ĐT: 0939.923988
Thứ ba, 29-4-25 12:14:21
Theo dõi Báo điện tử Cà Mau trên

Nghệ nhân Nguyễn Văn Mần: Sáng tạo qua từng trang viết

Báo Cà Mau (CMO) Bút danh Nguyễn Văn Mần từ lâu đã quá quen thuộc với khán thính giả tỉnh Cà Mau. Chọn đề tài chủ đạo là quê hương, tình mẹ, cách mạng..., những sáng tác với sự trau chuốt trong ca từ, khéo léo chọn lọc hình ảnh đã tạo cho anh một dấu ấn riêng, trong đó có nhiều bài vọng cổ, bài bản tài tử được nhiều người biết đến (Từ lời di chúc Bác Hồ, Quê hương gửi trọn ân tình, Niềm vui trên nông thôn mới, Đảng là ánh thái dương, Đẹp mãi những dòng sông, Thanh cao dáng mẹ...).

Không chỉ sáng tác, anh còn tham gia biểu diễn, dàn dựng, hiện tại là chủ nhiệm CLB Đờn ca tài tử huyện Phú Tân. Ở lĩnh vực nào anh cũng đều gửi vào đó thái độ chăm chút, tỉ mỉ. Gặp nhau không lời hẹn trước khi anh đang tất bật chuẩn bị cho hội diễn văn nghệ quần chúng cấp tỉnh, giữ nguyên phong cách nghệ sĩ gần gũi, cởi mở, nghệ nhân Nguyễn Văn Mần trải lòng về con đường hoạt động nghệ thuật suốt 25 năm qua.

- Một mình đảm nhiệm nhiều vai trò, điều gì để có thể làm nên một nghệ nhân Nguyễn Văn Mần luôn bền bỉ trong nghệ thuật như thế?

Hơn 25 năm hoạt động nghệ thuật, nghệ nhân Nguyễn Văn Mần đã sáng tác trên 230 bài vọng cổ, chập cải lương, kịch bản sân khấu, có hơn 30 giải thưởng, bằng khen cấp tỉnh, khu vực, quốc gia.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Mần: Chắc có lẽ xuất phát từ tình yêu nghệ thuật cứ mỗi ngày một đầy thêm thôi (cười!). Hồi còn nhỏ đi học ở Cái Nước, tôi là cộng tác viên của đội văn nghệ quần chúng của huyện, hễ có chương trình, mấy anh kêu đi biểu diễn phục vụ, mê lắm. Rồi năm 1994, huyện tổ chức cuộc thi giọng hát hay, tôi đánh liều viết bài ca cổ "Chút niềm riêng của mẹ" và tham gia thi. May mắn đoạt giải nhất, bài vọng cổ lại vinh dự được in trong tuyển tập các tác giả do hội văn học xuất bản. Nhận được lời động viên từ các bậc anh, chú đi trước, vậy là cố gắng nghiên cứu bài ca, nhịp nhàng rồi mày mò sáng tác. Sau đó, tôi có dịp được tham gia lớp tập huấn với các cây đa cây đề thuộc nhiều lĩnh vực sáng tác, biểu diễn, dàn dựng như: Trọng Nguyễn, Anh Đạo, Lâm Tường Vân, Thanh Quang... lĩnh hội những kiến thức quý giá làm nền tảng. Từ đó, tôi cố gắng trau dồi qua thực tiễn, qua những sáng tác mới cũng như tham gia biểu diễn, dàn dựng, nghề dạy nghề và̉ từng bước hoàn thiện hơn.

- Những kịch bản sân khấu về đề tài tuyên truyền của tác giả Nguyễn Văn Mần thường nhận được nhiều sự chú ý của khán giả và đoạt những giải thưởng cao qua các hội thi. Bí quyết nào giúp anh có thể tránh được sự khô cứng trong ngòi bút và mang đến những thành công nhất định như thế?

Nghệ nhân Nguyễn Văn Mần: Một điều không thể phủ nhận là đề tài tuyên truyền như bầu cử, bảo vệ môi trường thường rất khô. Nên khi đặt bút sáng tác, đầu tiên tôi hình dung điều mình viết là để nói với người dân, đối tượng đại chúng nên phải tuyên truyền theo kiểu nông dân. Hư cấu cốt truyện hài hước, gần gũi, nhân vật rặt nông dân để dễ đi sâu vào quần chúng. Ngôn ngữ sử dụng là những phương ngữ dễ nghe, dễ hiểu để người dân chấp nhận. 

Thông thường viết một kịch bản sân khấu thì dễ, nhưng để hay và được mọi người nhớ đến thì rất khó. Phần giao đãi đơn giản nhưng mâu thuẫn vấn đề, nút thắt rất quan trọng, khi mạch kịch được đẩy lên cao trào rồi phải tìm cách mở nút như thế nào cho hợp lý nhưng hấp dẫn. Bằng mọi giá, mục đích cuối cùng phải tạo được thông điệp, đó mới là điều quan trọng.

