(CMO) Kể từ khi ra đời và có hiệu lực đến nay, Nghị định 100/NÐ-CP của Chính phủ đã tạo dấu ấn đáng kể. Qua đó, tạo chuyển biến tích cực từ hành động đến nhận thức của người dân đối với các vi phạm hành chính về giao thông đường bộ, nhất là vi phạm về nồng độ cồn, góp phần kiềm chế tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn tỉnh.
Theo số liệu thống kê của Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Cà Mau, trong năm 2020, toàn tỉnh xảy ra 42 vụ TNGT đường bộ, làm 13 người chết và 38 người bị thương, giảm 26,7% so với cùng kỳ. Trong đó, nguyên nhân do sử dụng rượu, bia xảy ra 2 vụ, chiếm 4,8%.
Từ những số liệu trên cho thấy, các vi phạm về nồng độ cồn đã giảm đáng kể. Ðây chính là kết quả sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh, trong đó chủ công vẫn là lực lượng chuyên ngành cảnh sát giao thông (CSGT).
Chỉ tính riêng trong năm 2020, lực lượng CSGT đã tuần tra kiểm soát 36.437 ca, phát hiện lập biên bản xử lý 53.607 trường hợp vi phạm trật tự ATGT (tăng 2.414 trường hợp), ra quyết định xử phạt 42.686 trường hợp, với số tiền gần 72 tỷ đồng. Trong đó, lỗi vi phạm nồng độ cồn chiếm 14,8%, với 7.951 trường hợp vi phạm. Các lỗi vi phạm có nguy cơ tiềm ẩn TNGT cao, như vi phạm về nồng độ cồn khi tham gia giao thông, đã được kiềm chế quyết liệt và mạnh tay.
Lực lượng CSGT Công an TP Cà Mau thường xuyên túc trực, tăng cường tuần tra, kiểm soát đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông. |
Trên thực tế, số người sử dụng rượu, bia vẫn còn khá nhiều, chủ yếu tập trung tại các nhà hàng, quán nhậu vào ban đêm. Tuy nhiên, việc vi phạm về nồng độ cồn khi tham gia giao thông giảm nhiều hơn so với trước. Ðiều này cho thấy, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng, ý thức của người tham gia giao thông chuyển biến rõ rệt. Nhiều người đã có ý thức tự giác chấp hành luật giao thông trong việc di chuyển sau các buổi tiệc, đơn cử như việc sử dụng các dịch vụ lái xe đưa về nhà.
Anh Nguyễn Hoàng P, ngụ Phường 8, TP Cà Mau, trong lần dự tiệc cùng bạn bè, với tâm lý chủ quan, chỉ uống 1 lon bia cho vui không ảnh hưởng gì đến việc lái xe, anh P đã bị lực lượng làm nhiệm vụ phát hiện xử phạt, với số tiền hơn 10 triệu đồng. Từ bài học đắt giá đó, anh P đã ý thức hơn trong việc tự giác chấp hành luật giao thông. Anh P chia sẻ: “Giờ sau mỗi tiệc nhậu tôi không dám tự chạy xe nữa. Thuê các dịch vụ lái xe về tận nhà vừa rẻ tiền lại an toàn cho mình”.
Theo Trung tá Nguyễn Quốc Khởi, Ðội trưởng Ðội CSGT, trật tự, Công an TP Cà Mau, cho biết: “Tính đến thời điểm hiện tại, Nghị định 100 đã tạo chuyển biến tích cực cho một bộ phận người tham gia giao thông, nhất là đối với người có sử dụng rượu, bia. Nhiều người ý thức hơn trong cách lựa chọn phương thức trở về nhà sau các bữa tiệc. Dù tại các quán nhậu, lượng xe khá đông nhưng phần lớn họ chọn cách di chuyển về bằng dịch vụ xe đưa tận nhà. Mặc dù vậy chúng tôi vẫn không lơ là trong công tác tuần tra, kiểm soát đối với hành vi vi phạm này, và càng làm quyết liệt, mạnh tay hơn, nhất là trong thời điểm Tết cận kề. Qua đó, từng bước tác động sâu vào ý thức mỗi người khi tham gia giao thông”.
Nghị định 100/NÐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đã đi vào cuộc sống, tạo hành lang pháp lý chặt chẽ, với những chế tài xử phạt nghiêm minh, có tính răn đe, thực sự là một trong những “liều thuốc” có tác dụng khá mạnh đối với hành vi vi phạm về trật tự ATGT, nhất là các vi phạm về nồng độ cồn khi tham gia giao thông./.
Lê Chí