(CMO) Pin-peat, hay còn được gọi dàn nhạc ngũ âm, là một sản phẩm văn hoá độc đáo của tộc người Khmer qua quá trình giao lưu tiếp biến văn hoá giữa đất nước Campuchia và Ấn Độ. Đây là những công cụ, những phương tiện chuyển tải tất cả âm thanh của đời sống, biến những âm thanh đó thành nét văn hoá riêng trong những trường hợp cụ thể của họ.
Nói đến âm nhạc là phải nói đến dàn nhạc và những nhạc cụ cấu thành dàn nhạc đó. Nhạc cụ truyền thống của đồng bào Khmer có rất nhiều loại và được kết cấu thành nhiều dàn nhạc khác nhau như: dàn nhạc Khmer (Plêng Khmer), dàn nhạc Dù kê (Plêng lakhon Bassak), dàn nhạc Robam, dàn nhạc ngũ âm (Plêng Xiêm hay Pin-peat), dàn nhạc lễ cưới (Plêng ka), dàn nhạc Mahôri, dàn nhạc A-Reat, dàn nhạc Khlon Khech, dàn nhạc trống Chhay Dzăm, dàn nhạc trống lớn (Plêng Skô Thum)… Tuỳ theo cuộc lễ mà người Khmer lựa chọn sử dụng dàn nhạc với các nhạc cụ khác nhau để biểu diễn.
Để hợp xướng ngũ âm, nghệ nhân phải hiểu tường tận văn hoá dân tộc. Ảnh: HOÀNG VŨ |
Dàn nhạc ngũ âm được tạo nên bởi 5 chất liệu gồm: gỗ, đồng, sắt, da và hơi. Theo nhiều nguồn tài liệu từ các chùa Phật giáo Khmer Nam tông, khi người Khmer xuất hiện trên đất Nam Bộ, tại đây đã xuất hiện dàn nhạc ngũ âm và được lưu truyền đến ngày nay. Có thể thấy, lịch sử xây dựng, phát triển của người dân nơi đây gắn liền với âm nhạc ngũ âm và vẫn giữ nguyên sắc thái riêng của nó trong quá trình giao lưu, tiếp biến văn hoá giữa các tộc người Kinh, Khmer, Hoa... cho đến ngày nay.
Tìm về lịch sử, dàn nhạc Pin-peat được gọi từ việc sáp nhập giữa nhạc Pin và nhạc Peat. Nhạc Pin là dàn nhạc được ra đời từ thời đại Noko Knum (Phù Nam). Dàn nhạc này được tấu bằng nhạc cụ Pin trước các nhạc cụ khác. Nhạc cụ Pin là loại nhạc cụ có ảnh hưởng từ Ấn Độ và được du nhập theo tôn giáo Bà La Môn. Dàn nhạc Pin là dàn nhạc có nhạc cụ tổng hợp giữa nhạc cụ có từ Ấn Độ và nhạc cụ có trong nước (nhạc cụ người Khmer có sẵn). Dàn nhạc Pin gắn liền với các nghi lễ, nó được biểu diễn ca múa và nghệ thuật diễn khác trong truyện thần thoại đã có từ xa xưa.
Ngoài ra, trong thời trung đại có một dàn nhạc mà người ta thường gọi là krong-sko-trom min. Dàn nhạc này dùng để khuyến khích lòng dũng cảm của quân đội trong chiến đấu. Ngày nay, vai trò của dàn nhạc này đã chuyển trọng tâm của mình sang phục vụ trong các nghi lễ truyền thống, phong tục ma chay. Dàn nhạc krong-sko-trom min có nhiều nhạc cụ tổng hợp, không ổn định, tuỳ theo nhu cầu buổi lễ và người sử dụng, được khắc ở các đền đài như: đền Bayon, đền Angkor Var, đền Bapun, đền Ban-teay-chmar, đền Ta-brum... Dàn nhạc này đôi khi có nhạc cụ Peat (có 9 âm), deav, sro-lay, sko-thum, sko-chi, sko-sampho. Dàn nhạc này được tấu lên bằng nhạc cụ krong-peat (ngày nay nhạc cụ này đã thất truyền, chỉ còn lại các điêu khắc trên các đền đài).
Hai loại nhạc gồm Pin và krong-sko-trom min được nhập chung với nhau thành một dàn nhạc Pin-peat. Có người cho rằng, nhạc cụ của người Khmer hoà tấu như ngày nay được tách ra từ Ấn Độ thời xa xưa, mãi đến về sau kiến thức âm nhạc và thể loại âm nhạc của người Khmer được truyền đi đất nước Xiêm (Thái Lan) và phát triển rực rỡ. Do đó mà có tên gọi là Plêng Xiêm.
Dàn nhạc ngũ âm được cấu tạo từ những chất liệu gần gũi với cuộc sống chúng ta, nhưng để làm được dàn nhạc ngũ âm thì phải có rất nhiều yếu tố. Điều quan trọng nhất là nghệ nhân phải hiểu tường tận về văn hoá dân tộc, về âm nhạc mới thẩm âm một cách chính xác trên từng chất liệu, phải tỉ mỉ từng chút một trong việc chọn những chất liệu sao cho đúng nhất và xử lý những chất liệu đó vừa đảm bảo tính chuẩn xác về âm thanh, đồng thời cũng bảo quản được lâu về hình thức.
Một dàn nhạc Pin-peat hoàn chỉnh phải hài hoà về hình thức bên ngoài và chuẩn xác về âm thanh, điểm đặc biệt nữa chính là niềm đam mê. Có đam mê, có yêu nét đẹp và độc đáo của dân tộc mới có đủ kiên nhẫn, thời gian, tâm huyết cho ra được những sản phẩm Pin-peat tốt nhất./.
Cao Hồng Lĩnh