(CMO) Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau vừa có văn bản đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt các giải pháp triển khai nhanh cơ chế tài chính hỗ trợ doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn
Hiện nay, các cửa khẩu sang thị trường Trung Quốc đã thông quan trở lại, nhưng lượng hàng chỉ nhỏ giọt (mỗi ngày cho mở cửa vài giờ, với số lượng nhất định, dư sẽ bị trả về, kiểm tra thủ tục nghiêm ngặt), khi hàng vào nội địa thì cũng bị hạn chế việc di chuyển đi các nơi, mặt hàng tôm tiêu thụ được rất ít. Thị trường EU, do diễn biến dịch Covid-19 rất phức tạp, hiện các đơn hàng nhập khẩu tôm đã ký hầu hết bị tạm hoãn ít nhất đến hết tháng 4/2020 và không ký đơn hàng mới. Thị trường Mỹ hiện chưa biến động nhiều, vẫn còn duy trì nhập tôm Việt Nam nhưng cũng bắt đầu có dấu hiệu chững lại và diễn biến dịch bệnh tại Mỹ cũng rất phức tạp, khó lường. Thị trường Úc đã khó từ lâu, do cấm nhập tôm tươi vì nhiễm bệnh đốm trắng, đầu vàng. Các thị trường còn lại đều gặp khó do dịch bệnh.
Khách hàng đang giao dịch tại Trụ sở BIDV Chi nhánh Cà Mau. |
Dự báo, do tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến rất phức tạp nên tình hình xuất khẩu tôm sẽ còn tiếp tục khó đến cuối tháng 4/2020. Giá tôm nguyên liệu sẽ còn tiếp tục giảm trong khoảng thời gian này. Khả năng thị trường châu Á (chủ yếu Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) sẽ dần ổn định và phục hồi vào cuối tháng 4, đầu tháng 5/2020. Nếu sớm mở thị trường này thì giá tôm sú và tôm thẻ nguyên con sẽ tăng dần trở lại. Thị trường EU, Mỹ sẽ tiếp tục khó và kéo dài hơn. Thời điểm ổn định trở lại ít nhất cũng vào cuối tháng 6/2020.
Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Chế biến thuỷ sản và Xuất nhập khẩu Cà Mau (Camimex) Đặng Ngọc Sơn chia sẻ: Cách đây khoảng 2 tháng, chỉ có những DN bị ảnh hưởng khi xuất sang thị trường Trung Quốc, nhưng hiện nay hầu hết các DN đều bị ảnh hưởng. Camimex bắt đầu có những đơn hàng đi Pháp rời cảng từ ngày 4/3 nhưng phải quay trở về. Khách hàng trả lời là kho của họ quá đầy, điều này gây khó khăn cho DN. Ở Trung Quốc, hiện tại chỉ tạm thời qua khỏi dịch, nếu muốn phục hồi cần khoảng thời gian bằng với thời gian dịch bùng phát (khoảng 4 tháng). Hiện thị trường xuất khẩu thuỷ sản của các DN là châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Ý, Pháp, Đức… đều trong tình trạng khó khăn do Covid-19.
Ông Sơn cho biết, nếu tình hình tiếp diễn thì DN sẽ không có tiền mua nguyên liệu, lúc này sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội, có thể người dân sẽ không nuôi trồng thuỷ sản. Đối với công ty, hiện tại đã không còn tiền để tiếp tục mua nguyên liệu sản xuất. Chu kỳ để phục hồi cần phải 9 tháng, trong thời gian này, DN rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước, của ngân hàng để duy trì hoạt động, và sau khi dứt điểm dịch DN vẫn tiếp tục phát triển. Ông Sơn đề nghị được giảm lãi, cơ cấu lại nợ.
Theo ông Sơn, Thông tư 01/2020/TT-NHNN, ngày 13/3/2020, của Ngân hàng Nhà nước được triển khai kịp thời nhưng chưa đủ, mong Chính phủ, ngân hàng kích hoạt gói hỗ trợ mua hàng tạm trữ tạo điều kiện cho nông dân bán được hàng hoá. Ông Sơn cho rằng, DN xuất khẩu, DN nuôi và người nông dân nằm trong 1 chuỗi sản xuất, nếu 1 khâu trong chuỗi này gặp khó khăn sẽ kéo theo các khâu khác bị ảnh hưởng.
