ĐT: 0939.923988
Chủ nhật, 8-9-24 06:46:05
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nâng cao chất lượng tổ tiết kiệm và vay vốn

Báo Cà Mau (CMO) Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) được ví như cánh tay nối dài của Ngân hàng Chính sách - Xã hội (NHCSXH), vì quy trình cho vay của NHCSXH được uỷ thác cho các tổ chức hội, đoàn thể và uỷ nhiệm cho các tổ TK&VV thực hiện từ việc bình xét, lựa chọn người vay, kiểm tra, đôn đốc người vay trong việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả, đôn đốc người vay trả lãi tiền vay và nợ gốc đúng thời hạn.

Hiệu quả nguồn vốn vay từ tổ TK&VV

Ðến ngày 31/3, toàn tỉnh có 2.580 tổ TK&VV quản lý 121.470 hộ vay với tổng dư nợ 2.827,1 tỷ đồng. Mạng lưới tổ TK&VV được thành lập và hoạt động rộng khắp trên toàn tỉnh với phương thức giải ngân trực tiếp đến từng người vay vốn, tổ chức giao dịch tại điểm giao dịch xã. Do đó, nguồn vốn tín dụng chính sách của Nhà nước đến tận tay người thụ hưởng một cách nhanh chóng, thông suốt, bảo đảm công khai, dân chủ.

Quản lý 59 hộ vay với tổng dư nợ trên 1,2 tỷ đồng, Tổ trưởng Tổ TK&VV ấp Mương Ðiều B, xã Tạ An Khương, huyện Ðầm Dơi Thang Thành Thái cho biết: "Các hộ vay vốn để cải tạo vuông tôm, thả con giống, vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường. Ðã qua, có 2 trường hợp vay vốn để thả con giống nhưng do thời tiết không thuận lợi, nuôi tôm không hiệu quả vì vậy họ bỏ đi làm ăn xa. Tuy nhiên, với trách nhiệm quản lý nguồn vốn vay, ông Thái đã liên hệ thường xuyên với hộ vay, vận động mỗi tháng các hộ này chuyển tiền đóng lãi đúng hạn và nhắc nhở hộ vay tiết kiệm để trả nợ đúng thời gian.

Đoàn Công tác NHCSXH Việt Nam khảo sát hộ vay vốn tại ấp Cỏ Xước, xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời.

Tổ trưởng Tổ TK&VV ấp Cỏ Xước, xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời Huỳnh Quốc Vũ cho biết, hiện ông đang quản lý 47 hộ vay với tổng dư nợ 981 triệu đồng. Tổ của ông cũng có 1 hộ đang đi làm ăn xa nhưng ông đã vận động trả lãi và gửi tiết kiệm trả dần hàng tháng. Tuy nhiên, hiện nay toàn tỉnh còn 312 tổ TK&VV hoạt động trung bình và 59 tổ TK&VV yếu, cần nâng cao chất lượng hoạt động thời gian tới.

Giải pháp nâng cao chất lượng tổ TK&VV

Hiện huyện Ðầm Dơi có 375 tổ TK&VV, trong đó còn 45 tổ trung bình và 3 tổ yếu. Chủ tịch UBND huyện Ðầm Dơi Nguyễn Chí Thiện, Trưởng Ban đại diện Hội đồng Quản trị (HÐQT) NHCSXH huyện, cho biết: "Do địa bàn rộng, đường đi khó khăn, khoảng 30% tổ trưởng tổ TK&VV phải đi thu lãi, thu tiền gửi, đôn đốc nợ bằng vỏ lãi và nhiều chương trình ân hạn, mức vay thấp nên hoa hồng không đủ bù đắp chi phí cho tổ trưởng. Từ đó đội ngũ tổ trưởng chưa tâm huyết với công việc. Nhiều khóm, ấp địa bàn rộng, chủ yếu là sông nước nên cũng gặp khó khăn trong công tác sinh hoạt tổ. Một số tổ trưởng lớn tuổi, trình độ còn hạn chế nên không nắm bắt và hướng dẫn được cho người vay về chế độ, chính sách, chủ trương của Nhà nước cũng như những quy định của ngân hàng nhưng việc tìm người thay thế còn khó khăn".

Ðối với huyện Trần Văn Thời, hiện tỷ lệ nợ quá hạn còn cao so với bình quân chung của tỉnh. Với 370 tổ TK&VV, toàn huyện còn 42 tổ trung bình và 3 tổ yếu. Phó chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời Võ Quốc Thống, Trưởng Ban đại diện HÐQT NHCSXH huyện, cho biết: "Hoạt động uỷ thác trên địa bàn huyện hiện nay chưa đạt hiệu quả cao, nguyên do một vài nơi chưa thường xuyên tham gia họp bình xét cho vay; chưa thực hiện đầy đủ việc kiểm tra sử dụng vốn trong thời gian 30 ngày khi hộ nhận tiền vay để giám sát mục đích sử dụng vốn của hộ vay; chưa chủ động thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các công đoạn uỷ thác của NHCSXH, đặc biệt là công đoạn quản lý, đôn đốc hoạt động của tổ TK&VV và tuyên truyền, giải thích, nâng cao ý thức trả nợ, trả lãi cho người vay".

Ðể phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Cà Mau, Phó tổng giám đốc NHCSXH Huỳnh Văn Thuận đề nghị, chính quyền địa phương cần rà soát lại các tổ TK&VV, phối hợp với NHCSXH đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng các tổ TK&VV, các hội đoàn thể để nâng cao chất lượng tín dụng.

Theo ông Huỳnh Văn Thuận, tổ TK&VV luôn gần dân, sát dân, nên nắm được nhu cầu của bà con, sau đó tập hợp danh sách, đề nghị lãnh đạo địa phương bình xét. Vì vậy, địa phương cần tạo điều kiện để hoạt động giao dịch tại xã phục vụ bà con một cách tốt nhất. Xử lý những tồn tại trên tinh thần vận động và thuyết phục, tuyên truyền để bà con hiểu và thực hiện. Cần phát huy vai trò của Chủ tịch UBND xã trong việc trực tiếp giám sát hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn.

"Ðịa phương cần xác định các điều kiện, rà soát nhu cầu vốn của từng đối tượng và có phương án cho vay cụ thể để đảm bảo công tác vay vốn đạt hiệu quả. Các hội đoàn thể cần phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn tìm kiếm, lựa chọn các mô hình phát triển trong sản xuất cho các hộ vay, từ đó nhân rộng", ông Huỳnh Văn Thuận nhấn mạnh./.

 

Phúc Duy