộ gia đình gặp khó khăn về nước sạch sinh hoạt, thiệt hại về cháy rừng trên 42 ha… Ước tổng thiệt hại về tài sản trên 28 tỷ đồng. Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh, dù tình hình hạn hán qua các năm có mức độ gay gắt tương đương nhau, nhưng thiệt hại giảm dần qua từng đợt (từ 1.400 tỷ năm 2015-2016 xuống còn 800 tỷ năm 2019-2020 và tiếp tục giảm xuống còn 28 tỷ năm 2023-2024). Có được kết quả tích cực nhờ sự dự báo, chủ động từ sớm, từ xa với độ chính xác khá cao, giúp các phương đưa ra kết quả ứng phó sát thực tế, từ đó giảm thiệt hại đến mức thấp nhất”.
Để Đề án PCTT của tỉnh sớm hoàn thành và triển khai kịp thời, Phó chủ tịch UBND tỉnh kiến nghị: các Bộ, ban, ngành sớm quan tâm góp ý để hoàn thiện đề án theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, trong kiện toàn cơ quan Ban chỉ huy PCTT theo Luật Phòng thủ dân sự nên giữ lại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm cơ quan thường trực trong chỉ đạo, điều hành, phát triển sản xuất cũng như khắc phục hậu quả thiên tai.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chỉ đạo 9 nhiệm vụ trọng tâm trong PCTT năm 2024. Đặc biệt, kiện toàn tổ chức, hoạt động của Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự Quốc gia, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự các bộ, các cấp ở địa phương theo Luật Phòng thủ dân sự đảm bảo hoạt động liên tục, hiệu quả; tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý để triển khai các mặt công tác PCTT hiệu quả.
Phó thủ tướng giao Bộ Quốc phòng sớm phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Phòng thủ dân dự. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về công tác PCTT, TKCN, trong đó chú trọng phát huy hiệu quả của các trang mạng xã hội. Các Bộ, ngành, địa phương cần tăng cường kiểm tra, rà soát, tính toán lại các phương án PCTT, TKCN nhằm nâng cao chất lượng công tác dự báo thiên tai cũng như năng lực điều hành công tác PCTT, TKCN các cấp; huy động nguồn lực đầu tư và các nguồn lực khác cho công tác này.
Phó Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các tổ chức quốc tế tiếp tục quan tâm hỗ trợ, đồng hành cùng Việt Nam trong công tác PCTT, TKCN, nhất là trong công tác dự báo khí tượng, thuỷ văn và hỗ trợ đầu tư trang thiết bị, phương tiện, hạ tầng nâng cao năng lực PCTT, TKCN cho Việt Nam./.
Trung Đỉnh