Dịch bệnh Covid-19 kéo dài không chỉ các DN xuất khẩu bị ảnh hưởng mà hiện nay hầu hết các DN đều gặp khó khăn như lĩnh vực vận tải, kinh doanh nhà hàng, khách sạn… Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Thương mại Giáp và Diệp Nguyễn Thị Mỹ Diệp cho biết: "Hiện nay người dân không dám đi đâu, lượng khách từ tháng 2 giảm còn 60-70%, lúc này tiền dự phòng còn nên đã trả lãi ngân hàng. Trước đây, mỗi ngày công ty chạy 8 xe, hiện tại chỉ chạy 2 xe, mỗi xe chỉ có 4-5 vé nhưng không thể huỷ chuyến. Công ty đã có đơn xin giảm lãi và cơ cấu lại nợ. Có những khoản nợ đến hạn trả nhưng công ty không có khả năng trả".
Đối với lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, khách sạn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Du lịch Ánh Nguyệt Lê Ánh Nguyệt cho biết, Tết đến nay lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, khách sạn gặp rất nhiều khó khăn, cơ sở bà rất ít khách. Bà Nguyệt mong được lùi thời hạn trả nợ gốc và xin được giảm lãi.
Nhiều giải pháp hỗ trợ từ ngân hàng
Theo Phó giám đốc Vietinbank chi nhánh Cà Mau Du Minh Sơn, ngay khi có Thông tư số 01/2020/TT-NHNN thì Vietinbank đã có Văn bản số 1455 ngay trong ngày để triển khai thực hiện. Sắp tới, ngân hàng sẽ có hướng dẫn chi tiết về cơ cấu lại nợ, giảm miễn lãi suất… Hiện Vietinbank chi nhánh Cà Mau đã thực hiện cơ cấu lại cho 1 khách hàng 33 tỷ đồng, cùng với đó đã cơ cấu giảm lãi đối với nhóm dư nợ bị ảnh hưởng. Theo đó, Vietinbank Cà Mau thường xuyên rà soát bám sát khách hàng, hiện đã nhận được hồ sơ của 2 DN lĩnh vực vận tải chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tiếp theo sẽ xác định đúng đối tượng đáp ứng điều kiện và thực hiện đầy đủ các thủ tục. Đối với khách hàng cá nhân khác thì Vietinbank Cà Mau chủ động tiếp cận, trao đổi, nắm bắt những khó khăn mà các khách hàng đang phải đối mặt. Chủ trương của ngân hàng là đồng hành, chia sẻ, bám sát chủ trương để hỗ trợ tốt nhất cho khách hàng.
Phó chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Cà Mau La Văn Hiếu cho rằng, tất cả các ngành nghề đều bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Nếu như thông tư có thêm vấn đề cho vay mới mà không thế chấp sẽ hỗ trợ được DN gặp khó khăn ngay thời điểm hàng hoá tồn kho như hiện nay. Hiện nay số tiền mà các DN đã vay nằm hết ở hàng tồn kho. DN đã thiếu tiền mà vẫn phải chi rất nhiều như tiền lãi ngân hàng, phí, tiền điện, BHXH, thuê đất...
Hiện tại, hầu hết các ngân hàng đều cam kết chủ động, tiên phong thực hiện các chính sách điều hành của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước vì mục tiêu chung ổn định tình hình chính trị - xã hội và phát triển kinh tế đất nước, chung tay cùng cộng đồng đẩy lùi dịch Covid-19 tại Việt Nam.
Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Cà Mau Trần Quốc Khởi mong rằng, các chi nhánh ngân hàng thương mại sẽ gặp gỡ trực tiếp với khách hàng để làm rõ những thiệt hại của DN do ảnh hưởng dịch Covid-19. Đồng thời, yêu cầu các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tích cực tác động tới hội sở, nhanh chóng ban hành quy định nội bộ để kịp thời triển khai, hỗ trợ các DN. Các DN trên địa bàn tỉnh nếu gặp khó khăn, trở ngại thì cùng với chi nhánh ngân hàng thương mại để bàn bạc, cùng nhau tháo gỡ./.
Hồng Phượng