(CMO) Sáng ngày 8/1, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác tài chính, ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự và chỉ đạo hội nghị. Điểm cầu Cà Mau, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi tham dự.
Trong bối cảnh tình hình còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng nghiêm trọng của thiên tai, dịch bệnh nhưng nhờ dư địa tài khóa tích lũy được từ việc cơ cấu lại NSNN và nợ công trong giai đoạn 2016-2019, đồng thời sự chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách tài khóa nên cân đối ngân sách năm 2020 kể cả ở cấp trung ương và cấp địa phương cơ bản được đảm bảo.
Tính đến 17 giờ ngày 30/12/2020, thu NSNN đạt 1.445 nghìn tỷ đồng, bằng 95,6% dự toán, tăng 121,9 nghìn tỷ đồng so với số báo cáo Quốc hội. Ước thực hiện cả năm 2020, thu NSNN đạt khoảng 1.481,6 nghìn tỷ đồng, đạt 98% (hụt 30,7 nghìn tỷ đồng) so dự toán, tăng 158,5 nghìn tỷ đồng so với số báo cáo Quốc hội; tỷ lệ động viên vào NSNN đạt 23,5%GDP, riêng thuế, phí đạt 18,9%GDP.
Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Cà Mau
Về chi ngân sách, đến ngày 30/12/2020, NSNN đã chi khoảng 18,1 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch và hỗ trợ 12,95 triệu người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Ngân sách Trung ương đã sử dụng gần 12,4/17,5 nghìn tỷ đồng dự phòng để hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả bão, mưa lũ và khôi phục sản xuất sau thiên tai, dịch bệnh, đầu tư các dự án khẩn cấp nhằm kịp thời phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai,.... Các địa phương cũng đã chủ động sử dụng khoảng 8,2 nghìn tỷ đồng dự phòng ngân sách địa phương, quỹ dự trữ tài chính và nguồn cải cách tiền lương còn dư của địa phương để chi cho công tác phòng, chống dịch bệnh và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; chủ động sử dụng nguồn ngân sách địa phương chi khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục sản xuất, cơ sở hạ tầng thiết yếu và hỗ trợ đời sống Nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội ở địa phương. Bên cạnh đó, đã xuất cấp 36,57 tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ, cứu đói cho Nhân dân, khắc phục hậu quả thiên tai và giáp hạt đầu năm - mức cao nhất trong 3 năm trở lại đây.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận, biểu dương và chúc mừng ngành Tài chính từ Trung ương tới địa phương đã hoàn thành toàn diện, xuất sắc nhiệm vụ kế hoạch 5 năm 2016-2019. Đặc biệt, trong năm 2020, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng nhờ sự chủ động vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương, hệ thống cơ quan thuế và hải quan, nên số thu NSNN trên địa bàn ở các địa phương và số thu cân đối ngân sách địa phương đều cơ bản đạt và vượt dự toán.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo ngành Tài chính cần tăng cường kiểm soát thị trường, quản lý giá, kiểm soát lạm phát, đảm bảo cung cầu hàng hóa dịp Tết Nguyên đán sắp tới
Việc triển khai các nhiệm vụ tài chính, NSNN trong năm 2021 có nhiều cơ hội, thách thức đan xen. Thủ tướng đề nghị, năm 2021 toàn ngành Tài chính phải chủ động, tích cực hơn, sáng tạo hơn để đạt được kết quả cao hơn trong năm 2020. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị ngành Tài chính thực hiện 9 nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể, ngành Tài chính cần tiếp tục điều hành chính sách tài khóa chủ động, chặt chẽ, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, linh hoạt với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Trong bối cạnh hiện nay, chúng ta vẫn tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Bộ trưởng và toàn ngành Tài chính tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật, gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi các quy định của pháp luật. Thủ tướng nhắc lại lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn ngành Tài chính “Tài chính phải dựa vào sản xuất và thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, làm nền và tạo sự vững vàng cho nền tài chính quốc gia. Tài chính với chức năng tập trung, phân phối và giám sát bằng đồng tiền mọi hoạt động kinh tế - xã hội, có nhiệm vụ bồi dưỡng, khai thác nguồn thu, phân phối, bố trí và sử dụng các nguồn lực đúng mục đích có hiệu quả. Nguồn lực của tài chính, đơn giản được hiểu là mọi khoản thu của NSNN chủ yếu là từ sản xuất, từ kinh tế. Sản xuất có phát triển, có tích lũy thì tài chính nhà nước mới có nguồn thu, tài chính trong dân cư mới dồi dào và có tiềm lực mạnh”.
Ngoài nhiệm vụ thu, chi, quản lý NSNN, tài chính phải góp phần khơi dậy để giải phóng nhiều nguồn lực của đất nước. Thủ tướng đề nghị cán bộ, công chức ngành tài chính tiếp tục đổi mới tư duy, chiến lược theo hướng tài chính định vị tổng thể của nền kinh tế, việc phát triển bền vững của đất nước và của cộng đồng doanh nghiệp. Vì thế, ngành Tài chính cần chủ động phối hợp với các ngành, các cấp, các địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, đảm bảo huyết mạch của nền kinh tế thông suốt, an toàn, tạo nền tảng, điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển kinh ết - xã hội. Ngành Tài chính phải đi đầu về kinh tế số, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có tâm, những gì phiền hà, phức tạp cho doanh nghiệp phải nhanh chóng tháo gỡ. Tiếp tục theo dõi tình hình hội nhập sâu rộng của Việt Nam để kịp thời điều chỉnh chính sách, đừng để chính sách kìm hãm hội nhập./.
Hồng Phượng