- Theo đuổi một đề tài khi sáng tác sẽ rất dễ giẫm lên chính mình. Khi đặt dấu chấm kết thúc một tác phẩm, có bao giờ anh lo sợ về những lối mòn trong sáng tạo không?

Nghệ nhân Nguyễn Văn Mần: Tôi chọn đề tài chủ đạo trong sáng tác của mình là quê hương, tình mẹ, cách mạng bởi lẽ bản thân xuất thân trong gia đình có truyền thống cách mạng nên có nhiều cảm xúc rất đặc biệt. Có những chủ đề tôi viết 5-7 bài, việc trùng lắp đôi lúc sẽ không tránh khỏi nhưng bí quyết riêng là mỗi lần đặt bút viết, cố gắng trau chuốt hết sức để đến khi hoàn thành thì sẽ bỏ ra và không nhớ; Thứ 2 là khai thác, tìm những chi tiết nhỏ để phát triển lên. Ví dụ khi viết về mẹ thì có vô số tác phẩm, hình ảnh người mẹ trong thời chiến, thời bình, những tần tảo hy sinh, tình thương vô bờ bến... Quan trọng cái tứ đưa vào phải có sự sáng tạo và khác biệt. Lĩnh vực sáng tác cũng rất cần sự truyền lửa, lúc rảnh rỗi anh em gặp nhau lại trao đổi chỗ hay, chỗ chưa hay để rút kinh nghiệm qua các "đứa con tinh thần của mình".

- Vừa là một nghệ nhân, vừa là một thầy giáo, 2 công việc này có chi phối hay hỗ trợ nhau không, thưa anh?

Nghệ nhân Nguyễn Văn Mần: Tất cả đều được sắp xếp ổn thoả. Việc sáng tác, tham gia văn nghệ quần chúng được tranh thủ vào cuối tuần hoặc những buổi tối, thời gian trống và khoảng còn lại thì dành cho những giờ lên lớp với học trò nhỏ. Hai công việc đều yêu thích nên thường không bị chi phối. Công việc thường ngày đứng trên bục giảng cho tôi có nhiều điều kiện để đọc sách, báo. Đây là thuận lợi đối với một tác giả trong việc tìm kiếm những ý tưởng mới, gặp một ý hay lại nhanh chóng tốc ký vào quyển sổ tay. Đôi khi chỉ bắt gặp một bài thơ, câu văn tâm đắc thôi là có thể hình dung ra một bài vọng cổ hay kịch bản. 

- Là một nghệ nhân tiêu biểu của tỉnh, anh có thể chia sẻ những việc đã làm được trong thời gian vừa qua cũng như những kế hoạch, định hướng cho nghệ thuật sắp tới?

Nghệ nhân Nguyễn Văn Mần: Tôi thường không dám nhận mình là thầy, nhưng hễ các em cần sự giúp đỡ về mặt nghệ thuật tôi luôn hết mình hỗ trợ. Thường xuyên tập chương trình văn nghệ cho các xã, có những bạn chưa từng biết ca diễn, buộc phải thị phạm từng động tác, điệu bộ để các em trẻ dần quen với nghệ thuật rồi đam mê. Mong muốn lớn nhất của tôi là có thể tổ chức được hội thi rồi qua đó phát hiện những hạt nhân nòng cốt, tập từng tiểu phẩm ngắn, trau chuốt về ca diễn cho tài tử, trang bị nguồn "văn nghệ quần chúng" cho huyện mỗi khi có hội thi, hội diễn. Đối với CLB Đờn ca tài tử huyện Phú Tân, mỗi thành viên đều có công việc riêng nên điều đầu tiên phải thổi bừng được ngọn lửa đam mê, rồi từng bước tạo điều kiện để mọi người có thể nắm cơ bản về bài bản, nhịp nhàng, điệu bộ đờn ca chớ không đơn thuần là ca cho vui. Việc sinh hoạt được tổ chức theo định kỳ với những nội dung cụ thể, chính vì lẽ đó mà những năm gần đây CLB có những bước khởi sắc. Danh hiệu nghệ nhân tiêu biểu sẽ là động lực để bản thân cố gắng học hỏi nhiều hơn từ các bậc tiền bối, bổ trợ về kiến thức ca diễn, sáng tác, góp một phần nhỏ sức mình vào sự phát triển nghệ thuật tỉnh nhà.

- Xin cảm ơn nghệ nhân Nguyễn Văn Mần! Chúc anh tiếp tục gặt hái thành công trong nghệ thuật!./.

