(CMO) Ði qua chiến tranh, để lại một phần máu xương của mình nơi chiến trường đổi lấy độc lập, tự do cho dân tộc, trở về đời thường, những người lính Cụ Hồ năm xưa vẫn tiếp tục cống hiến, xông pha trên mặt trận phát triển kinh tế. Tại huyện Ngọc Hiển, nhiều thương binh dù mang trên mình những mất mát, đớn đau về thể xác, nhưng với nghị lực phi thường, họ đã vượt qua khó khăn, vươn lên làm kinh tế giỏi, hăng say đóng góp, xây dựng quê hương ngày thêm khởi sắc; trong số đó có ông Nguyễn Trọng Nghĩa, thương binh 2/4, ở ấp Ðường Dây, xã Tân Ân Tây.
Trên chiếc nạng gỗ, thương binh Nguyễn Trọng Nghĩa chậm rãi bước đi dẫn đường cho chúng tôi vào thăm ngôi nhà của mình. Nhấp ly trà ấm, ông hồi tưởng: Năm 1977, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông tự nguyện viết đơn xin nhập ngũ, tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam. Ðầu năm 1979, trong một trận đánh, ông bị thương nặng, vĩnh viễn mất đi 1 chân.
Ông Nghĩa bồi hồi: “Tỉnh dậy thì mới hay mình bị trúng đạn, chỉ còn lại chân bên trái, tôi rất sốc, gần như suy sụp, cứ nghĩ thôi rồi, số mình tới đây là hết. Nhưng nhìn lại xung quanh đồng đội, người thì bị thương phải cưa cả 2 tay, người thì bị mù luôn đôi mắt, còn có người đã anh dũng hy sinh…, tôi thấy vẫn còn may mắn, mất mát của mình vẫn chưa là gì so với đồng đội, nên tự nhủ phải cố gắng vượt qua, còn sống là còn tất cả”.
Mất đi một phần thân thể, tỷ lệ thương tật gần 70%, đối mặt với rất nhiều khó khăn trong cuộc sống đời thường, nhưng không vì thế mà người lính năm xưa buông xuôi, mặc cho số phận. Trái lại, ông Nghĩa luôn giữ tinh thần lạc quan, nỗ lực vượt khó, làm đủ nghề để mưu sinh.
Với số vốn dành dụm, ông Nghĩa mua được hơn 2 ha đất thả nuôi tôm, cua xen canh. Nhờ siêng năng, chịu khó, mạnh dạn cải tiến, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào quá trình nuôi nên nhiều vụ mùa liên tiếp, gia đình ông thu hoạch năng suất cao. Từ hơn 2 ha đất, đến nay, ông Nghĩa đã tạo dựng nên cơ ngơi ổn định, khang trang, có trong tay gần 20 ha đất sản xuất. Trên phần đất của mình, ông Nghĩa đào ao nuôi cá nước ngọt, trồng các loại cây ăn trái, cho tổng thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.
Mô hình nuôi cá nước ngọt mang lại thu nhập kinh tế cho gia đình ông Nguyễn Trọng Nghĩa. |
Ông Nghĩa trần tình: “Ban đầu làm việc gì cũng gặp khó khăn, bất tiện, hay bị té, nhưng dần dần rồi quen. Mình cũng phải cố gắng làm, còn nuôi vợ con”.
Ngoài làm vuông, “nghề tay trái” của ông Nghĩa là làm xáng cuốc và nhận thầu xây dựng các công trình giao thông nông thôn. Từ nghề này, ông có dịp đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người. Ðến đâu, ông Nghĩa cũng luôn sẵn lòng giúp đỡ những hoàn cảnh nghèo khó hơn mình. Vươn lên từ khó khăn nên ông thấu hiểu và tâm niệm giúp được ai cái gì thì sẽ giúp. Từ giúp đỡ, hỗ trợ về vật chất đến chia sẻ kinh nghiệm làm ăn để anh em đồng đội và bà con địa phương cùng nhau vươn lên phát triển kinh tế. Vì vậy, ông Nghĩa được anh em đồng đội và người dân địa phương tín nhiệm, cảm phục, quý mến.
Ông Nguyễn Văn Tô, ấp Ðường Dây, xã Tân Ân Tây, khâm phục: “Thấy ảnh một chân vậy chứ người bình thường chưa chắc gì hơn ảnh. Lúc mới về đây, anh Nghĩa không có gì, từ từ tạo dựng được cơ ngơi, nuôi con ăn học tới nơi tới chốn. Tôi thấy anh có một nghị lực vượt khó phi thường. Trong công việc làm ăn, anh Nghĩa rất siêng năng, nhanh nhẹn. Gặp người nào khó khăn thì anh luôn sẵn sàng giúp đỡ, không nhiều thì ít”.
Ông Tô Quốc Tảng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tân Ân Tây, đánh giá: “Ðồng chí Nghĩa rất chăm lo làm ăn, gương mẫu đi đầu, nhiệt tình tham gia, đóng góp tích cực các mặt công tác hội cũng như công tác an sinh ở địa phương. Ðơn cử như vừa qua, tại các trụ sở sinh hoạt văn hoá thiếu cái bục phát biểu, đồng chí sẵn sàng tài trợ để mua bục cho 8/10 ấp của xã. Ngoài ra, khi dịch Covid-19 bùng phát, đồng chí Nghĩa đóng góp tiền, thực phẩm, gạo… cùng vợ đứng ra tổ chức bếp ăn 0 đồng góp phần chăm lo cho bà con trong các khu cách ly của địa phương. Không chỉ vậy, trong các hoạt động an sinh xã hội, khi được vận động đóng góp thì đồng chí luôn sẵn sàng”.
Khắc ghi lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Thương binh tàn nhưng không phế”, bằng nghị lực phi thường của người lính Cụ Hồ, thương binh Nguyễn Trọng Nghĩa không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên khá giàu, nuôi con ăn học thành tài, xây dựng gia đình no ấm. Với người dân địa phương, hình ảnh người thương binh chỉ còn một chân rong ruổi trên chiếc vỏ máy cũ, lặn lội, nhiệt tình trong các công việc xóm, ấp đã trở nên quen thuộc./.
Trúc Linh - Thanh Chính