(CMO) Câu chuyện sử dụng còi khi tham gia giao thông tưởng chừng như một lẽ thường, nhưng thực ra, nó phải gắn liền với văn hoá giao thông. Và "văn hoá còi" đang thực sự nhiễu loạn.
"Tin… tin… tin" - một hồi còi dài ngay phía sau lưng khi đang chờ đèn đỏ làm tôi giật bắn người. Nhìn lên đèn tín hiệu thì đèn đỏ báo vẫn còn 4 giây nữa mới chuyển sang đèn xanh. Ngoái nhìn lại phía sau - nơi phát tiếng còi khó chịu lại là hình ảnh một người đàn ông lịch sự, bảnh bao, trên gương mặt vẫn vẻ vô tư như không có chuyện gì xảy ra.
Đó chỉ là một trong những câu chuyện dở khóc dở cười về việc sử dụng tiếng còi xe.
"Văn hoá còi" và "văn hoá không còi"
Hành động thúc còi tại những địa điểm đông người được xem thiếu văn hoá trong tham gia giao thông. |
Nhân chuyện về tiếng còi xe tôi nhớ lại chuyến tháp tùng cùng đoàn công tác của UBND tỉnh Cà Mau sang công tác tại tỉnh Khăm Muộn của nước bạn Lào. Đến thăm thủ đô Viêng Chăn, điều làm tôi bất ngờ là với lưu lượng xe cộ đông đúc cùng đường sá cũng không lớn như những đô thị lớn của nước ta, vẫn bị kẹt xe, thế nhưng nó im ắng một cách lạ thường, không hề nghe những hồi còi thúc giục vội vã.
Khi thắc mắc thì được anh tài xế nhiều năm kinh nghiệm, chuyên chở các đoàn đi công tác tại các tỉnh của nước bạn Lào cho biết, không biết từ khi nào, nhưng người dân ở đây không hề sử dụng còi xe. Còi xe chỉ sử dụng khi những trường hợp thật sự cấp thiết. Nếu đang đi bình thường trên đường như thế này mà sử dụng còi là họ biết ngay đó là người từ xứ khác đến.
"Lúc đầu qua đây, do không biết, mình cũng sử dụng còi, thấy họ nhìn mình lạ lắm”, bác tài tâm tình.
Có lẽ quá chủ quan khi đem chuyện xứ người so sánh chuyện ở xứ mình. Thế nhưng, nếu nhìn thẳng vấn đề thì bất kỳ ở đâu, câu chuyện sử dụng còi cũng là một văn hoá. Và việc sử dụng còi vô tội vạ đã trở thành những tình huống, những câu chuyện đáng buồn ở nước ta, trong đó có Cà Mau.
Có rất nhiều trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng còi xe bất chấp, mọi lúc mọi nơi, không màng tới chuyện cấm hay không cấm. Việc trang bị còi trên phương tiện là cần thiết, nó chính là công cụ nhằm cảnh báo nguy hiểm khi tham gia giao thông. Tuy nhiên,việc sử dụng còi phải thực sự đúng cách, đúng quy định vì đó là nét văn hoá trong tham gia giao thông.
Có nhiều người xem việc sử dụng còi như một thú vui, thú tiêu khiển khi lưu thông trên đường, thúc còi inh ỏi, liên hồi ngay sát phía sau lưng người khác. Đó là chưa kể đến việc nhiều người còn thay đổi công suất, đặc tính của còi, làm ảnh hưởng lớn đến người khác. Nhiều xe mô tô cũng được độ vào đó những chiếc còi công suất lớn như xe ô tô và người sử dụng thì vô cùng thích thú khi sử dụng nó ở chốn đông người.
Không khó để bắt gặp xe sử dụng còi âm lượng cỡ lớn để “xin đường”. Những lúc đi quá gần những chiếc xe tải kiểu như vậy, với thứ âm khủng khiếp có thể sẽ gây ra tai nạn. Và không ai hiểu được tại sao họ lại có thể ung dung sử dụng còi hơi âm lượng lớn khi đang tham gia giao thông trong đô thị, nơi mà mật độ người đi lại trên đường khá đông. Chuyện xử phạt đối với lỗi này hầu như bị bỏ ngõ.
Mức xử phạt còn khá nhẹ
Trên thực tế, có rất nhiều trường hợp xe được độ lại hay thay đổi thiết kế còi ban đầu, sử dụng còi xe không đúng quy định nhưng chế tài xử lý chưa đủ mạnh. Theo đại diện Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Cà Mau, mức xử phạt chỉ từ 100-200 ngàn đồng đối với người bấm còi hoặc gây ồn ào, tiếng động lớn làm ảnh hưởng đến sự yên tĩnh trong đô thị và khu dân cư từ 22 giờ hôm trước đến 5 giờ hôm sau (trừ các xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ theo quy định); Phạt tiền 600-800 ngàn đồng đối với người điều khiển xe bấm còi, rú ga liên tục, bấm còi hơi. Trường hợp người điều khiển xe ô tô lắp đặt sử dụng còi vượt quá âm lượng quy định sẽ bị phạt tiền từ 2-3 triệu đồng.
Các mức phạt trên đã đủ sức răn đe đối với những trường hợp vi phạm hay chưa và có xử lý được phần lớn lỗi hay không là câu hỏi khó. Về lâu về dài thì việc xây dựng, hình thành cho mỗi người một nếp sống văn hoá ngay cả trong tham gia giao thông, nhất là việc sử dụng còi đúng nơi, đúng chỗ, đúng quy định mới là căn cơ./.
Song Khuê