Trước tình trạng thanh - thiếu niên phạm tội gia tăng, các ngành chức năng tập trung mọi biện pháp để phòng ngừa. Trong đó, vai trò của gia đình được đặt lên hàng đầu. Bên cạnh, các ngành, các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng cho thanh - thiếu niên có ý thức đúng đắn, không sa vào con đường tội phạm.
Trước tình trạng thanh - thiếu niên phạm tội gia tăng, các ngành chức năng tập trung mọi biện pháp để phòng ngừa. Trong đó, vai trò của gia đình được đặt lên hàng đầu. Bên cạnh, các ngành, các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng cho thanh - thiếu niên có ý thức đúng đắn, không sa vào con đường tội phạm.
Tạo sự gắn kết giữa gia đình và xã hội
Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau Phan Mộng Thành cho biết, để ngăn chặn tình trạng thanh - thiếu niên phạm tội cần có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong tuyên truyền, vận động xây dựng gia đình văn hoá. Gia đình là cái nôi nâng đỡ và phát triển nhân cách của mỗi con người. Gia đình phải quan tâm, giáo dục đạo đức, lối sống văn hoá cho các em ngay từ khi còn nhỏ. Bởi giáo dục đạo đức, lối sống văn hoá là giáo dục cách làm người, cách đối nhân xử thế, giáo dục cách sống tốt đẹp, đúng chuẩn mực. Khi người chưa thành niên biết sống phù hợp với các chuẩn mực đạo đức xã hội thì sẽ hạn chế được nguy cơ phạm tội.
Tăng cường các hoạt động văn hoá, thể thao, vui chơi lành mạnh sẽ hạn chế tình trạng thanh - thiếu niên phạm tội. Ảnh: MÃ PHI |
Bên cạnh, gia đình phải bồi dưỡng, giáo dục cho người chưa thành niên nhận thức đúng, có hành vi chuẩn mực và có kiến thức pháp luật. Gia đình nên giới thiệu các kiến thức pháp luật có lựa chọn, có hệ thống nhằm giúp các em hiểu được đâu là hành vi hợp pháp, đâu là hành vi vi phạm pháp luật, biết mình nên làm gì và không nên làm gì. Như vậy, sẽ hình thành cho các em ý thức tránh xa hành vi vi phạm pháp luật và phạm tội sau này.
Ðiều quan trọng cần thực hiện là củng cố mối quan hệ thường xuyên giữa gia đình, nhà trường trong quản lý thanh - thiếu niên, để kịp thời phát hiện và giải quyết tình trạng thanh - thiếu niên vi phạm pháp luật. Thường xuyên chăm lo đời sống, tạo điều kiện giúp đỡ đối với những thanh - thiếu niên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Tăng cường các hoạt động văn hoá, văn nghệ, vui chơi, giải trí lành mạnh, bổ ích, hạn chế thấp nhất tình trạng thanh - thiếu niên bỏ học.
Ông Thành nói: "Cần nâng cao vai trò quản lý Nhà nước của các ban, ngành, đoàn thể các cấp; trách nhiệm của gia đình, nhà trường và toàn xã hội trong việc quản lý, giáo dục, tạo điều kiện phát triển cho thanh - thiếu niên nói chung và thanh - thiếu niên vi phạm pháp luật nói riêng. Huy động sức mạnh của cộng đồng, phát động phong trào toàn dân tích cực tham gia đấu tranh, phòng chống tội phạm trong thanh - thiếu niên".
Tập trung đấu tranh triệt xoá
Ðại tá Trương Ngọc Danh, Phó Giám đốc Công an tỉnh, cho biết, trong thời gian tới, Công an tỉnh thường xuyên mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, tệ nạn xã hội, tuần tra kiểm soát vào ban đêm. Tập trung rà soát, đấu tranh, triệt phá các băng nhóm tội phạm, tệ nạn hoạt động có tổ chức, trộm cắp, cướp giật tài sản, ma tuý. Ðồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh - thiếu niên, nhất là giáo dục truyền thống, đạo đức, lối sống. Từ đó, giúp thanh - thiếu niên có hướng đi đúng đắn, đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm chưa thành niên không chỉ dừng lại ở trách nhiệm xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng các chế tài xử lý cũng như các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh, ngăn chặn của lực lượng công an đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Ðiều quan trọng là các em cần nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể và toàn xã hội trong việc tạo dựng môi trường sinh hoạt, vui chơi, học tập lành mạnh, đảm bảo sự định hướng giáo dục tốt, không bị tác động bởi các hành vi lệch chuẩn, trò chơi bạo lực, sự xuống cấp của đạo đức xã hội, nhu cầu vị kỷ cá nhân… dễ nảy sinh hành vi vi phạm pháp luật.
Ðể tiếp tục phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn hiệu quả tình hình tội phạm trong thanh - thiếu niên, thời gian tới, Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng công an trong tỉnh tiếp tục tham mưu cấp uỷ, chính quyền triển khai, thực hiện tốt Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng (khoá XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Chỉ thị số 46-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới”… gắn với tiếp tục thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm, ma tuý, mua bán người giai đoạn 2016-2020. Từ đó, phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. |
Ðặc biệt, mỗi gia đình cần tạo môi trường trong sáng đầu tiên cho trẻ em, dành cho các em sự quan tâm cả về vật chất và tinh thần, giáo dục, định hướng lối sống lành mạnh, có kỷ cương, tạo nền tảng nhân cách tốt cho các em khi tham gia sinh hoạt, học tập trong nhà trường và xã hội.
Ðể nâng cao hơn nữa hiệu quả đấu tranh, phòng ngừa tội phạm trong thanh - thiếu niên cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Gia đình, nhà trường và các đoàn thể có sự phối hợp tích cực, chặt chẽ hơn nữa trong quản lý, giáo dục thanh - thiếu niên, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện, tâm lý tiêu cực nảy sinh dẫn đến hành vi phạm tội. Ðẩy mạnh công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp trong thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong Nhân dân, nhất là ở những địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật.
"Tiếp tục làm tốt công tác quản lý tại địa bàn, ngành công an tăng cường công tác điều tra, phối hợp Viện Kiểm sát, Toà án kịp thời đưa ra xét xử trước pháp luật những vụ án nghiêm trọng do thanh - thiếu niên gây ra để xử lý nghiêm minh trước pháp luật, góp phần giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung", Ðại tá Trương Ngọc Danh cho biết thêm./.
Lê Thái