 Hoàng Phúc

 Nghệ nhân Nguyễn Văn Mần sinh năm 1971, tại huyện Cái Nước. Anh hiện là giáo viên Trường Tiểu học Trần Thới 1, huyện Cái Nước. Hơn 25 năm hoạt động nghệ thuật, anh sáng tác trên 230 bài vọng cổ, kịch bản và chập cải lương, trong đó có hơn 100 bài về đề tài cách mạng. Anh đoạt khoảng 30 giải thưởng, giấy khen, bằng chứng nhận ở các lĩnh vực sáng tác, ca diễn tại các hội thi, hội diễn đờn ca tài tử, văn nghệ quần chúng cấp tỉnh và khu vực; Đặc biệt là 3 giải thưởng cấp quốc gia về lĩnh vực sáng tác (1 giải kịch bản viết về môi trường do Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch tổ chức, 2 giải tác phẩm tại Festival Đờn ca tài tử tổ chức tại tỉnh Bình Dương năm 2017). Năm 2018, anh được Sở VHTT&DL tỉnh Cà Mau trao bằng khen nghệ nhân tiêu biểu.

 

Trao kỷ niệm đẹp cho ngày trọng đại

Bỏ công sức để làm những chiếc cổng cưới lá dừa truyền thống thay lời chúc phúc, Xã đoàn Khánh Hải và Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời đã góp sức tạo nên một đám cưới đáng nhớ cho các đoàn viên, thanh niên (ÐVTN).

Phim lịch sử trỗi dậy

Từ năm 2023 đến nay, các bộ phim về đề tài lịch sử nhận được sự quan tâm của công chúng. Các nhà làm phim cũng chỉn chu, đầu tư hơn hẳn cho thể loại phim đặc biệt này.

Liên hoan văn nghệ học sinh sinh viên năm 2025: Huyện Trần Văn Thời đoạt giải Nhất toàn đoàn

Trong 2 ngày (19 và 20/4/2024), Tỉnh đoàn, Hội Sinh viên Việt Nam tỉnh Cà Mau phối hợp với Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức Liên hoan văn nghệ học sinh sinh viên với chủ đề “Bài ca thống nhất” năm 2025.

Khám phá bản thân cùng nhảy múa

Ngày nay, bên cạnh các môn thể thao, nhiều bạn trẻ lựa chọn học thêm kỹ năng nhảy múa. Ðặc biệt là dân văn phòng tìm đến các lớp nhảy múa như cách rèn luyện cơ thể dẻo dai, giảm căng thẳng.

“Những người bạn” hội ngộ

Những chàng sinh viên trường Mỹ thuật năm nào nay tìm về bên nhau trong cuộc hội ngộ nghệ thuật mang tên “Art friends”. Các tác phẩm được dệt nên từ những kỷ niệm đẹp mà họ cùng trải qua trong suốt những năm lao động nghệ thuật.

Người giữ hồn văn hoá dân tộc

Bằng niềm đam mê, tâm huyết của mình, nhiều nghệ nhân trên địa bàn tỉnh Cà Mau nói chung, nghệ nhân người Khmer nói riêng đã và đang miệt mài tham gia gìn giữ, truyền dạy, phát huy các giá trị văn hoá của dân tộc mình từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trong đó phải kể đến Nghệ nhân Hữu Văn Kel, ở ấp Cây Khô, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình.

Ðồng bào Khmer đón Tết no ấm

Những ngày qua, đồng bào dân tộc tại xóm Khmer Lớn, Ấp 6, xã Khánh Hoà tất bật trang hoàng nhà cửa, làm cỏ hai bên đường, tập trung tại salatel dọn dẹp vệ sinh, tạo không gian xanh - sạch - đẹp để đón Tết cổ truyền của dân tộc.

Phim trường phục dựng bối cảnh xưa cũ: Nỗ lực lớn của nhà làm phim Việt

Cùng với nội dung và dàn diễn viên chuyên nghiệp, việc tìm đúng bối cảnh để phục dựng tạo nên phim trường chân thực, sát với thời gian, không gian mà phim miêu tả, là nỗ lực lớn của các nhà làm phim, góp phần tạo nên thành công cho tác phẩm.

Tâm huyết bảo tồn chữ viết dân tộc

Với tâm niệm không để ngôn ngữ và chữ viết dân tộc mình bị mai một, nhiều thầy giáo, các vị sư dân tộc Khmer đã âm thầm cống hiến công sức, trí tuệ, truyền dạy ngôn ngữ, chữ viết Khmer cho lớp trẻ. Qua đây, ngày càng có nhiều con em đồng bào Khmer thông thạo ngôn ngữ, chữ viết, cùng nhau giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.

Tài sản vô giá cho hậu thế

Trở lại năm 2012, khi UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, niềm vui ấy, sự tự hào lớn lao ấy lan toả khắp cả đất nước Việt Nam. Bởi một lẽ đơn giản, đâu đâu trên mảnh đất hình chữ S này, Vua Hùng cũng được Nhân dân thành kính khói hương.